Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 04:09 (GMT +7)
Thảo luận tại hội trường về nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH
Thứ 6, 08/07/2022 | 14:27:50 [GMT +7] A A
Tiếp tục chương trình làm việc ngày thứ 2, chiều 8/7, Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XIV diễn ra phiên thảo luận tại hội trường về các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH năm 2022; các tờ trình, dự thảo Nghị quyết trình tại kỳ họp.
Tại phiên thảo luận tại hội trường chiều 8/7, có 21 ý kiến đăng ký phát biểu. Đồng chí Vi Ngọc Bích, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, thay mặt Chủ toạ Kỳ họp điều hành phiên thảo luận.
Đại biểu Nghiêm Xuân Cường, Tổ đại biểu TP Uông Bí: Cần xem xét tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp sản xuất, phát triển sản phẩm du lịch theo chuỗi, bền vững hóa các giá trị do than mang lại.
Trong dự thảo nghị quyết nhiệm vụ phát triển KT - XH 6 tháng cuối năm 2022 của tỉnh, bên cạnh những nội dung đã đồng tình, đại biểu Nghiêm Xuân Cường đề xuất cần làm rõ hơn về một số nội dung. Cụ thể đại biểu cho rằng nội dung về giữ vững sức sản xuất của các trụ cột kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực thu hút đầu tư vào các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo là định hướng đúng đắn, đã xác định đúng trọng tâm, nhưng cần phải tiếp tục có hình thức tổ chức thực hiện rõ hiệu quả, đảm bảo chủ trương nhanh chóng đi vào thực tế đời sống. Bởi trong 6 tháng đầu năm, nhiều dự án bị chậm tiến độ bởi đồng thời nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan. Do đó, tỉnh cần nhìn nhận, chuẩn bị kỹ càng hơn về khía cạnh xúc tiến đầu tư vào sản xuất cho các năm tới; lựa chọn đúng nhà đầu tư, các doanh nghiệp có thực lực về vốn, tâm huyết với tỉnh, có sẵn cơ sở vật chất ban đầu... để quan tâm hỗ trợ gỡ bỏ rào cản, xem xét bổ sung quy hoạch. Đơn cử như trên địa bàn TP Uông Bí có doanh nghiệp Công ty CP tập đoàn cơ khí Quang Trung đang có đề xuất về dự án cụm công nghiệp cơ khí công nghệ cao, được đánh giá cao về tiềm năng, cũng nên được xem xét.
Về sản xuất của ngành than và sử dụng nguồn lực liên quan đến hoạt động khai thác than, đại biểu đánh giá sự tăng trưởng không đáng kể, sự ổn định về lâu dài sẽ giảm dần. Do đó, đặt ra yêu cầu cần có hướng bền vững hóa các giá trị do than mang lại song song với nhiệm vụ thúc đẩy ngành than sản xuất. Đồng thời, cần có định hướng chuyển giá trị của than vào các giá trị bền vững cho tỉnh, như: Hạ tầng giao thông, xử lý nước thải, phát triển rừng, thiết chế văn hóa... Tức là, cần ưu tiên sử dụng nguồn thu từ than để đầu tư, giảm dần chi tiêu thường xuyên bằng nguồn tiền này.
Về phục hồi, phát triển ngành du lịch, đại biểu cho rằng yếu tố liên kết chuỗi sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức. Hiện nay chủ yếu phát triển các sản phẩm du lịch theo mùa, theo địa bàn riêng lẻ... chưa có sự phong phú, đồng đều. Do đó, đề nghị tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh liên kết du lịch, hình thành các chuỗi sản phẩm giữa các địa phương, khai thác tối đa lợi thế tự nhiên, làm cơ sở cho công tác xúc tiến. Đặc biệt là có các cơ chế hỗ trợ để địa phương và doanh nghiệp cũng cần ngồi lại để làm phong phú thêm sản phẩm du lịch.
Về điều hành thu chi ngân sách, đại biểu đề nghị cần thắt chặt kiểm soát hiệu quả hơn nữa nguồn thu từ đất; cần có giải pháp hợp lý để vừa huy động ít đất đai mà thu ngân sách vẫn đảm bảo đúng chủ trương.
Đối với việc điều hòa giảm vốn cho các dự án giải ngân không đạt tiến độ để bổ sung cho các công trình dự án trọng điểm, đại biểu cho rằng đây là chủ trương đúng đắn của tỉnh từ nhiều năm qua. Thời gian tới, đại biểu đề nghị cần xem xét việc điều chuyển vốn theo liên thông 2 cấp, có thể điều chuyển vốn cho cả công trình trọng điểm cấp địa phương nếu năng lực giải ngân tốt, cách làm hiệu quả trong GPMB.
Đại biểu Hà Hải Dương, Tổ Đại biểu Tiên Yên - Bình Liêu - Ba Chẽ: Xem xét bố trí đầu tư QL 4B từ nút giao Cảng Mũi Chùa đến cầu Tiên Yên.
