Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 22:30 (GMT +7)
Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XIV Thảo luận tại tổ sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm
Thứ 5, 07/07/2022 | 19:00:00 [GMT +7] A A
Chiều 7/7, tại Kỳ họp thứ 9, các đại biểu HĐND tỉnh đã chia thành 5 tổ thảo luận. Đại biểu tại các tổ đều phát huy tinh thần trí tuệ, thẳng thắn, trách nhiệm trong đánh giá kết quả đạt được, chỉ rõ những nguyên nhân, tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2022; đề xuất nhiều giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ cả năm 2022.
Đi thẳng vào vấn đề trọng tâm, còn hạn chế
Tham gia thảo luận tại tổ, các đại biểu đều thẳng thắn đánh giá về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022. Bên cạnh những thuận lợi từ thành quả 2 năm 2020, 2021, tỉnh phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp; những khó khăn về thị trường tiêu thụ, xuất nhập khẩu hàng hóa, đứt gãy chuỗi cung ứng lao động; giá xăng dầu, giá nguyên vật liệu và một số loại hàng hóa cơ bản tăng cao tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống. Với những chủ trương, biện pháp đúng đắn, kịp thời, khoa học, tỉnh hoàn toàn chủ động kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, thích ứng linh hoạt, an toàn; chăm lo, bảo vệ sức khỏe nhân dân; giữ vững sự ổn định kinh tế - xã hội, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6 tháng đầu năm đạt 10,66%, cao hơn cùng kỳ năm trước. Tổng thu NSNN đạt 27.908 tỷ đồng, tăng 21% cùng kỳ. Trong khó khăn, ngành than, điện, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định trụ cột tăng trưởng. Du lịch phục hồi nhanh chóng vững chắc với số lượng khách đạt trên 5,5 triệu lượt, gấp 2,2 lần so với cùng kỳ, giúp hồi sinh hàng nghìn doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động.
Các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra vẫn còn nhiều ngành, lĩnh vực chưa đạt được như kỳ vọng, nhất là trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, phát triển kinh tế biển, dịch vụ cảng biển. Nhiều công trình giao thông động lực, chiến lược đều chậm tiến độ, chưa đạt kế hoạch đề ra; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp...
Liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, một trong những nội dung trọng tâm của kỳ họp lần này đã được nhiều đại biểu Tổ thảo luận số 5 quan tâm thảo luận. Đại biểu Ngô Hoàng Ngân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Tổ đại biểu TX Đông Triều (Tổ thảo luận số 5), đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế. Đồng thời khẳng định, trong 6 tháng đầu năm toàn tỉnh mới giải ngân vốn đầu tư công đạt 37% dự toán, bằng 85% cùng kỳ, như vậy còn khoảng 18.000 tỷ đồng phải giải ngân trong 6 tháng cuối năm là một thách thức rất lớn.
Đại biểu Phạm Thị Hồng Hạnh, Phó Ban Pháp chế HĐND tỉnh, Tổ đại biểu Hạ Long (Tổ thảo luận số 1), cho rằng: Tình hình giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 5/7 đạt 6.024 tỷ đồng/16.539 tỷ đồng, bằng 36,4%, trong đó thanh toán kế hoạch hoàn thành là 4.100 tỷ đồng, bằng 68% giá trị giải ngân, thấp hơn so với cùng kỳ. Từ nay đến cuối năm số tuyệt đối phải giải ngân là 10.515 tỷ đồng là con số tương đối lớn. Để đảm bảo việc giải ngân kế hoạch đầu tư công, đề xuất phải có giao ban đầu tư XDCB hằng tháng. Các dự án đầu tư khi báo cáo phải báo cáo cả khối lượng hoàn thành để có thể chủ động phương án điều hòa, điều chỉnh kế hoạch vốn. Những năm gần đây đều có một lượng vốn từ nguồn chi thường xuyên chuyển sang nguồn chi đầu tư phát triển, trong khi quy mô vốn chi đầu tư công ngày càng lớn, danh mục các dự án đã được bố trí vốn đảm bảo ngay từ đầu năm, nếu bổ sung nguồn vốn rất khó khăn trong giải ngân, cũng là một trong những nguyên nhân chậm giải ngân, điều hòa, điều chuyển, chuyển nguồn vốn lớn.
