Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 21:53 (GMT +7)
Thảo luận tại tổ và hội trường: Sôi nổi và trách nhiệm
Thứ 5, 18/07/2013 | 04:37:44 [GMT +7] A A
Ngày làm việc thứ hai của kỳ họp, các đại biểu (ĐB) đã thảo luận tại tổ và hội trường, tập trung vào những vấn đề trọng tâm: Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2013 và những năm tiếp theo; cho ý kiến về các báo cáo giải quyết kiến nghị cử tri gửi tới HĐND tỉnh, đồng thời tham gia ý kiến vào các tờ trình, dự thảo nghị quyết.
Chủ động, tăng cường hơn nữa các giải pháp chỉ đạo, điều hành
Tại phiên thảo luận ở tổ và hội trường, các ý kiến đều khẳng định 6 tháng đầu năm nay, mặc dù có nhiều khó khăn, trở ngại, song bằng các biện pháp quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn duy trì mức tăng trưởng khá ổn định. Đó là kết quả của việc phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và LLVT trong tỉnh.
Quang cảnh phiên thảo luận tại hội trường trong ngày làm việc thứ 2, kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khoá XII. |
Về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm nay, các ĐB thống nhất, cần chủ động, tăng cường hơn nữa các giải pháp trong chỉ đạo, điều hành. ĐB Phạm Hoàng Dương (Tổ Hạ Long) cho rằng, để thực hiện tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2013 và những năm tiếp theo, cần có cơ chế thông thoáng hơn nữa để thu hút các nguồn lực đầu tư vào các dự án, như đầu tư vào lĩnh vực xây dựng nhà cho người thu nhập thấp, nhà ở cho sinh viên. Bởi hiện nay, cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này còn nhiều bất cập, TTHC còn rườm rà, chính sách tín dụng chưa rõ ràng. ĐB Phạm Hoàng Dương nhấn mạnh, đây là 2 lĩnh vực đầu tư đặc biệt, do đó cần phải có cơ chế đặc biệt để thu hút doanh nghiệp. Trước mắt tỉnh cần phải làm tốt công tác cải cách TTHC công, có chính sách tín dụng rõ ràng, bố trí đảm bảo nguồn vốn để doanh nghiệp yên tâm đầu tư.
ĐB Phạm Văn Mật (Tổ Hạ Long) đề nghị tỉnh sớm chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ cấp phép quy hoạch, hoàn thiện hồ sơ thuê đất và đóng tiền thuê đất đối với các doanh nghiệp SXKD than trên địa bàn. Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực nông thôn, miền núi. ĐB Nguyễn Thị Hạnh (Tổ Hoành Bồ) đề nghị tỉnh cần nghiên cứu, hỗ trợ thêm kinh phí cho các địa phương thuộc vùng đặc biệt khó khăn để làm đường giao thông liên thôn, xây dựng hệ thống kênh mương thuỷ lợi; tiếp tục chỉ đạo rà soát diện tích đất rừng đã giao cho các công ty lâm nghiệp để có phương án thu hồi, giao đất cho nhân dân phát triển kinh tế vườn rừng. Vì hiện nay, nhiều công ty lâm nghiệp được giao diện tích đất rừng rất lớn nhưng không quản lý, sử dụng và khai thác có hiệu quả, trong khi đó, người dân có nhu cầu phát triển kinh tế lâm nghiệp lại không có quỹ đất...
Cũng liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành, ông Phùng Danh Đài, Trưởng BQL Khu kinh tế tỉnh cho rằng cần tăng cường đầu tư phát triển du lịch, nhất là những khu vực có nhiều tiềm năng, lợi thế, đi đôi với tăng cường công tác quản lý; chủ động xây dựng các giải pháp nhằm thu hút đầu tư. ĐB Đỗ Thị Lan (Tổ Uông Bí) có ý kiến, để phát triển kinh tế - xã hội bền vững hơn nữa cần phải chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn hợp lý, tiếp tục quan tâm đào tạo nghề, nhất là cho lao động nông thôn, gắn với giải quyết việc làm. Tỉnh ưu tiên cho các doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn vay phát triển sản xuất, đồng thời xem xét, đánh giá lại cơ chế phân cấp đầu tư...Công khai, quản lý tốt các khoản thu phí tham quan Vịnh Hạ Long
Tại phiên thảo luận tổ, ĐB Phạm Văn Mật (Tổ Hạ Long) cho rằng: So sánh với phí tham quan nhiều danh lam thắng cảnh trên thế giới, thì phí tham quan Vịnh Hạ Long (VHL) hiện thấp. Tuy nhiên, có một thực tế, các khoản thu dịch vụ khác lại rất cao và không minh bạch. Vì vậy, việc tăng phí theo dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh là hợp lý, nhưng cần công khai các khoản thu phí để quản lý chặt chẽ và có giải pháp trong việc thu phí để tăng thu ngân sách Nhà nước.
ĐB Nguyễn Thị Hạnh (Tổ Hoành Bồ) thống nhất quan điểm về tăng và bổ sung phí tham quan VHL và Vịnh Bái Tử Long (BTL), nhưng cho rằng phí nghỉ đêm trên VHL dù đã tăng vẫn là quá thấp, trong khi chi phí cho công tác đảm bảo ATGT, ANTT phục vụ nghỉ đêm trên Vịnh khá tốn kém; đề nghị tăng lên 300.000 đồng/người/đêm, 2 đêm là 450.000 đồng, 3 đêm là 500.000 đồng. ĐB Nguyễn Thị Hạnh cũng đề nghị, nên miễn phí tham quan VHL và BTL đối với trẻ dưới 7 tuổi cho phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật khác; từ 7-15 tuổi thì giảm 50% theo tờ trình là phù hợp.
