Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:49 (GMT +7)
Thanh toán không dùng tiền mặt: Chuyển biến từ người dân
Thứ 5, 22/09/2022 | 13:49:41 [GMT +7] A A
Ngày 28/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1813/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Với Quảng Ninh, việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt đã được các ngành, địa phương, doanh nghiệp xây dựng, thực hiện từ rất sớm.
Là ngành có khoản thu, chi lớn, liên quan đến nhiều đối tượng, thời gian qua BHXH tỉnh đã đẩy mạnh việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Ngành đã xây dựng kế hoạch, phối hợp với các ngân hàng thương mại triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2022. Phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện chuyển khoản kinh phí đóng BHXH, BHTN, BHYT cho người lao động, hay chuyển khoản kinh phí thanh toán chi trả chế độ ốm đau, thai sản...
Cùng với đó, ngành BHXH tỉnh còn phối hợp với hệ thống ngân hàng thực hiện tuyên truyền, vận động đối tượng lĩnh lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng sử dụng hình thức nhận lương hưu và trợ cấp BHXH qua tài khoản ATM; đồng thời giao chỉ tiêu vận động, khuyến khích phát triển ATM cho cán bộ, viên chức trực thuộc Văn phòng BHXH tỉnh và BHXH các huyện, thị xã, thành phố thực hiện. Hiện BHXH tỉnh thực hiện chi trả qua tài khoản ATM cho 49.856/135.296 người nhận chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, đạt 36,9%.
Không chỉ BHXH mà các ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt. Cụ thể như việc thu học phí, tiền bán trú của học sinh của nhiều trường học được thực hiện theo hình thức chuyển khoản vào tài khoản ngân hàng. Một số bệnh viện trên địa bàn tỉnh thu, chi phí khám, chữa bệnh theo hình thức chuyển khoản hay quẹt thẻ ATM... Nhiều trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn cũng đã linh hoạt các hình thức thanh toán cho khách hàng, trong đó có thanh toán qua tài khoản, qua quẹt thẻ ATM, quét QR-Code, thanh toán qua ví điện tử...
Hiện Viettel Quảng Ninh đã triển khai thử nghiệm chợ 4.0 tại chợ Cột và chợ Mạo Khê (Đông Triều), với tổng số 58 điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt. Viettel Quảng Ninh cũng triển khai thử nghiệm mô hình “phố thông minh” không dùng tiền mặt tại Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu và tháng 8/2022 thực hiện hướng dẫn đăng ký tính năng điểm chấp nhận thanh toán hoàn toàn miễn phí trên Viettel Money cũng như dùng Viettel Money để thanh toán các loại phí tại chợ Hạ Long I.
Cũng trong tháng 8/2022, VNPT Quảng Ninh phối hợp với BQL chợ Cái Dăm (phường Bãi Cháy, TP Hạ Long) ra quân mở miễn phí các điểm chấp nhận thanh toán VNPT Money cho hơn 500 hộ kinh doanh tại chợ. Theo đó, mỗi ki-ốt tại chợ Cái Dăm sẽ trở thành cửa hàng kinh doanh 4.0 với dịch vụ VNPT Money, chấp nhận thanh toán qua QR-Code cho toàn bộ các giao dịch của khách hàng mua sắm tại cửa hàng.
Cùng với đó, hình thức thanh toán trực tuyến thông qua chuyển khoản ngân hàng, trừ phí tự động qua tài khoản, hoặc dùng ví điện tử được áp dụng với rất nhiều ngành trên địa bàn tỉnh như: Thanh toán tiền điện, nước, mua sắm trực tuyến ở các sàn thương mại điện tử... Với nhiều người dân, nhất là những người trẻ, việc thanh toán không dùng tiền mặt đã trở thành thói quen trong sinh hoạt hằng ngày. Theo thống kê của các nhà mạng, tính đến tháng 7/2022, trên địa bàn tỉnh đã có 250.000 thuê bao cài đặt và sử dụng Mobile Money. Tỷ lệ dân số trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử đạt 95%.
Để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, hầu hết các ngân hàng miễn phí dịch vụ chuyển tiền, phối hợp với các đối tác có chương trình ưu đãi cho người dùng. Triển khai ứng dụng thanh toán di động, ví điện tử, cổng thanh toán..., tạo thuận lợi cho khách hàng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận dịch vụ tài chính. Đồng thời, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, giải pháp mới vào hoạt động thanh toán nhằm tăng tốc độ thanh toán, tăng cường an toàn, bảo mật dịch vụ, gia tăng trải nghiệm và sự hài lòng của khách hàng như xác thực sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt); thanh toán qua mã QR mang lại trải nghiệm mới cho khách hàng.
Về phía chính quyền địa phương, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân, triển khai việc thanh toán không dùng tiền mặt trong các lĩnh vực của đời sống. Từ năm 2015, tỉnh đã chỉ đạo thống nhất trong toàn tỉnh việc trả lương cán bộ, công chức, viên chức, người lao động qua tài khoản ngân hàng. Qua đó, từ năm 2019 đến nay, tỷ lệ chi trả lương qua tài khoản của các cơ quan, đơn vị đạt 100%.
Tháng 3/2022, Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch số 97/KH-UBND về việc triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025. Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu đến cuối năm 2025, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%. Mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công như dịch vụ thu NSNN đạt 99%; dịch vụ thu tiền điện đạt 95% số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình; dịch vụ thu tiền nước đạt 90% số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình; dịch vụ hành chính công đạt 100% số tiền phí dịch vụ cấp tỉnh, 70% số tiền dịch vụ cấp huyện...
Để đạt mục tiêu này đòi hỏi các cấp, các ngành cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong hoàn thiện hạ tầng công nghệ, tích cực vận động, tuyên truyền về thanh toán không dùng tiền mặt đến với mỗi người dân.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()