Đề cập đến việc thu hút đầu tư FDI chưa đạt mục tiêu đề ra, đại biểu Nguyễn Việt Dũng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô, Tổ đại biểu Vân Đồn - Cô Tô (Tổ thảo luận số 4), cho biết: Toàn tỉnh hiện có 151 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, tổng vốn đăng ký đầu tư là 8,3 tỷ USD. Trong đó có 90 dự án trong các KKT, KCN, đăng ký đầu tư 4,33 tỷ USD; 61 dự án ngoài KKT, đăng ký đầu tư 3,96 tỷ USD. Đến nay, tổng vốn thực hiện đạt 6,13 tỷ USD, tương đương 74,2% vốn đăng ký đầu tư. Bên cạnh những lợi ích thu được từ các dự án FDI, mức đóng góp cho ngân sách của khu vực này còn thấp, chỉ có trên 925 tỷ đồng trong 6 tháng năm 2022, là thấp so với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Đánh giá hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực như tài nguyên khoáng sản, đầu tư công, đất đai, đại biểu Nguyễn Hồng Dương, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Tổ đại biểu TP Hạ Long (Tổ thảo luận số 1), cho rằng: Còn có mặt hạn chế, trong đó có một số nội dung liên quan tới quản lý dự án đầu tư ngoài ngân sách. Qua tiếp xúc cử tri các phường Cao Xanh, Hà Khánh... cho thấy hiện các dự án tại Cao Xanh hàng chục năm nay vẫn chưa bàn giao được hạ tầng cho địa phương hoặc chậm trong việc kiểm soát thu hồi các dự án chậm tiến độ, như Bệnh viện Quốc tế ở Hùng Thắng... Những bất cập đó, người dân phải hứng chịu.
Đại biểu Nguyễn Hồng Dương cho biết thêm: Thời gian qua, công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành của tỉnh với cấp huyện trong tháo gỡ các điểm nghẽn, xử lý những vấn đề khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình tổ chức thực hiện chưa kịp thời, chưa triệt để, còn có hiện tượng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Như liên quan tới các dự án có định mức mới, xây dựng giá mới chưa được khơi thông không chỉ năm nay mà trong những năm gần đây. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến các dự án từ nguồn thường xuyên chậm. Cụ thể là những dự án y tế, giáo dục là gần như không xây dựng được giá và như vậy sẽ không xác định được giá gói thầu, không đấu thầu được.
Cùng với nhiệm vụ xây dựng NTM thì việc triển khai Nghị quyết 337/2021/NQ-HĐND cũng nhận được nhiều ý kiến tham gia thảo luận của các đại biểu. Đại biểu Nghiêm Xuân Cường, Bí thư Thành ủy Uông Bí, Tổ đại biểu Uông Bí (Tổ thảo luận số 3), cho rằng: Tỉnh cũng như các địa phương đã đặt ra mục tiêu về diện tích trồng cây rừng gỗ lớn cho từng năm, từng giai đoạn. Tuy nhiên có một thực tế, hầu hết các địa phương đã rà soát, lựa chọn những địa bàn, hộ dân có diện tích để thực hiện trồng, chuyển đổi cho năm nay. Định mức những năm về sau, trồng ở đâu, diện tích như thế nào thì các ngành cũng nên xem xét, tính toán kỹ hơn. Hiện đa số các địa phương lựa chọn cây giổi để chuyển đổi sang rừng gỗ lớn. Tuy nhiên các địa phương cùng các ngành chức năng cần có định hướng cho người dân để tránh tình trạng trồng ồ ạt một loại cây, ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ sau này.
Hiến kế về giải pháp chiến lược
Để công tác giải ngân vốn đầu tư công đạt hiệu quả, nhiều đại biểu HĐND tỉnh đề nghị các địa phương phải làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, nhất là các dự án trọng điểm đã được HĐND tỉnh thông qua; phải có sự chuẩn bị danh mục các dự án, công trình phù hợp với quy hoạch và chiến lược phát triển của tỉnh giai đoạn 2021-2025 trình cấp có thẩm quyền, tạo sự chủ động trong công tác chuẩn bị đầu tư và phân bổ nguồn vốn. Đặc biệt, phải tập trung cho công tác GPMB, không chỉ với các dự án trọng điểm của tỉnh mà với cả dự án của các địa phương. Một số đại biểu hiến kế cần có giao ban đầu tư XDCB hằng tháng, các dự án đầu tư khi báo cáo phải báo cáo cả khối lượng hoàn thành để có thể chủ động phương án điều hòa, điều chỉnh kế hoạch vốn.