Đối với dự thảo Nghị quyết nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm, để phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng của cả năm đạt 11%, đại biểu đề nghị tỉnh quyết liệt đẩy nhanh việc thông qua Đồ án Quy hoạch tỉnh, Đồ án chung xây dựng, quy hoạch vùng, quy hoạch phân khu.
Đề nghị tỉnh sớm sửa đổi Quyết định 3000/2017/QĐ-UBND ngày 2/8/2017 về việc ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh; qua đó điều chỉnh căn cứ các đơn giá cho phù hợp, tránh khiếu kiện. Cùng với đó, tháo gỡ vướng mắc trong mua sắm thiết bị, tỉnh nên xem xét lập trung tâm gồm các chuyên gia để tham mưu xây dựng bộ giá cho các nội dung mua sắm; từ đó các ngành, địa phương căn cứ để thực hiện việc mua sắm đảm bảo tính kịp thời và sát thực tế.
Để điều hành thu, chi ngân sách, nâng cao năng lực quản lý nguồn lực của chủ đầu tư, đặc biệt sử dụng nguồn vốn sự nghiệp, cần có sự thống nhất chỉ đạo đối với cấp huyện khi giao nguồn vốn sự nghiệp cho một số ngành, lĩnh vực.
Đại biểu cũng đề nghị đẩy nhanh các quy hoạch, tháo gỡ những vướng mắc về vật liệu san nền, vật liệu xây dựng thông thường, cũng như công tác GPMB, đặc biệt là việc bố trí những khu tái định cư cho dân cư bị tác động bởi dự án.
Đề nghị tỉnh chỉ đạo xem xét bố trí nguồn lực cho việc chuyển đổi số quốc gia; xem xét nội dung, giải pháp đầu tư phát triển kinh tế số, chính quyền số theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh.
Liên quan đến kết nối vùng phát huy hiệu quả hạ tầng giao thông chiến lược, đại biểu đề nghị tỉnh sớm nghiên cứu, xem xét bố trí đầu tư QL 4B từ nút giao Cảng Mũi Chùa đến cầu Tiên Yên.
Đại biểu Vũ Đình Nhân, Tổ đại biểu Cẩm Phả: Cần khắc phục ngay các hạn chế trong công tác giải ngân vốn đầu tư công.
Tham gia ý kiến đối với Tờ trình và dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2022, đại biểu Vũ Đình Nhân, Tổ đại biểu Cẩm Phả cho rằng, tỉnh cần đặc biệt quan tâm các nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, cần tiếp tục phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; chủ động rà soát, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ GPMB, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp đi vào hoạt động sớm nhất.
Thứ hai, cần phải triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình mở cửa, thu hút mạnh mẽ khách du lịch đến Quảng Ninh năm 2022 với khẩu hiệu “Quảng Ninh - điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn - sẵn sàng đón bạn trở lại”.
Thứ ba, cần khai thác hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông liên kết vùng và hợp tác quốc tế đồng bộ, hiện đại, môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, gắn với ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư...
Đồng thời, tỉnh cũng cần tiếp tục cơ cấu lại ngân sách, tăng tỷ trọng các nguồn thu bền vững từ thuế, phí, lệ phí. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách, gắn với trách nhiệm người đứng đầu ở các cấp ngân sách, các cơ quan quản lý trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm trong lĩnh vực đầu tư công, tài chính, ngân sách.
Đặc biệt, cần khắc phục ngay các hạn chế trong công tác giải ngân vốn đầu tư công và nâng cao tính chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, khắc phục hạn chế về công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương trong tháo gỡ các điểm nghẽn, xử lý những vấn đề khó khăn, vướng mắc, nảy sinh trong quá trình tổ chức thực hiện, khắc phục hiện tượng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.
Bên cạnh đó, kiên trì thực hiện phương châm lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực hợp pháp của xã hội, nhất là thông qua hình thức đối tác công - tư (PPP) để đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược đồng bộ. Tiếp tục quan tâm, chăm lo phát triển giáo dục, đào tạo, y tế; tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Liên quan đến lĩnh vực đầu tư công, đại biểu cũng đề nghị HĐND tỉnh xem xét Nghị quyết về phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công vốn ngân sách tỉnh. Trong đó, có Dự án Cải tạo, nâng cấp QL 279 đoạn từ Km 0+00 đến Km 8+600 (thuộc địa bàn TP Hạ Long và TP Cẩm Phả); Dự án Hải đội dân quân thường trực/Bộ chỉ huy quân sự tỉnh và hỗ trợ thành phố Cẩm Phả 170 tỉ đồng để thực hiện dự án mở rộng, xây mới các hạng mục của Trường THPT Cẩm Phả. Đây là những dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với yêu cầu phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng - an ninh của TP Cẩm Phả nói riêng và của tỉnh Quảng Ninh nói chung, thể hiện sự quan tâm sâu sắc, tầm nhìn dài rộng, chủ trương đúng đắn của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đại biểu Trịnh Quang Vinh, Tổ đại biểu TP Hạ Long: Xem xét điều chuyển vốn đầu tư công từ các địa phương, sở ngành tỉ lệ giải ngân thấp sang địa phương, đơn vị khác.
