Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 12:59 (GMT +7)
Tháng bảy - tháng tri ân
Thứ 7, 27/07/2024 | 05:13:05 [GMT +7] A A
Đã từ lâu, ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 là ngày mang ý nghĩa thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, ăn quả nhớ kẻ trồng cây" của người Việt Nam. Hàng năm cứ đến ngày 27/7, cả nước lại có nhiều hoạt động ghi nhớ, tri ân công lao to lớn của những anh hùng đã ngã xuống vì nền độc lập nước nhà. Đây cũng là dịp quan trọng để các cấp chính quyền, các tổ chức, đoàn thể, cá nhân đến thăm hỏi các gia đình liệt sĩ, những mẹ Việt Nam Anh hùng.
Trong những ngày này, cùng với cả nước, tại khắp các địa phương của Quảng Ninh sôi nổi những hoạt động thăm hỏi, tặng quà, của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các cấp chính quyền, tổ chức, đoàn thể, cá nhân đối với các thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, kháng chiến. Tất cả nhằm tri ân với những hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, người có công đã hy sinh xương máu, sức lực để cho đất nước được hoà bình, phát triển như ngày hôm nay.
Ngược dòng thời gian hơn nửa thế kỷ trước, trong những năm đầu của cuộc kháng chiến quyết liệt chống thực dân Pháp, nhiều đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh, cống hiến xương máu trên các chiến trường. Thấm nhuần đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và thấu hiểu sâu sắc giá trị của sự hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh đối với đất nước, Đảng, Chính phủ, Bác Hồ và nhân dân ta đã dành tất cả tình thương yêu cho các chiến sĩ và đồng bào đã vì độc lập, tự do của Tổ quốc mà bị thương hoặc hy sinh.
Ngày 16/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức ký Sắc lệnh số 20/SL "Quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ". Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sĩ và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ.
Tháng 6/1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội Phụ nữ Cứu quốc, Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha Thông tin Tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ (Bắc Thái) để bàn về công tác thương binh, liệt sĩ và thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn một ngày làm ngày Thương binh - Liệt sĩ. Tại cuộc họp này các đại biểu đã nhất trí chọn ngày 27/7 là ngày “Thương binh toàn quốc”. Từ tháng 7/1955, Đảng và Nhà nước ta quyết định đổi “Ngày Thương binh toàn quốc” thành “Ngày Thương binh - Liệt sĩ” để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc.
Theo Chỉ thị 223/CT-TW, ngày 8/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1975, ngày 27/7 hằng năm chính thức trở thành “Ngày Thương binh - Liệt sĩ” của cả nước.
Được biết, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có khoảng 12.000 người có công với cách mạng và thân nhân đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Bên cạnh việc thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chính sách, chế độ theo quy định chung, tỉnh còn ban hành các nghị quyết riêng với nhiều chính sách đặc thù, hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương để thực hiện hỗ trợ, chăm lo cho người có công.
Gần nhất là tại Kỳ họp thường lệ cuối năm 2023, HĐND tỉnh khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 23/2023/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ một số đối tượng người có công với cách mạng và thân nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Trước đó, từ năm 2013-2021, Quảng Ninh đã triển khai và hoàn thành 3 giai đoạn của Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, với tổng số 12.322 hộ được hỗ trợ về nhà ở. Qua đó, đưa Quảng Ninh trở thành địa phương hoàn thành Đề án 22 sớm nhất cả nước, vượt 20% số hộ được hỗ trợ so với đề án đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định. Năm 2023, có thêm 649 người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ được hỗ trợ theo đề án trên.
Đại Dương
Liên kết website
Ý kiến ()