Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 21:33 (GMT +7)
Thể chế hành chính cho đặc khu kinh tế
Thứ 6, 21/03/2014 | 15:20:33 [GMT +7] A A
Thể chế hành chính và chất lượng nguồn nhân lực đã trở thành nhân tố hàng đầu đối với sự phát triển của mỗi đặc khu kinh tế. Trong Chương trình “Hội thảo quốc tế về đặc khu kinh tế - kinh nghiệm và cơ hội”, buổi tọa đàm chuyên đề số 4 về “Thể chế hành chính và nguồn nhân lực” diễn ra sáng 21- 3, tại khách sạn Mường Thanh (TP Hạ Long) đã nhận được nhiều ý kiến từ các chuyên gia, các diễn giả.
Chủ trì buổi tọa đàm, đồng chí Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: Khát vọng của tỉnh Quảng Ninh đó là muốn xây dựng ĐKKT tại huyện Vân Đồn. Và việc cải cách thể chế kinh tế và cải cách thể chế hành chính, có ý nghĩa quan trọng bậc nhất và thúc đẩy đặc khu kinh tế vận hành và phát triển được. Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng đưa ra một số nội dung như: xây dựng mô hình tổ chức bộ máy, làm sao để trung ương có thể phân cấp, phân quyền để quyết định một số vấn đề trong nội hàm của đặc khu. Cùng với đó bố trí nguồn nhân lực để vận hành bộ máy hành chính mới phát huy vai trò quản lý kinh tế và quản lý xã hội trong đặc khu.
Đồng chí Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh gợi mở thảo luận về thể chế hành chính ĐKKT. |
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy mong muốn các chuyên gia bày tỏ để Quảng Ninh tiếp thu những bài học kinh nghiệm, những bài học rủi ro trong quá trình xây dựng của các đặc khu đã phát triển trước đây. Để Quảng Ninh tìm ra hướng đi đúng, phù hợp, ngắn hơn nhưng vẫn phải đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội phù hợp với Hiến pháp mới sửa đổi. Đồng chí cũng nêu rõ, Hiến pháp mới đã đón đầu đầu mô hình, các tổ chức các cấp hành chính, chính quyền địa phương, quy định liên quan đến mô hình nông thôn, thành thị phù hợp với đặc thù của nó, phù hợp với xu thế đang phát triển, để quyền chủ động cao nhất.
Tham gia ý kiến thảo luận về chủ đề này đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đã nhấn mạnh, Vân Đồn vẫn còn nhiều khó khăn cả về đời sống, hạ tầng và các yếu tố khác. Do vậy, để giải quyết bài toán cân bằng vùng và phát huy lợi thế của nó phải xác định Vân Đồn là phát triển du lịch biển đảo cao cấp có casino quy mô lớn; Tự do hóa về mặt truyền thông, các giao dịch thông tin; Cần có một thể chế ngân hàng, tài chính riêng. Do vậy, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các đại biểu tiếp tục giải quyết các câu hỏi về phát triển ngành nghề gì cho bền vững, lâu dài và hiệu quả. Cần phải xác định tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để so sánh với các đặc khu khác trong khu vực. Bên cạnh đó là phải chọn mục tiêu ưu tiên để đầu tư trọng điểm, công tác quy hoạch phải vượt thời đại.
Đề nghị với các nhà diễn giả, các nhà khoa học, đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, các ý kiến sẽ là cơ sở để tỉnh Quảng Ninh đề xuất với trung ương, để có hoạch định, thể chế cụ thể và tạo nguồn lực phù hợp cũng như tăng tính cạnh tranh cho khu kinh tế Vân Đồn đang trong lộ trình xây dựng, phát triển thành đặc khu kinh tế.