Đối với nội dung đầu tư công, đại biểu đề nghị phân tích rõ hơn nguyên nhân tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh còn chậm. Đặc biệt là làm rõ trách nhiệm của các địa phương, đơn vị. Đại biểu cũng đề nghị xem xét đề xuất điều chuyển vốn đầu tư công từ các địa phương, sở, ngành có tỉ lệ giải ngân thấp sang địa phương, sở, ngành, đơn vị khác và yêu cầu cam kết phải giải ngân vốn đạt 100%.
Trong nhiệm vụ trọng tâm về nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên, môi trường khoáng sản, đại biểu đề nghị cần phân tích, giải quyết những tồn tại đối với các dự án kém hiệu quả hiện nay. Bên cạnh đó, xem xét, rà soát những quỹ đất hiện nay chưa được lấp đầy để làm căn cứ xây dựng quy hoạch tỉnh Quảng Ninh, định hướng thu hút đầu tư một cách đồng bộ, hiệu quả.
Đại biểu Hồ Văn Vịnh, Tổ đại biểu TX Quảng Yên: Quan tâm đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công.
Liên quan đến nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH 6 tháng cuối năm, đại biểu đặc biệt quan tâm đến mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách và quản lý đầu tư công. Về nội dung này, đại biểu đề nghị HĐND tỉnh cần quan tâm đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công; cùng với đó xem xét, không điều chỉnh dự phòng ngân sách tỉnh, huyện sang vốn đầu tư. Ngoài ra, trong lộ trình xây dựng Quảng Yên, Đông Triều trở thành thành phố nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh, với Quảng Yên, thị xã đã rất quyết tâm để thực hiện mục tiêu này. Song 2 năm dịch bệnh vừa qua, nguồn lực của thị xã đã tập trung cho công tác phòng, chống dịch dẫn đến một số tiêu chí bị yếu, có nguy cơ không khả quan. Do vậy, ngoài sự nỗ lực từ nội tại, đại biểu cũng đề nghị tỉnh quan tâm, hỗ trợ, nhất là đối với tiêu chí hạ tầng, phát triển đô thị và đề nghị HĐND tỉnh đưa nội dung này vào trong nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH 6 tháng cuối năm để sang năm 2023, khi kết thúc lộ trình,TX Quảng Yên có đủ các điều kiện để trở thành thành phố.
Ngoài ra, đại biểu Hồ Văn Vịnh cũng tham gia một số ý kiến để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công, vốn ngân sách tỉnh năm 2022 và phương án sử dụng nguồn tăng thu, kết dư ngân sách.
Đại biểu Nguyễn Thị Định, Tổ đại biểu TP Hạ Long: Quan tâm vấn đề nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch hậu Covid-19.
Khi xây dựng và triển khai Đề án “Phục hồi ngành du lịch Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, bên cạnh việc nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, cần quan tâm vấn đề nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch hậu Covid-19. Theo đó, các địa phương, cơ quan quản lý khu, điểm du lịch cần đánh giá lại thực trạng du lịch, phối hợp với các trường đào tạo xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực du lịch. Đối với việc đào tạo nguồn nhân lực mới, thực tế hiện nay với đơn vị lưu trú, hầu hết chỉ có nguồn nhân lực tại các khách sạn là được qua đào tạo. Với các đơn vị lưu trú như nhà nghỉ, homestay... hầu hết là nguồn nhân lực tự do, không qua đào tạo, chuyên môn nghiệp vụ không có, thái độ cư xử, kỹ năng phục vụ nhiều khi thiếu chuyên nghiệp. Vì vậy, cần có những chính sách, giải pháp để bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho các nhóm lao động này.
Đối với lĩnh vực y tế, đại biểu đề nghị cần sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành y tế trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư sinh phẩm, hóa chất phục vụ cho công tác khám chữa bệnh cho nhân dân; phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và các dịch bệnh khác. Hiện nay, ở nhiều tỉnh thành trong nước, vấn đề mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế đang ở tình trạng rất khó khăn. Đối với Quảng Ninh, tuy vẫn đang làm chủ được tình hình, tuy nhiên cũng rất cần có sự quan tâm, chỉ đạo để hệ thống y tế không rơi vào tình trạng khó khăn nói trên, có thể mua sắm được trang thiết bị để các bệnh viện Lão Khoa, Bệnh viện Phổi Quảng Ninh đi vào hoạt động sau khi đã hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa. Đồng thời, cần quan tâm, sớm hoàn thiện Đề án “Nâng cao năng lực hệ thống y tế dự phòng và y tế điều trị; chất lượng chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030”. Ngoài chế độ đãi ngộ thì thuốc men và phương tiện để người thầy thuốc cứu chữa người bệnh cũng rất quan trọng.
