Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 08:22 (GMT +7)
Tháo gỡ vướng mắc về thể chế, giảm phiền hà cho doanh nghiệp và người dân
Chủ nhật, 05/09/2021 | 12:06:45 [GMT +7] A A
Văn phòng Chính phủ vừa phát đi thông báo truyền đạt kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Hải quan, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
Thông báo cho biết, ngày 31/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ cho ý kiến về dự án luật trên. Tham dự cuộc họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Lê Văn Thành; Bộ trưởng các Bộ Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Quốc phòng, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Công Thương, Giao thông vận tải, Ngoại giao; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; đại diện lãnh đạo các Bộ Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và lãnh đạo Văn phòng Chính phủ.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Tư pháp, ý kiến của các Bộ, cơ quan dự họp và ý kiến của các Phó Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, cơ quan liên quan đã tập trung, kịp thời rà soát, tổng hợp, đánh giá các vướng mắc, nghiên cứu, xây dựng dự án Luật trình Chính phủ. Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021; xây dựng, ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021).
Để bảo đảm chất lượng, tính khả thi của Dự án Luật trình Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ tại Phiên họp thường kỳ tháng 8/2021, để trình Quốc hội. Hồ sơ trình Quốc hội cần làm rõ các căn cứ chính trị, pháp lý của việc xây dựng, trình dự án luật, trên cơ sở Nghị quyết đại hội XIII của Đảng, kết luận của Hội nghị lần thứ ba Ban chấp hành Trung ương khóa XIII, các nghị quyết, chỉ thị, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; các nghị quyết của Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ nhất và các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về hoàn thiện thể chế phát triển, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ và thúc đẩy đầu tư, kinh doanh, thực hiện mục tiêu kép trong điều kiện dịch bệnh COVID-19.
Về mục tiêu xây dựng luật, Thủ tướng nhấn mạnh, cần xác định đây là dự án luật rất quan trọng, là yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách, với mục tiêu là tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, phát huy các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; cắt giảm và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm phiền hà, chi phí cho doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh COVID-19.
Về quan điểm xây dựng, trình dự án Luật, Thủ tướng lưu ý, những vấn đề đã rõ, đã chín, đã được thực tế kiểm nghiệm, có sự đồng thuận cao thì cần luật hóa; những vấn đề thực tế có vướng mắc, thực sự cần tháo gỡ thì cần rà soát, xác định các nội dung, phạm vi vấn đề sửa đổi, bổ sung, có thể chỉ sửa đổi, bổ sung một số vấn đề nhỏ, hẹp, tương đối độc lập nhưng giải quyết được các vướng mắc, cản trở lớn, mà vẫn bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ, tổng thể, thống nhất của hệ thống pháp luật; phân cấp mạnh cho các bộ, địa phương đi đôi với trao quyền thực hiện các quy trình, thủ tục, gắn với tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, chống tiêu cực khi thực hiện.
Về nội dung dự án Luật, Thủ tướng giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện các nội dung đã thống nhất của dự án luật; phân tích, đánh giá kỹ tác động của các chính sách; tập trung sửa đổi, bổ sung các vấn đề vướng mắc của các luật cần sửa đổi ngay, được các bộ, địa phương thống nhất, đồng thuận kiến nghị; nghiên cứu tiếp thu tối đa ý kiến của các bộ, Thường trực Chính phủ tại cuộc họp, báo cáo Chính phủ phương án bổ sung, sửa đổi các quy định về phân cấp thẩm quyền, trình tự, thủ tục quản lý đất đai, khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, dự án nhà ở... có thể kết hợp được với sửa đổi, bổ sung các nội dung của 10 luật này để bảo đảm tính đồng bộ và khả thi trong triển khai thi hành luật này.
Các bộ trong phạm vi lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công chủ động phối hợp với Bộ Tư pháp, hoàn thiện dự án luật, báo cáo Chính phủ.
Liên quan đến đề nghị của Bộ giao thông vận tải về cơ chế, chính sách triển khai các dự án đường cao tốc, Thủ tướng giao Bộ giao thông vận tải phối hợp với Bộ Tư pháp, các bộ, cơ quan liên quan rà soát, đánh giá toàn diện các cơ chế, pháp luật, chính sách phát triển đường cao tốc, đề xuất các cơ chế, chính sách, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết thực hiện thí điểm.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tích cực, chuẩn bị kỹ nội dung, chủ động phối hợp sớm, chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan của Quốc hội, thống nhất nội dung, tạo đồng thuận cao khi trình Quốc hội dự án luật này.
Về các vấn đề liên quan thuộc thẩm quyền của các bộ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ chủ động rà soát, xử lý kịp thời, các vấn đề vượt thẩm quyền, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()