Đồng chí Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, cho rằng: Cần quan tâm hơn đến nội dung kiểm tra giám sát, giải quyết các kiến nghị của cơ sở sau kiểm tra để không chỉ khắc phục được tình hình chậm giải ngân vốn đầu tư công mà còn nhiều nội dung khác nữa sẽ thực hiện đúng kế hoạch, đúng tiến độ.
Về giải pháp thu hút FDI, đồng chí Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, nhấn mạnh: Giải pháp quan trọng nhất là đẩy mạnh GPMB phục vụ các dự án. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu các giải pháp tận dụng đất đá thải mỏ để phục vụ san lấp, hạn chế san đồi, để đảm bảo môi trường bền vững.
Đảm bảo lộ trình về đích tỉnh NTM là một trong nhiều nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, đề xuất giải pháp. Các đại biểu cho rằng mục tiêu này cần quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, song đây cũng là cơ hội để các địa phương có sức bật mạnh mẽ. Xây dựng NTM phải luôn bám sát quan điểm lấy người dân làm chủ thể chính, đi vào thực chất, hiệu quả, bền vững, chứ không chạy theo thành tích. Đại biểu Nguyễn Tuyết Hạnh, Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu, Tổ đại biểu Tiên Yên - Bình Liêu - Ba Chẽ (Tổ thảo luận số 3), cho rằng: Tỉnh và các sở, ngành cần tiếp tục quan tâm đến các địa bàn vùng khó để đảm bảo tiến độ về đích NTM. Huyện Bình Liêu đang tập trung cao độ để nâng chất các chỉ tiêu còn thiếu hụt, trong đó tập trung vào công tác giảm nghèo không chỉ của năm 2022 mà của cả giai đoạn. Hiện chỉ tiêu về thu nhập người dân khu vực thị trấn cũng là một trong những bài toán khó của địa phương. Do đó bên cạnh nỗ lực nội tại, huyện mong nhận được sự quan tâm vào cuộc, ủng hộ của các sở, ngành để giải quyết bài toán này, để những địa bàn vùng khó, vừa thoát khỏi diện 135 như Bình Liêu có thể hoàn thành đúng hạn mục tiêu xây dựng NTM năm 2022 và những năm tiếp theo.
Chuyển đổi phao xốp trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh, đến tháng 5/2022 mới đạt 29%. Do đó, cần có đánh giá tổng thể với sự tham gia của người dân và các địa phương sở, ngành phân tích, làm rõ giải quyết những vướng mắc cụ thể về vấn đề chuyển đổi ở mỗi địa phương để đảm bảo tiến độ chuyển đổi của toàn tỉnh hoàn thành trong năm 2022.
Đồng chí Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ đại biểu HĐND TP Móng Cái, nhấn mạnh trong lĩnh vực đầu tư công, đặc biệt là đối với việc mua sắm, đầu tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục, nên đánh giá một cách tổng thể về đặc điểm của mỗi địa phương, phân tích các yếu tố để thực hiện phân cấp vốn cho các địa phương hay mua sắm tập trung của tỉnh.
Các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 khi trong nước đã xuất hiện biến chủng mới; đảm bảo an sinh xã hội; phương án hỗ trợ cho ngư dân vươn khơi bám biển khi giá xăng dầu tăng cao; tình hình ANTT, xử lý các vụ án. Các đại biểu còn dành nhiều thời gian tập trung thảo luận về căn cứ pháp lý, thực tiễn; các cơ chế, chính sách, giải pháp thực hiện đối với các tờ trình, dự thảo nghị quyết được trình tại kỳ họp.
Những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại kỳ họp sẽ được ghi nhận, tổng hợp, là căn cứ quan trọng để HĐND tỉnh xem xét, quyết nghị nhiều cơ chế, chính sách. Qua đó, tạo động lực để Quảng Ninh đạt được những mục tiêu đặt ra năm 2022 và giai đoạn 2021-2025.
Nhóm PV
Liên kết website
Ý kiến ()