Đối với Nghị quyết về việc thông qua Đề án thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, hiện nay, trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của Quảng Ninh, ngoài khu nông nghiệp công nghệ cao tại Đông Triều, các mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Đầm Hà, sản xuất nông nghiệp hầu hết chỉ là sản xuất nhỏ lẻ, chưa thực sự có sự gắn kết 3 nhà: nhà khoa học - nhà nông - nhà doanh nghiệp. Hiện nông dân vẫn đang sản xuất bằng kinh nghiệm theo mô hình truyền thống, tự phát, tiềm ẩn nhiều rủi ro, hầu hết chưa đảm bảo kỹ thuật theo các quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm và ảnh hưởng đến môi trường.
Đồng thời cần quan tâm đến giải pháp để thu hút đầu tư tư nhân vào nông nghiệp. Khi phát triển nông nghiệp nói riêng, đặc biệt là nông nghiệp sạch thì nguồn đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân là quan trọng nhất. Theo đó, không đầu tư phát triển nhiều mà chủ yếu hỗ trợ hệ thống kiến thức và đầu vào cho người nông dân, tạo cơ chế pháp lý thu hút doanh nghiệp đầu tư.
Cho nên, thứ nhất là, cần chú trọng giáo dục - đào tạo để nâng cao trình độ của lao động nông nghiệp. Thứ hai là, xây dựng hệ thống để người nông dân cùng doanh nghiệp, ngành sản xuất nông nghiêp có điều kiện thuận lợi. Thứ ba là, tập trung nghiên cứu áp dụng các biện pháp thâm canh cao, nâng cao năng suất trên một đơn vị diện tích. Thứ tư là, tạo sự liên kết giữa chính quyền - người nông dân/doanh nghiệp - nhà nghiên cứu. Người nông dân và doanh nghiệp có thể trao đổi trực tiếp các vấn đề gặp phải để các nhà nghiên cứu xem xét cách thức giải quyết, các kiến thức sẽ được cung cấp theo hình thức đa chiều...
Hiện nay cử tri đang quan tâm đến việc các công trình chào mừng kỉ niệm 60 năm thành lập tỉnh, cụ thể là 3 dự án: Dự án tuyến đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều, tuyến đường huyết mạch; Cải tạo, nâng cấp Đường tỉnh 342 đoạn thuộc địa phận huyện Ba Chẽ; Đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Phổi Quảng Ninh, nhưng đều chưa được khởi công. Vì vậy, đại biểu đề nghị tỉnh cần quan tâm chỉ đạo để tiến độ các công trình này hoàn thành đúng theo kế hoạch.
Đại biểu Nguyễn Chiến Thắng, Tổ Đại biểu Đông Triều: Cần quyết liệt hơn trong phòng ngừa các vấn đề xã hội có tính chất phức tạp.
Đánh giá kết quả phát triển KT - XH 6 tháng đầu năm, đại biểu đã chỉ rõ một số những hạn chế còn tồn tại. Để khắc phục và thực hiện tốt hơn trong 6 tháng cuối năm, góp phần hoàn thành tốt mục tiêu đề ra cho cả năm 2022, đại biểu đề nghị HĐND tỉnh cần quan tâm xem xét một số vấn đề quan trọng. Cụ thể, trước thực trạng vẫn còn có lúc, có nơi xảy ra những vụ việc tai nạn lao động, xâm hại trẻ em, tai nạn thương tích... tỉnh cần có biện pháp, giải pháp quyết liệt hơn, gắn với công tác thanh tra, kiểm tra để khắc phục, phòng ngừa các vấn đề xã hội có tính chất phức tạp.
Cùng với đó, tỉnh cần quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, chú trọng công tác tái định cư sau thu hồi đất để người lao động, người dân có chỗ ở ổn định, an cư lạc nghiệp.
Về dự thảo Nghị quyết nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025, đại biểu đồng tình với 7 nhóm mục tiêu, 9 nhóm giải pháp đã được nêu. Đồng thời, đề nghị HĐND tỉnh cần xem xét điều chỉnh, bổ sung một số nội dung, gồm: Nâng lên mức 100% đối với mục tiêu đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện, tuyên truyền viên pháp luật cấp xã, cán bộ làm công tác pháp chế, hòa giải viên ở cơ sở, cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức thường xuyên được tập huấn kiến thức pháp luật; nâng lên mức trên 90% đối với mục tiêu các đối tượng đặc thù theo quy định được phổ biến, giáo dục pháp luật; nâng lên mức trên 90% người dân trên địa bàn tỉnh được phổ biến, giáo dục pháp luật theo hình thức phù hợp. Đặc biệt là cần đưa nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị hằng năm; đảm bảo cơ sở vật chất, phương tiện cần thiết cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo quy định của Chính phủ.
Đại biểu Đinh Trung Kiên, Tổ Đại biểu Vân Đồn - Cô Tô: Quan tâm đến lĩnh vực y tế, giáo dục, đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho ngành y trong công tác trang sắm vật tư.
Đại biểu nhất trí cao với kết quả thực hiện nhiệm vụ của UBND tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2022 trên tất cả các lĩnh vực; đồng thời cũng chỉ ra một số hạn chế cần khắc phục.
