Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 06:12 (GMT +7)
Thăm trang trại gà “mặt quỷ”
Chủ nhật, 20/02/2022 | 14:53:51 [GMT +7] A A
Gà Aya Cemani hay còn có tên gọi gà "mặt quỷ" có xuất xứ từ đảo Java (Indonesia) là giống gà có giá trị kinh tế và dinh dưỡng rất cao. Giống gà quý hiếm, đắt đỏ, khó nuôi, nhân giống mới đây đã được chăm nuôi thành công ở Đông Triều.
"Tầm sư" học... nuôi gà
Ở Việt Nam mới có số ít người chăm nuôi và nhân giống thành công giống gà quý này, ở Hà Nội và khu vực phía Nam. Thế mà dịp cuối năm 2021 vừa qua, chúng tôi tình cờ phát hiện trang trại nuôi gà ''mặt quỷ" này, lên tới hàng nghìn con ở Đông Triều. Qua những con đường, cánh đồng ngập hoa ở Bình Khê, chúng tôi tới trang trại gà rộng hàng nghìn m2 của anh Nguyễn Văn Duy ở thôn Trại Thông (Bình Khê, Đông Triều).
Điều chúng tôi vô cùng bất ngờ là trại giống gà đắt đỏ này cũng khá khác biệt với các trại gà quy mô khác. Nói là trang trại gà nhưng khuôn viên đẹp, rộng rãi, đường đi rộng, được tô điểm bởi hoa, hồ nước và không hề có mùi phân gà khó chịu.
Dẫn chúng tôi ra thăm trại gà, anh Nguyễn Văn Duy, chủ trang trại vừa đi vừa kể: Giống gà xuất xứ từ đất nước vạn đảo Indonesia, mà người dân bản địa còn gọi vui bằng cái tên Lamborghini (tên một thương hiệu siêu xe nổi tiếng thế giới). Đây là nguồn gen quý, là một trong 10 loại thực phẩm siêu đắt trên thế giới. Là người đam mê làm kinh tế, tìm kiếm những cái mới, một lần tôi tình cờ đọc được bài báo về trang trại của anh Phan Minh Cường ở Cái Răng (Cần Thơ) đã thuần hóa nuôi và cho thu nhập cao từ giống gà nổi tiếng này, tôi mê ngay, liền liên hệ với anh Cường.
Ngay sau đó, Duy cùng người em họ “cơm nắm” lên đường vào Cần Thơ. “Tai nghe, mắt thấy” giống gà quý này, Duy liền nằn nì bằng được xin ở lại 1 tháng tại trại học kỹ thuật chăm nuôi gà. Sau đó, Duy dành hết vốn liếng lấy giống chừng 500 con gồm trứng ấp, gà mới nở, 100 con gà choai. Đặc biệt, Duy mua 50 cặp gà bố mẹ F1 từ gà gốc nhập từ Java (Indonesia), trong đó riêng gà trống có giá từ 20-30 triệu đồng/con, đưa về nuôi.
Duy dành nguyên khoảng chừng 700-800m2 diện tích đất làm thành từng chuồng nhỏ, phân khu và cả khu chăn thả bán tự nhiên. Dẫn chúng tôi thăm khu nuôi, Duy bắt một con gà trống lớn bảo: Sở dĩ gọi là gà "mặt quỷ" bởi khắp người, mặt, mào, mắt… của chúng đều đen tuyền. Giống gà này mặt khá dữ, đặc biệt là con trống, thế nên nhiều người đặt cho cái tên gà "mặt quỷ". Khác với gà ác hay gà Hắc Phong, gà mặt quỷ không chỉ toàn thân màu đen tuyền từ lông, chân, móng, mào, yếm… đến lưỡi, cổ họng, xương, nội tạng… đều đen.
Để nuôi thành công giống gà này, Duy và người em họ đã phải trả giá nhiều, thậm chí có lúc tưởng chừng mất trắng. "Gà "mặt quỷ" là giống hiếm, vô cùng giá trị có xuất xứ từ Indonesia nên ban đầu nuôi do Quảng Ninh là vùng có mùa đông lạnh, mưa nắng thất thường, không hợp khí hậu nên chúng bị chết. Mùa đông, mỗi ngày nhìn đàn gà quý chết dần, tới 2/3 tổng đàn, số vốn đầu tư gần 1 tỷ đồng dần bay, khiến tôi mất ăn mất ngủ. Để thay đổi, tôi nghiên cứu tăng chất lượng đạm trong khẩu phần ăn cho gà cùng một số lá cây rừng để tăng sức đề kháng cho gà. Tôi phải quây bạt phủ kín chuồng, rải trấu dày mặt chuồng, đặc biệt phải chạy máy sưởi để ủ ấm cho chúng. Riêng tiền điện sưởi ấm gà tháng nào cũng tốn chừng 30-40 triệu đồng. Nhờ đó mà giữ được số gà còn lại”- Duy kể.
