Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 23:35 (GMT +7)
Thêm các giải pháp để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm
Thứ 3, 10/11/2020 | 09:38:24 [GMT +7] A A
Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng được công bố đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Ngay sau khi các dự thảo văn kiện được công bố, nhiều ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh đã đề cập đến các giải pháp để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2020-2025.
Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Mạnh Tuấn: "Đồng sức, đồng lòng, nỗ lực thực hiện hiệu quả 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược"
Qua nghiên cứu, tôi thấy dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng được chuẩn bị công phu, bài bản, chu đáo, có sự gắn kết giữa lý luận và thực tiễn, kế thừa và phát triển, bố cục chặt chẽ, kết tinh được trí tuệ, tích hợp được ý Đảng, lòng dân. Nội dung có nhiều điểm mới, mang tính đột phá và có tầm nhìn chiến lược, cách tiếp cận phù hợp với thực tiễn phát triển chung của khu vực và thế giới. So với Đại hội XII, văn kiện Đại hội lần này vấn đề đặt ra rộng lớn hơn, khái quát hơn.
Nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xác định đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát huy mọi nguồn lực và động lực để phát triển đất nước nhanh, bền vững. Có thể thấy, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược có kết cấu khoa học, đã thể hiện toàn diện, đầy đủ những vấn đề lớn, những nội dung quan trọng về quan điểm, tư tưởng chủ đạo, những chủ trương, chính sách, biện pháp đổi mới có ý nghĩa chiến lược, có tính đột phá trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, cần có sự đồng sức, đồng lòng, sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, mỗi tổ chức đảng và từng đảng viên. Mỗi tổ chức đảng, mỗi cấp ủy theo chức năng, nhiệm vụ cần tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương; thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ đảm bảo yêu cầu, tiêu chuẩn đề ra, đáp ứng nhiệm vụ được giao. Các địa phương cần chủ động khai thác hiệu quả lợi thế của địa phương, đơn vị; chủ động đề xuất những cơ chế, chính sách tạo sự phát triển đột phá; huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng động lực, nhất là hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, hạ tầng khu công nghiệp... để thu hút đầu tư phát triển, đóng góp chung cho sự phát triển của tỉnh, của đất nước. Cùng với đó, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, huy động sức dân để thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Chánh Văn phòng Thành ủy Móng Cái Nguyễn Thị Ninh:"Tăng cường hơn nữa nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh"
Nhiệm vụ then chốt xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh cần phải được tăng cường hơn nữa trong nhiệm kỳ mới. Tư tưởng này đã được thể hiện nhất quán và xuyên suốt trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng.
Về nhiệm vụ trọng tâm đề ra cho nhiệm kỳ 2020-2025, tôi hoàn toàn tán thành. Trong đó, nhiệm vụ “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng” có ý nghĩa, vai trò rất lớn, quyết định việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ còn lại. Tôi xin đề xuất bổ sung một số giải pháp trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng. Đó là: Cần tiếp tục quy định rõ hơn Đảng phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình; về quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của người đứng đầu khi thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng việc xây dựng, ban hành nghị quyết của Đảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước, sao cho thiết thực, ngắn gọn, khả thi; phải tính đến cân đối các nguồn lực và điều kiện để đảm bảo triển khai có hiệu quả. Coi trọng xây dựng văn hóa trong các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước trong hệ thống chính trị; đổi mới phương pháp, phong cách, lề lối làm việc, xây dựng phong cách làm việc khoa học, tập thể dân chủ, gần dân, trọng dân, vì dân, bám sát thực tiễn, nói đi đôi với làm thông qua những hoạt động thiết thực, cụ thể. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với MTTQ và các tổ chức chính trị, xã hội; từng bước xây dựng hệ thống chính trị hoạt động năng động, có hiệu lực, hiệu quả.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Vân Đồn, Tô Văn Hải: “Tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế”
Qua nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng, tôi hoàn toàn nhất trí với kết quả đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng - an ninh trong 5 năm qua; nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ tới. Về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế, tôi tham gia cần phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước nhanh, bền vững; hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thời gian qua, một số tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn của Nhà nước để xảy ra tiêu cực nghiêm trọng, gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước, của nhân dân. Nguyên nhân do cơ chế quản lý chưa chặt chẽ. Do đó, tôi đề nghị tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, song bước đi phải hết sức thận trọng có kiểm nghiệm, đánh giá khả thi, tránh làm dàn trải.
Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bình Liêu Dương Ngọc Khoa: "Tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới"
Qua nghiên cứu nội dung của Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, tôi thấy việc xây dựng các văn kiện được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, khoa học có tầm đánh giá, bao quát rộng.
Đặc biệt, văn kiện lần này được mở rộng, không chỉ đánh giá nhiệm kỳ 5 năm của khóa XII mà còn đánh giá 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung 2011, 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, gắn với 35 năm đổi mới. Cũng với tinh thần ấy, văn kiện đưa ra những định hướng, đầu tiên là cho năm năm tới của nhiệm kỳ 2020-2025, gắn với tầm nhìn đến năm 2030.
Cá nhân tôi đánh giá rất cao và hoàn toàn đồng tình với Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Cùng với đó, tôi cũng mong muốn trong Nghị quyết nhiệm kỳ tới tiếp tục có những chính sách mới quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất đối với vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, gắn với triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia đang thực hiện. Đồng thời tiếp tục quan tâm công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, thu hẹp dần khoảng cách với khu vực thuận lợi. Tôi cũng đề nghị Trung ương chỉ đạo tiếp tục thực hiện chính sách di dân ra biên giới; quan tâm nghiên cứu đầu tư hệ thống điện, đường, trạm y tế, điểm trường, nước sinh hoạt, nước sản xuất... để nhân dân ổn định cuộc sống, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia; quan tâm cơ chế để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn; hỗ trợ các nghệ nhân dân gian, các câu lạc bộ văn hóa - văn nghệ truyền thống trong việc truyền nghề và phát triển.
Phó Bí thư Đảng ủy xã Đông Xá (huyện Vân Đồn) Lê Thị Na: “Kích thích phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa”
Tôi hoàn toàn đồng ý về nhận định đánh giá tổng quát được trình bày tại dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng. 5 năm qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nỗ lực phấn đấu, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, đưa đất nước đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Báo cáo cũng chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân và những bài học kinh nghiệm ngắn gọn, đúng mực, thể hiện thái độ tích cực của Đảng trong đổi mới là nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật.
Tôi cũng đồng tình với các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới. Tuy nhiên, cần phải có những giải pháp hết sức cụ thể, đặc biệt là phải có động lực để thúc đẩy mạnh mẽ phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bởi hiện nay, nền kinh tế của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào các doanh nghiệp này, tuy nhiên số doanh nghiệp này chưa được tạo điều kiện thuận lợi tối đa về hỗ trợ vốn, tham gia các dự án, gói thầu lớn tại địa phương, dẫn đến thiếu, không tạo ra được công ăn việc làm cho người lao động. Chính từ cái vòng luẩn quẩn này, khiến cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể cải thiện được kinh nghiệm, quản trị doanh nghiệp để từng bước phát triển mạnh mẽ thành những doanh nghiệp lớn.
Bà Nguyễn Thị Thúy, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Yên Giang (TX Quảng Yên): "Lấy ý kiến nhân dân góp phần nâng cao chất lượng Dự thảo các văn kiện, bồi đắp niềm tin của nhân dân với Đảng"
Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã được Bộ Chính trị, BCH Trung ương và Ban văn kiện chuẩn bị rất kỹ lưỡng, nhất là các nội dung văn kiện trình trong Đại hội. Đặc biệt, việc tổ chức lấy ý kiến từ các đảng bộ, chi bộ, đảng viên và cả nhân dân sẽ góp phần nâng cao chất lượng Dự thảo các văn kiện. Quan trọng nhất là sẽ củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân với Đảng, phát huy được trí tuệ, quyền làm chủ của nhân dân tham gia, đóng góp với Đảng trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước.