Để hoàn thành toàn diện mục tiêu, chỉ tiêu cả năm 2022 theo Nghị quyết 08-NQ/TU ngày 25/11/2021 của Tỉnh ủy, ngoài 10 nhóm giải pháp rất căn cơ, cụ thể trong báo cáo đã đề ra, đại biểu đề nghị UBND tỉnh tập trung quan tâm một số nội dung như:
Tập trung chỉ đạo, rà soát để triển khai các Nghị quyết của HĐND tỉnh liên quan đến từng lĩnh vực, đặc biệt một số lĩnh vực cơ chế, chính sách và an sinh xã hội.
Quan tâm lĩnh vực y tế, giáo dục, đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho ngành y trong công tác trang sắm vật tư, sinh phẩm y tế phục vụ khám chữa bệnh, phòng dịch và công tác cán bộ với y tế tuyến xã, biên giới, hải đảo; có giải pháp căn cơ để đội ngũ cán bộ y tế yên tâm công tác, đặc biệt tại những nơi khó khăn. Về nội dung này, đại biểu đề nghị quan tâm đến chế độ tiền lương, tiền công, tiền thưởng, chế độ công tác phí; cơ chế thu hút đặc biệt trong tuyển dụng, đãi ngộ nguồn cán bộ y tế tại cơ sở; quan tâm con em là người địa phương học ngành y chưa được sắp xếp việc làm. Đồng thời, trang sắm cơ sở vật chất về nhà ở, nơi sinh hoạt, làm việc cho y tế tuyến xã; đầu tư cơ sở vật chất, đặc biệt là phương tiện cấp cứu (tàu, xuồng) chuyên dụng để cấp cứu bệnh nhân tại tuyến đảo.
Đối với chương trình xây dựng nông thôn mới, cần tập trung ưu tiên bố trí nguồn ngân sách thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU và Nghị quyết 50/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; ưu tiên đầu tư các địa phương xã miền núi, biên giới, hải đảo và dành tỷ lệ tương xứng nguồn lực cho phát triển sản xuất.
Cần có cơ chế, chính sách để thu hút, mời gọi doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sản phẩm OCOP; tiếp tục xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Trung tâm OCOP cấp huyện...
Đại biểu đề nghị cần có giải pháp trong việc nâng cao giá trị và tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Ngoài ra, cần tập trung chỉ đạo triển khai Nghị quyết 137/NQ-HĐND về cơ chế chính sách phát triển lâm nghiệp, trong đó mục tiêu của năm 2022 là trồng 2.000 ha rừng gỗ lớn - một nội dung quan trọng nhằm tạo cảnh quan môi trường, bảo vệ tài nguyên rừng hệ sinh thái.
Đại biểu Lê Hồng Thắng, Tổ đại biểu Móng Cái: Bổ sung thêm nhiệm vụ bảo vệ bí mật nhà nước, bảo vệ an toàn an ninh mạng vào nhóm nhiệm vụ giải pháp.
Làm rõ thêm về kết quả triển khai nhiệm vụ quốc phòng an ninh trong 6 tháng đầu năm, đại biểu Lê Hồng Thắng, Tổ đại biểu Móng Cái đánh giá cao những kết quả nổi bật trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, đặc biệt là triển khai xây dựng các thành phần, thế trận quân sự khu vực phòng thủ tỉnh và khu vực phòng thủ cấp huyện. Kết quả này được thể hiện rất rõ trong việc chỉ đạo, điều hành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư và ưu tiên bố trí nguồn lực triển khai thực hiện.
Công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo báo cáo của Công an tỉnh, kết quả đấu tranh, xử lý trên các lĩnh vực đều tăng mạnh. Từ số liệu này, đại biểu lưu ý cần phải nhìn nhận một cách khách quan số liệu xử lý tăng là do các lực lượng chức năng đã tích cực trong đấu tranh, xử lý. Ví dụ, trên lĩnh vực bảo đảm an toàn giao thông, số người, lượng phương tiện tham gia giao thông tăng mạnh sau khi hoạt động phát triển KT-XH được khôi phục nhưng tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh đã giảm 2/3 tiêu chí so với cùng kỳ 2021.
Trong phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, tỉnh sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện. Tuy nhiên, lĩnh vực quốc phòng an ninh cũng sẽ tiềm ẩn những nguy cơ lộ, lọt bí mật Nhà nước, mất an toàn an ninh mạng… Chính vì vậy, đại biểu nhấn mạnh việc thực hiện các biện pháp, chủ động ngăn ngừa, không để xảy ra lộ, lọt bí mật Nhà nước, bảo đảm an toàn an ninh mạng trong thời gian tới là hết sức quan trọng. Do đó, đại biểu đề nghị tỉnh cần bổ sung thêm nhiệm vụ bảo vệ bí mật Nhà nước vào nhóm nhiệm vụ giải pháp thứ 8 là “Bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh, mở rộng và nâng cao hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế”.
Đại biểu Trần Thị Thiêm, Tổ đại biểu huyện Đầm Hà: Quan tâm hơn nữa nguồn lực đầu tư cho cơ sở vật chất cũng như chính sách đãi ngộ cho ngành y tế.
Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, phát triển của tỉnh trong những tháng cuối năm, đại biểu đề xuất tỉnh cần quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản. Trong đó, siết chặt quản lý giá đất đấu giá, chuyển nhượng đất tại các địa phương, kể cả vùng sâu, vùng xa. Mặt khác, cần xem xét phòng và xử lý hiện tượng đầu cơ, thổi giá đất trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị UBND tỉnh có chỉ đạo sớm các địa phương lập dự án và sắp xếp nguồn lực để triển khai Nghị quyết 99/NQ-HĐND ngày 31/5/2022 của HĐND tỉnh về chủ trương hỗ trợ các địa phương chưa tự cân đối xây dựng trường chuẩn tại mỗi bậc học phổ thông trong thời gian sớm nhất nhằm đảm bảo tính đồng bộ trong toàn tỉnh.
Nhấn mạnh, hiện nay nguồn nhân lực ngành y tế vẫn thiếu, chưa được đào tạo thường xuyên, chuyên sâu, nhân dân trên địa bàn tỉnh vẫn còn phải đi lại tuyến Trung ương khám và chữa bệnh nhiều, đại biểu đề nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh chỉ đạo quan tâm hơn nữa nguồn lực đầu tư cho cơ sở vật chất cũng như chính sách đãi ngộ cho ngành y tế để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân, đảm bảo đời sống cho đội ngũ y, bác sỹ.
Trước những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế, Đại biểu đề nghị UBND tỉnh xem xét rà soát và đề xuất chính sách hỗ trợ kích cầu, phục hồi kinh tế từ nguồn ngân sách tỉnh thông qua chính sách hỗ trợ lãi suất, xúc tiến thương mại ...
Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND ngày 24/3/2021 của HĐND tỉnh về một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững, đại biểu đề nghị cần xem xét nâng mức hỗ trợ và mở rộng ra địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt tập trung vào các địa phương có diện tích rộng, dân cư thưa thớt như Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên để tăng diện tích rừng gỗ lớn, phục hồi hệ sinh thái.
Đại biểu Trần Thùy Liên, Tổ đại biểu TP Hạ Long: Cần có giải pháp mạnh hơn nữa để tình trạng xâm hại trẻ em không tiếp diễn.
Đồng tình cao với báo cáo tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm 2022, nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm, đại biểu Trần Thùy Liên đánh giá cao tinh thần không né tránh, nhìn thẳng, nói thẳng những hạn chế, tồn tại của UBND tỉnh trong các tháng đầu năm. Đồng thời đề nghị trên tinh thần đó, UBND tỉnh cần có những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành, nhất là quan tâm đến năng lực, hiệu quả giải quyết công việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức sở, ngành, địa phương.
Tham gia vào báo cáo kết quả giám sát của HĐND tỉnh về việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016 – 2021, đại biểu cho rằng: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai những nội dung liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ em thời gian qua theo báo cáo là đã rất tốt. Đáng lẽ ra, như vậy, các vụ việc xâm hại trẻ em phải được kéo giảm, tuy nhiên, thực tế cho thấy, số vụ việc này càng ngày càng gia tăng gây bức xúc dư luận, phải chăng do đạo đức xã hội đang xuống cấp? Do vậy, trong thời gian tới, các ngành, địa phương cũng cần quan tâm hơn nữa, có những giải pháp mạnh tay, đồng bộ và hiệu quả hơn để những vụ việc xâm hại trẻ em không tiếp diễn.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị UBND tỉnh trong những tháng cuối năm, cần tập trung giải quyết nhanh chóng, dứt điểm các kiến nghị của cử tri trong tỉnh.
Đại biểu Thích Đạo Hiển, Tổ đại biểu TP Uông Bí: Cần chấn chỉnh hiện tượng lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo.
Về nhiệm vụ phát triển KT - XH 6 tháng cuối năm 2022, đại biểu đề nghị HĐND tỉnh cần chú trọng vào các nhóm giải pháp về phát triển du lịch là một trụ cột kinh tế. Cụ thể, tỉnh cần xây dựng những sản phẩm du lịch độc đáo, chất lượng cao để thu hút tốt hơn đa dạng các nhóm khách du lịch. Thực tế, hình ảnh du lịch Quảng Ninh vẫn chỉ được biết đến rộng rãi với Vịnh Hạ Long, danh thắng Yên Tử. Trong khi đó, rất nhiều địa điểm du lịch ở các địa phương miền Đông của tỉnh như Bình Liêu, Hải Hà, Tiên Yên... dù giàu tiềm năng nhưng đều chưa có sức hút lớn đối với du khách ngoài tỉnh, khách nước ngoài.