Kiên trì suốt mùa đông giá rét, dần dần đàn gà của Duy cũng thích nghi được. Cho tới tháng 4, gà bắt đầu sinh trưởng tốt hơn. Để tái đàn, một lần nữa Duy phải tiếp tục mua thêm một số gà 3 - 4 tháng tuổi và gà trưởng thành khác.
Không thể mãi mua giống, bao hy vọng dồn vào số trứng mua về ấp. Chưa hết, số trứng 100 quả, trị giá 100.000đ/quả đưa về ấp không nở, hỏng toàn bộ. Duy và đồng sự mày mò nghiên cứu để ấp trứng nở. Thế nhưng tỉ lệ ấp trứng thành công rất thấp, thậm chí… ung hết. “Có giai đoạn tôi phải bỏ cả nhà cửa, tạm gác công việc, suốt ngày chỉ ở chuồng gà, lăn lộn với trứng gà, máy ấp… Thậm chí còn mua trứng nhập tận gốc Indonesia về mà... vẫn không thành công’’- Duy tâm sự.
Sau hàng tháng trời, qua nhiều lần mày mò ấp trứng, bước đầu Duy cũng nhân giống thành công với tỉ lệ chừng 30-40% nhờ quy trình tuyển chọn, giữ trứng cẩn thận. Tiếp tục đầu tư, Duy liên tục thay đổi gà trống để phối giống bằng gà trống F1 nhập từ trại gà Cần Thơ với giá từ 10, thậm chí 20 - 30 triệu đồng/con, bố trí 2 trống và 6 mái mỗi chuồng thay vì 1 trống. Để có trứng tốt, gà trống gây giống phải là con khỏe mạnh nhất, mào to, mào cờ ở lúc sung sức nhất từ 10-18 tháng tuổi, tức là ngoài 18 tháng tuổi là không dùng để nhân giống nữa.
Dần làm chủ giống gà quý
Nhờ kiên trì và mạnh dạn đầu tư, Duy đã bước đầu thành công trong việc làm chủ quy trình chăm nuôi và nhân giống gà quý, vốn không ưa thời tiết ở miền Bắc. Hiện trang trại của Duy có khoảng 3.000 con gà "mặt quỷ", riêng gà đẻ hơn 1.000 con, còn lại là gà giống và gà thương phẩm. Đây được xem là nơi nuôi gà mặt quỷ đầu tiên tại Quảng Ninh và có lẽ là trang trại có số lượng gà "mặt quỷ" lớn nhất, nhì miền Bắc.
Quá trình nuôi gà ''mặt quỷ'' công phu, vất vả và tốn kém nhưng gà lại có giá trị dinh dưỡng và kinh tế vô cùng cao. Thịt gà "mặt quỷ'' săn chắc, thơm ngon, ít chất béo, chứa hàm lượng sắt cao và chống ô xi hóa, tăng cường sức đề kháng, đặc biệt tốt cho phụ nữ trước và sau khi sinh. Nuôi từ 7 đến 8 tháng, gà trống đạt trọng lượng trên 2 kg/con, gà mái 1,7 kg/con là có thể xuất bán thương phẩm. Gà nuôi khoảng 6 tháng có thể cho sinh sản, trứng gà "mặt quỷ'' cũng bán được giá rất cao. Đó là chưa kể gà ''mặt quỷ'' lông mượt còn có giá trị làm cảnh, là vật linh thiêng mang lại nhiều điều may mắn, giá có thể gấp 2, 3 lần gà thịt.
"Chúng tôi bắt đầu xuất gà giống và gà thương phẩm ra thị trường từ năm 2021, đến giờ đã bán trên 2.000 gà thương phẩm và vài nghìn con gà giống. Giá gà thương phẩm dao động từ 700.000đ đến trên 1 triệu đồng/kg, gà giống thì vài trăm nghìn đồng, tùy loại. Dù đắt nhưng gà vẫn được các nhà hàng lớn đặt hàng, nhiều người mua về làm quà biếu. Ở Quảng Ninh, gà bán được nhiều tại nhà hàng Xuân Viên (Đông Triều) và chuỗi nhà hàng Hồng Hạnh. Và ngay từ đầu năm nay, chúng tôi đã có nhiều đơn hàng đặt gà cho dịp cuối năm, có đơn lên tới 1.000 con" - anh Duy vui mừng chia sẻ.
Cuối buổi, Duy mời chúng tôi thưởng thức món gà nấu sâm tuyệt ngon. Duy chia sẻ, về cách chế biến món gà quý hiếm này, luộc, rang muối hay kho thì sẽ không tiết được hết chất của thịt gà quý, vì thế anh cũng học, sáng tạo cho nhà hàng của mình món nấu canh sâm là ngon, bổ dưỡng nhất. Ngoài ra có thể hầm, ăn lẩu. Thời gian tới, Duy sẽ dừng 2 năm bán gà thương phẩm để nâng đàn lên khoảng 1 vạn con nhằm nuôi quy mô lớn, giảm giá thành, đưa giống gà quý tới tay của nhiều người tiêu dùng hơn.
Tạ Quân
Liên kết website
Ý kiến ()