Từ đề xuất của các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, GS Uông Vĩnh Thành, Viện nghiên cứu chính trị Trung Quốc đương đại thuộc Trường Đại học Thâm Quyến và GS Hách Thọ Nghĩa, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển tổng hợp Tân Hải, TP Thiên Tân (Trung Quốc) đã chỉa sẻ những kinh nghiệm, cách xây dựng đặc khu kinh tế tại Thâm Quyến và Thiên Tân. Hai đặc khu này có thời gian xây dựng khác nhau, tuy nhiên đến nay đều đóng vai trò hết sức quan trọng nền kinh tế của Trung Quốc. Đặc khu kinh tế Thâm Quyến được thành lập vào năm 1980, được Chính phủ Trung ương giao cho sứ mệnh là đặc khu kinh tế, coi đó là nơi thử nghiệm cho công cuộc cải cách mở cửa, nhằm phát huy vai trò cửa gõ và kiểu mẫu. Với vai trò và sứ mệnh này, trong cả “thời kỳ Đặc khu”, Thâm Quyến đã thực hiện cải cách hành chính mà trong đó nội dung chính là cải cách cơ cấu điều hành. Sự cải cách thể chế hành chính của Thâm Quyến được chia thành 3 giai đoạn: Cải cách thể chế kinh tế kế hoạch, thúc đẩy đi sâu thị trường hóa và nâng cao sức cạnh tranh thành thị. Đặc khu này đã hoàn thành sứ mệnh chính trị lịch sử của nó khi đem lại cho Trung Quốc sự vững tin vào thành công của công cuộc cải cách và mở cửa kinh tế, đúc kết được cách thức vận hành quá trình cải cách và mở cửa trên phạm vi toàn quốc.
Đặc khu kinh tế Tân Hải, TP Thiên Tân (Trung Quốc) mặc dù được hình thành sau, song theo GS Hách Thọ Nghĩa, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển tổng hợp Tân Hải, TP Thiên Tân (Trung Quốc): Đây là mô hình đặc khu kinh tế khá thành công trong công tác cải cách thể chế hành chính. Việc phân cấp, uỷ quyền cho chính quyền địa phương được “lập pháp” nhằm giải quyết những vấn đề mà thực tiễn đặt ra. Đặc khu kinh tế được phân cấp, uỷ quyền mạnh mẽ, nổi bật là mô hình một cấp ở khu kinh tế Thiên Tân. Các khu phát triển công nghiệp giao cho trực tiếp các công ty quản lý, nhà nước chỉ quản lý hành chính về xuất nhập khẩu...
Về vấn đề xây dựng nguồn nhân lực, giáo sư Tăng Nguyệt Anh, Phó Viện trưởng Viện Luật, Đại học Thâm Quyến chia sẻ: Ở các đặc khu kinh tế thuộc Trung Quốc, nhân tài chủ yếu là do vai trò của doanh nghiệp là chính, việc sáng tạo cải cách và xây dựng nguồn nhân lực phải thực hiện cải cách rồi mới tính đến bước đột phá. Để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phải đề ra các cơ chế hỗ trợ. Tại các đặc khu kinh tế, địa phương có quyền ban hành lập pháp, sẽ tạo cho nhân lực không gian hoạt động phù hợp với lập pháp lớn đang hiện hành của đất nước. Với Vân Đồn, để xây dựng thành đặc khu kinh tế cần phải đòi hỏi quyền lập pháp địa phương, đây cũng là đặc quyền mà trung ương Trung Quốc đã giao cho 5 đặc khu ở nước này. Thêm nữa, quyền ưu đãi cũng rất quan trọng để tạo đã thu hút đầu tư và nguồn nhân lực vào các đặc khu kinh tế như ưu đãi về thuế chẳng hạn. Như vậy sẽ có được mức thu lâu dài, đồng thời tạo được nguồn nhân lực cho các đặc khu cao hơn, chuyên nghiệp hơn...
Ngoài những ví dụ, phân tích cụ thể về một số mô hình đặc khu kinh tế tiêu biểu, tại cuộc tọa đàm, các chuyên gia đã chỉ ra các giải pháp xây dựng đặc khu kinh tế Vân Đồn đó là cần có những đặc thù riêng, giải pháp riêng, khác biệt và nổi trội. Bên cạnh đó các chuyên gia còn còn thực hiện giải đáp những thắc mắc của đại biểu trong và ngoài tỉnh Quảng Ninh. Những vấn đề được quan tâm để cải cách “Thể chế hành chính và nguồn nhân lực” của đặc khu kinh tế, sự mô thuẫn giữa các chính sách của đặc khu và chính sách chung của đất nước, các kinh nghiệm giải pháp phát triển dịch vụ, công nghệ chất lượng cao và những giải pháp về môi trường được rút ra từ kinh nghiệm, bài học của các đặc khu kinh tế đã thành công của Trung Quốc.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()