Còn trong lĩnh vực văn hóa – xã hội, đại biểu đề nghị tỉnh cần quan tâm tới nhiệm vụ đang được nhân dân quan tâm là hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận Yên Tử là Di sản thế giới. Với mục tiêu phát huy giá trị của di tích được bền vững, lâu dài, tỉnh cần phải chú trọng từ sớm về công tác quy hoạch, đảm bảo làm tốt các công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo đúng quy định. Thực tế hiện nay, toàn bộ các Khu di tích Yên Tử, Khu di tích nhà Trần... dù được công nhận cấp Quốc gia, nhưng quá trình thủ tục cho việc đầu tư tôn tạo luôn gặp vướng mắc dù nguồn vốn đã có sẵn.
Đại biểu cũng đề nghị tỉnh cần chú trọng chấn chỉnh triệt để hiện tượng lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo đã xuất hiện trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Trong đó phải nhấn mạnh rằng, lợi dụng tôn giáo có cả ở người có tôn giáo và người, tổ chức không có tôn giáo. Lấy ví dụ như việc các công ty, doanh nghiệp xây dựng các cơ sở mạo danh tôn giáo không theo quy định pháp luật, không xuất phát từ nguyện vọng của tín đồ của tôn giáo và nhân dân.
Đại biểu Lài Thị Hiền, Tổ Đại biểu Tiên Yên - Bình Liêu - Ba Chẽ: Tiếp tục có chính sách miễn giảm học phí cho học sinh miền núi, hải đảo trong năm học 2022-2023.
Để hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2022 đại biểu đề nghị tỉnh quan tâm một số nội dung như: Cần có cơ chế chính sách giải pháp thiết thực, kịp thời sâu sát để khắc phục những khó khăn, tồn tại thực tiễn triển khai, thực hiện Nghị quyết số 16 của HĐND tỉnh ngày 16/7/2021 về Chương trình phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới, hải đảo. Trước mắt là tiếp tục có chính sách miễn giảm học phí cho học sinh trong năm học 2022-2023. Đối với giáo viên quan tâm đến chế độ tiền lương, thưởng, hỗ trợ cho giáo viên đặc biệt là giáo viên vùng sâu, vùng xa.
Đối với dự thảo Nghị quyết về việc thông qua Đề án thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, đại biểu bày tỏ sự đồng tình, nhất trí đối với quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp năm 2022 tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM đến năm 2025, tiếp tục có lộ trình duy trì và nâng cao chất lượng xây dựng NTM theo tiêu chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Về giải pháp thực hiện, đề nghị bổ sung giải pháp nhấn mạnh vai trò chủ thể của người nông dân nông thôn, lấy phục vụ lợi ích của người nông dân nông thôn làm động lực trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu gắn với công tác tuyên truyền, vận động, tạo thành phong trào thi đua sâu rộng, tạo sự đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng NTM. Đồng thời có giải pháp trong công tác giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu, nghèo vùng miền; tập trung nâng cao chất lượng giáo dục; năng lực hệ thống y tế vùng và chất lượng sống khu vực nông thôn. Cùng với đó, tỉnh quan tâm chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn phối hợp, tháo gỡ, hướng dẫn các địa phương trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện mục tiêu xây dựng NTM nâng cao.
Đại biểu Phạm Duy Thanh, Tổ đại biểu Cẩm Phả: Sớm xem xét về đề xuất thành lập CCN tại Bình Liêu và rà soát kế hoạch sản xuất của ngành Than giai đoạn 2023-2030.
Liên quan đến việc triển khai chương trình Nông thôn mới năm 2022, đại biểu Phạm Hồng Thanh, Tổ đại biểu Cẩm Phả cho biết: Thời gian qua, việc triển khai xây dựng NTM để đưa Quảng Ninh về đích trong năm 2022 đã và đang được quan tâm đẩy mạnh.
Tuy nhiên hiện nay, về chuẩn NTM và NTM nâng cao có một số tiêu chí mới đó là: Huyện đạt chuẩn NTM phải đảm bảo tiêu chí có khu công nghiệp (KCN), hoặc cụm công nghiệp (CCN) được đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hoặc cụm ngành nghề nông thôn. Huyện NTM nâng cao phải có KCN được lấp đầy 50% trở lên hoặc có CCN được đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật và được lấp đầy từ 50% trở lên hoặc có cụm ngành nghề nông thôn được đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ.
Đối chiếu với thực tế địa phương hiện nay, đại biểu cho rằng đối với 4 địa phương phấn đấu đạt chuẩn NTM năm nay là Hạ Long, Ba Chẽ, Vân Đồn, Bình Liêu thì mới có Hạ Long, Ba Chẽ, Vân Đồn là cơ bản đáp ứng được tiêu chí này. Còn lại việc huyện Bình Liêu phấn đấu đạt chuẩn NTM năm nay sẽ gặp khó khăn do hiện tại chưa có KCN, CCN, cụm ngành nghề nông thôn. Do vậy để đáp ứng tiêu chí đề nghị tỉnh sớm xem xét về đề xuất thành lập CCN tại Bình Liêu, hoặc rà soát các tiêu chí KCN, cụm làng nghề nông thôn để bổ sung hoàn thiện, đáp ứng theo yêu cầu.
