Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 09:17 (GMT +7)
UBND tỉnh cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch thực hiện chuyển đổi số toàn diện
Thứ 5, 10/02/2022 | 18:21:23 [GMT +7] A A
Ngày 10/2, đồng chí Nguyễn Tường Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh đã chủ trì họp, nghe và cho ý kiến về kế hoạch thực hiện chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh năm 2022. Cùng dự có đồng chí Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Từ năm 2012, Quảng Ninh đã bắt đầu triển khai ý tưởng về chuyển đổi số. Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Quảng Ninh đã ban hành nhiều Nghị quyết, chương trình hành động. Ngày 5/2/2022 vừa qua Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về chuyển đổi số toàn diện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Qua đó xác định, phát triển mạnh kinh tế số, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển và tạo ra các giá trị tăng trưởng mới trong các ngành, lĩnh vực KT-XH của tỉnh, từng bước đưa kinh tế số giữ vài trò chủ đạo trong tăng trưởng GRDP. Xây dựng xã hội an toàn, nhân văn dựa trên ba trụ cột thiên nhiên – văn hóa – con người để hình thành công dân số, xã hội số, đảm bảo an toàn, an ninh mạng gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền số quốc gia…
Trên cơ sở tinh thần Nghị quyết, với mục tiêu lan tỏa tinh thần chuyển đổi số toàn diện đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân; huy động sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị… chỉ sau 5 ngày Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 5/2/2022 của Tỉnh ủy được ban hành, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch dự thảo chuyển đổi số toàn diện năm 2022.
Theo đó, dự thảo đã bám sát quan điểm, mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ chuyển đổi số theo chỉ đạo từ trung ương, của Tỉnh ủy; nhận thức rõ vai trò quyết định trong chuyển đổi trên quan điểm, người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, là động lực của chuyển đổi số và tham gia trực tiếp vào quá trình chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, kế hoạch cũng xác định, chuyển đổi số là nhiệm vụ chung, trọng tâm, xuyên suốt, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị. Do đó, các mục tiêu, chỉ tiêu đều tính toán đảm bảo hiệu quả, đầy đủ, chuẩn hóa, tích hợp, hợp lý trong triển khai; khai thác tối đa và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để thực hiện chuyển đổi số. Trong đó quan điểm nguồn lực doanh nghiệp công nghệ số sẽ tạo bứt phá, nguồn lực từ ngân sách của tỉnh đóng vai trò định hướng, dẫn dắt nguồn lực trong nhân dân là yếu tố quyết định để tập trung xây dựng kinh tế số, xã hội số trong năm 2022.
Kế hoạch cũng đã đặt ra mục tiêu cụ thể chuyển đổi số của tỉnh trên 3 trục, gồm: Phát triển hạ tầng số và đảm bảo an toàn thông tin mạng; phát triển chính quyền số và phát triển kinh tế số và xã hội số. Riêng năm 2022, dự thảo kế hoạch đã chỉ rõ 90 nhiệm vụ cụ thể đối với từng lĩnh vực, từng đơn vị liên quan như: Tỷ lệ các giao dịch giữa doanh nghiệp với hệ thống chính quyền được xác thực sử dụng chữ ký số đạt 100%; Tỷ lệ công việc ở cả 3 cấp từ tỉnh đến xã được xử lý toàn bộ trên hệ thống chính quyền điện tử đạt 100%; Tỷ lệ người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương sử dụng chữ ký số, xử lý công việc trên hệ thống chính quyền điện tử phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và ra quyết định đạt 100%; Tỷ lệ hóa đơn điện tử đạt 100%; Tỷ lệ người dân trưởng thành có smartphone cài đặt ứng dụng (app) bảo hiểm xã hội số đạt 95%...
Tại cuộc họp, các đại biểu dự họp đã tham gia và làm rõ một số nội dung liên quan đến dự thảo kế hoạch chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh năm 2022 như việc cập nhật cơ sở hạ tầng dữ liệu; kinh phí triển khai; cơ sở khoa học, cơ sở thực tế đối với các chỉ tiêu cụ thể năm 2022; cần xây dựng mục tiêu tổng thể dài hạn; công tác phối hợp giữa các đơn vị liên quan...
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh: Hiện hạ tầng cứng của Quảng Ninh đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển, đồng bộ, đảm bảo kết nối liên thông, liên vùng quốc gia. Trong giai đoạn này, Quảng Ninh đang tập trung đầu tư vào hạ tầng số, nỗ lực triển khai từng bước công cuộc chuyển đổi số toàn diện, với mục tiêu tổng quát về chuyển đổi số của tỉnh trên 3 trục, gồm: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số…
Năm 2020 Quảng Ninh đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng chuyển đổi số (DTI) ở nhóm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Quảng Ninh sẽ quyết tâm cải thiện vị trí bảng xếp hạng để trở thành tỉnh điển hình, đi đầu trong chuyển đổi số toàn diện, áp dụng hiệu quả các giải pháp công nghệ trong điều hành và triển khai các hoạt động KT-XH.
Trên cơ sở dự thảo kế hoạch, các đơn vị liên quan cần điều chỉnh, xây dựng lại kế hoạch dài hạn, tổng thể của tỉnh cho cả giai đoạn và kế hoạch cụ thể cho năm 2022; xây dựng kế hoạch riêng cho từng ngành, từng lĩnh vực, hoàn thành trong tháng 2/2022.
Trong quá trình hoàn thiện kế hoạch chuyển đổi số toàn diện của tỉnh, cần bổ sung thêm các đề án liên quan đến lĩnh vực, bám sát Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 5/2/2022 của Tỉnh ủy và chỉ đạo của trung ương; huy động sự vào cuộc, tham gia của các chuyên gia, người có kinh nghiệm trong chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin; sử dụng hiệu quả hạ tầng dữ liệu đang có.
Đối với các nhiệm vụ cụ thể của từng lĩnh vực, từng đơn vị, cần tính toán lại, gắn chuyển đối toàn diện số với nhân dân để phát huy hiệu quả, mang lại lợi ích toàn diện cho nhân dân khi áp dụng triển khai.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()