Qua nghiên cứu Dự thảo các văn kiện, với trách nhiệm của những người thực tiễn tại cơ sở, tôi mong muốn Bộ Chính trị, BCH Trung ương trong nhiệm kỳ mới sẽ đưa ra được nhiều quyết sách quan trọng trong phát triển KT-XH của đất nước. Chúng tôi cũng đề nghị các cấp, ngành cần đánh giá được những thuận lợi, thời cơ, thách thức của đất nước khi đối mặt với dịch bệnh, thiên tai. Từ đó có những bước đi thận trọng và kỹ lưỡng trong hoạch định chiến lược. Cùng với đó, rất mong Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp, ngành cần quan tâm đến lựa chọn nhân sự đủ đức, đủ tài, có năng lực, có trình độ; nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng, xây dựng đảng, lãnh đạo của đảng ở các cấp, nhất là từ khu dân cư trở lên, để phát huy được sức mạnh tổng hợp của Đảng và cho thấy sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trong mọi lĩnh vực.
Ông Vũ Hữu Chương, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Công ty Điện lực Quảng Ninh: "Đánh giá cụ thể hơn nữa về kết quả thực hiện phòng chống tham nhũng"
Thời gian qua, Đảng bộ Công ty Điện lực Quảng Ninh đã chỉ đạo các chi bộ, đảng bộ bộ phận tổ chức nhiều hội nghị để nghiên cứu Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy đây là một công trình trí tuệ tập thể, đã được BCH Trung ương, Ban văn kiện và các nhà khoa học xây dựng công phu, sát với thực tế, tinh thần tự phê bình, phê bình rất cao và nghiêm túc. Bố cục văn kiện được sắp xếp một cách khoa học, dễ hiểu, các vấn đề nêu trong văn kiện đã thể hiện rõ ràng, cụ thể từng nội dung, sát với tình hình thực tế của đất nước trong những năm qua. Hầu hết các ý kiến đồng ý với đánh giá tổng quát kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII và diện mạo đất nước qua 35 năm đổi mới.
Bên cạnh đó, chúng tôi đề nghị văn kiện Đại hội XIII của Đảng cần đánh giá cụ thể hơn nữa về kết quả thực hiện phòng chống tham nhũng; kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII; vấn đề chạy chức, chạy quyền. Đối với tầm nhìn và định hướng phát triển của đất nước trong giai đoạn tới, chúng tôi cũng đề nghị bổ sung nội dung “Bảo vệ môi trường tự nhiên cùng với phát triển KT-XH” là trung tâm trong 5 quan điểm chỉ đạo.
Ông Lữ Thanh Đạo, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Chè Phạ, xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu: "Có thêm các chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo"
Tôi nhất trí cao với Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng. Dự thảo Báo cáo đã chỉ rõ kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020), nhấn mạnh đến chính sách dân tộc được hoàn thiện, đầy đủ hơn, bao phủ toàn diện các lĩnh vực, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được cải thiện. Đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025), trong đó chỉ rõ phải tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc trên tất cả các lĩnh vực, nhất là những chính sách đặc thù giải quyết những khó khăn của đồng bào dân tộc thiểu số; tạo sinh kế, việc làm, định canh, định cư vững chắc cho đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
Hiện nay, các chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang được Đảng, Nhà nước quan tâm, thực hiện đầy đủ, đặc biệt là chính sách để giúp người dân có sinh kế, nhằm từng bước vượt qua khó khăn, thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, tôi thấy cần có thêm chính sách để thu hút, khuyến khích đồng bào dân tộc thiểu số chủ động tham gia các mô hình phát triển kinh tế và các chính sách hỗ trợ này phải thiết thực hơn, không chung chung và đến được đúng với người cần hỗ trợ. Ngoài ra, tôi thấy cần có thêm một chính sách quan trọng để giảm nghèo bền vững cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đó là phải kết nối được thị trường để bà con tạo ra sản phẩm và tiêu thụ được.
Thu Chung- Mạnh Trường - Hoàng Nga (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()