Đối với Quy hoạch ngành Than, đại biểu cũng nêu một số giải pháp triển khai trong 6 tháng cuối năm nay, đó là: Cần rà soát kế hoạch sản xuất của ngành Than giai đoạn 2023-2030, đề xuất các giải pháp để nâng cao hơn nữa sản lượng ngành Than (đặc biệt là trong giai đoạn 2023-2025) đảm bảo theo quy hoạch, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường. Điều này sẽ góp phần cho phát triển KT-XH của tỉnh trong lúc ngành kinh tế biển chưa đạt được tăng trưởng như mong muốn.
Đồng thời tiếp tục triển khai quy hoạch vùng than Cẩm Phả, Hạ Long, Đông Triều, Uông Bí trên cơ sở quy hoạch tỉnh và Quy hoạch ngành Than được duyệt để giải quyết vấn đề liên quan đến sử dụng đất của ngành Than và đất cho phát triển KT-XH của địa phương.
Đại biểu Nguyễn Thị Vinh, Tổ đại biểu TX Đông Triều: Nâng cao nhận thức để người dân hiểu đầy đủ, thấy rõ lợi ích được thụ hưởng từ chương trình NTM, từ đó chủ động tích cực, tham gia với vai trò là chủ thể.
Góp ý vào nội dung triển khai công tác xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, đại biểu đề nghị tiếp tục đầu tư, tập trung nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nâng cao nhận thức để người dân hiểu đầy đủ, thấy rõ lợi ích được thụ hưởng từ chương trình NTM, từ đó chủ động tích cực, tham gia với vai trò là chủ thể, làm chủ trong thực hiện chương trình, nhằm đảm bảo các kết quả đạt được bền vững.
Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư và tập trung nguồn lực cao hơn cho tiêu chí tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế nông thôn, nhằm tăng thu nhập, cải thiện đời sống kinh tế, giảm nghèo bền vững và hướng đến làm giàu chính đáng. Đại biểu cũng đề nghị cần rà soát, đánh giá tổng thể các mô hình, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế, thực hiện tổ chức lại sản xuất, sớm phê duyệt đề án phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2022-2025 định hướng đến 2030 phù hợp với Nghị quyết số 20 Hội nghị Trung ương 5 về đổi mới phát triển nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Tiếp tục nghiên cứu có cơ chế chính sách khuyến khích đủ mạnh để thành lập mới và nâng cao năng lực tổ chức, quản trị cho các HTX nông nghiệp gắn với phát triển các sản phẩm OCOP của địa phương.
Mặt khác, cần thực hiện thúc đẩy mạnh mô hình sản xuất, tạo sinh kế theo hộ gia đình; mô hình liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ với quy mô phù hợp với nhận thức, trình độ, năng lực, tập quán sản xuất, canh tác của người dân để mỗi người dân là một đơn vị kinh tế, nâng thu nhập đầu người.
Đối với tiêu chí về môi trường và chất lượng môi trường, đại biểu đề nghị ngoài việc tiếp tục đa dạng đổi mới nội dung hình thức tuyên truyền sâu rộng để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân chủ động tham gia của các tổ chức đoàn thể. Các địa phương cần dành nguồn lực, giao trách nhiệm và thực hiện cơ chế "đặt hàng theo nhiệm vụ" cho các tổ chức chính trị xã hội để triển khai thực hiện.
Đại biểu Hoàng Văn Tiền, Tổ Đại biểu TP Hạ Long: Tiếp tục nâng cao công tác tuyên truyền và xử lý nghiêm các tội phạm trên không gian mạng.
Qua công tác xét xử, giải quyết các vụ việc an ninh trật tự cho thấy, tình hình tội phạm 6 tháng đầu năm 2022 đã giảm về số vụ. Có được kết quả này là chúng ta làm tốt công tác tuyên truyền và vào cuộc, xử lý nghiêm, quyết liệt. Tuy nhiên, cũng theo báo cáo thì tính chất phức tạp ở các vụ việc có chiều hướng gia tăng, đặc biệt tình hình tội phạm liên quan đến ma túy có chiều hướng gia tăng sau phục hồi phát triển kinh tế, khi các quán karaoke, vũ trường ở địa bàn đô thị, thành phố lớn hoạt động trở lại. Cùng với đó, tội phạm lừa đảo qua mạng, tín dụng đen, đánh bạc qua mạng có dấu hiệu gia tăng với nhiều hình thức. Do đó, các ngành chức năng cùng địa phương cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nắm bắt được hình thức, thủ đoạn hoạt động của các tội phạm, qua đó, có biện pháp phòng tránh. Đồng thời, xử lý nghiêm các loại tội phạm để nâng cao tính răn đe, phòng ngừa trong cộng đồng.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị UBND các địa phương, nhất là UBND cấp xã làm tốt công tác hòa giải cơ sở, hạn chế phát sinh các vụ việc ly hôn, khiếu kiện, khiếu nại, an ninh trật tự… để kéo giảm các vụ án hành chính, dân sự.
Nhóm phóng viên
Liên kết website
Ý kiến ()