ĐB Lục Thành Chung (Tổ Hạ Long) cũng cho rằng việc điều chỉnh, bổ sung phí tham quan danh lam thắng cảnh VHL và BTL là cần thiết. Tuy nhiên, tăng phí tham quan chung VHL và BTL như vậy mà khách vẫn phải đóng phí tham quan các điểm riêng như Dự thảo Nghị quyết thì chi phí của khách là quá cao. Vì thế, ĐB đề nghị giảm phí tham quan chung VHL xuống còn 100.000 đồng; BTL là 60.000 đồng. ĐB cũng đặt ra vấn đề, nếu phí tăng thì chất lượng dịch vụ có tăng không?
ĐB Phạm Thị Thu Hà (Tổ Hạ Long) cho rằng, nên chia phí dịch vụ riêng cho đối tượng khách du lịch trong nước và nước ngoài. Đồng thời, đề nghị bỏ phí tham quan chung và triển khai thu phí theo tour, tuyến như trước đây. ĐB Phạm Thị Thu Hà lấy ví dụ, đảo Jeju (Hàn Quốc) khi được công nhận Di sản thiên nhiên thế giới đã bỏ phí tham quan để thu hút du khách, còn VHL thì ngược lại, như vậy có thu hút được khách du lịch? ĐB Trần Xuân Cương (Tổ Hạ Long) cho rằng, không nên chia thành hai loại phí như ý kiến của ĐB Phạm Thị Thu Hà, vì VHL là Di sản thiên nhiên thế giới, mọi du khách tham quan VHL đều được đối xử bình đẳng như nhau. Thực tế, trước đây tỉnh đã chia thành hai loại vé dành cho du khách trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện cách làm này thấy không phù hợp nên đã bỏ.
Một hộ gia đình ở khu 8, thị trấn Cái Rồng (Vân Đồn) xem truyền hình trực tiếp phiên khai mạc kỳ họp. |
Liên quan đến vấn đề này còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng nhìn chung đồng tình với quan điểm điều chỉnh và bổ sung phí tham quan VHL và BTL như dự thảo nghị quyết.
Di dân ra đảo Trần - cần những cơ chế, chính sách phù hợp
Đề án thành lập xã đảo Trần, huyện Cô Tô là nội dung “nóng” trong phiên thảo luận tổ. ĐB Nguyễn Đức Thành (Tổ Cô Tô) cho rằng, Đề án di dân ra đảo Trần thể hiện chủ trương đúng đắn và có ý nghĩa hết sức quan trọng của tỉnh, vừa tạo điều kiện cho người dân sinh sống, phát triển KT-XH, vừa góp phần giữ gìn và bảo vệ vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Các chính sách của tỉnh đưa ra cho các đối tượng tình nguyện ra đảo sinh sống là rất phù hợp. Bên cạnh chính sách chung của tỉnh, các hộ còn được thụ hưởng một số cơ chế riêng của huyện Cô Tô, như: Trợ giá tiền dầu máy phát điện, hỗ trợ cước phí vận chuyển chất đốt (than bùn) đến tận hộ gia đình, hỗ trợ giống vật nuôi, cây trồng theo mô hình phát triển kinh tế… Quan điểm của huyện là sẽ tích cực, nỗ lực phối hợp để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hộ ra đảo sinh sống. Tuy nhiên, chỉ nên đưa khoảng 30 hộ dân ra đây sinh sống là phù hợp.
Đồng tình với nội dung này, ĐB Nguyễn Đình Tuấn (Tổ Hải Hà) khẳng định, việc di dân ra đảo Trần sinh sống liên quan đến cuộc sống lâu dài, vì vậy cần tiếp tục nghiên cứu thêm các cơ chế chính sách sao cho thật phù hợp, nếu không sẽ rất khó tháo gỡ về sau. ĐB Lê Thị Thoa (Tổ Hải Hà) cũng cho rằng, chính sách cho các hộ dân ra đảo Trần là hết sức quan trọng. Với các hộ dân nói chung ra đảo Trần thì đã rõ rồi, còn đối với CCVC ra đảo Trần sinh sống lâu dài thì cần nghiên cứu xây dựng thêm chính sách cụ thể, phù hợp. Các cháu học sinh sau khi tốt nghiệp tiểu học có thể được tuyển thẳng vào các trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh chứ không phải chỉ riêng Trường Dân tộc nội trú của tỉnh (như trong tờ trình) sẽ hợp lý hơn.
Các ĐB cũng có ý kiến không nên đưa vào điều khoản chế tài xử lý các hộ dân vi phạm các điều khoản cam kết khi ra đảo Trần sinh sống, vì ra đây đều đã trên tinh thần tự nguyện rồi. Cần xem xét, thay thế cụm từ “hình thức tín chấp thông qua Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên” bằng một tổ chức khác phù hợp.
Quang Minh - Nguyễn Huế - Minh Thu
Liên kết website
Ý kiến ()