Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 19:20 (GMT +7)
Theo dõi sát thực tế để triển khai hỗ trợ người dân và doanh nghiệp
Thứ 4, 28/07/2021 | 22:07:08 [GMT +7] A A
Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp.
Đợt dịch COVID-19 thứ 4 đang diễn biến phức tạp gây ra nhiều nhiều khó khăn, thách thức lớn đối với nền kinh tế, Bộ Tài chính đang theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu việc xây dựng và triển khai các giải pháp hỗ trợ tiếp theo cho người dân và doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển và quay trở lại doanh nghiệp có đóng góp cho ngân sách một cách bền vững.
Đây là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc với báo chí nhân dịp Quốc hội khóa XV tán thành phê chuẩn ông tiếp tục tái đắc cử nhiệm kỳ 2021-2026.
- Dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp và gây ra niều khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính đã triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, thực thi chính sách tài khóa vì dân. Xin Bộ trưởng chia sẻ về chính sách này?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp mang lại những hệ lụy rất lớn; trong đó, có việc thực thi nhiệm vụ của ngành tài chính. Thu ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm đảm bảo tiến độ dự toán, tuy nhiên từ tháng 5 trở đi số thu đã sụt giảm do dịch bệnh cũng như việc gia hạn nhiều khoản thuế, tiền thuê đất và giảm nhiều khoản thuế, phí, lệ phí.
Trong bối cảnh thu ngân sách còn khó khăn, thực hiện các nghị quyết của Chính phủ, Bộ Tài chính tổ chức điều hành chính sách tài khóa linh hoạt để ứng phó với đại dịch COVID-19, hỗ trợ nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; khẩn trương ban hành theo thẩm quyền và trình các cấp có thẩm quyền ban hành nhiều giải pháp về thuế, giãn, giảm nhiều khoản thuế, phí và lệ phí cho người dân và doanh nghiệp.
Bộ Tài chính đã đề xuất và triển khai kịp thời các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế và các khoản thu ngân sách nhà nước. Trong 6 tháng đầu năm đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn khoảng 27,5 nghìn tỷ đồng, trong đó: gia hạn thuế, tiền thuê đất khoảng 23,2 nghìn tỷ đồng; miễn giảm khoảng 4,3 nghìn tỷ đồng các khoản thuế, phí, lệ phí. Từ năm 2020 đến hết tháng 6/2021, ngân sách nhà nước đã chi 21,5 nghìn tỷ đồng cho phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19.
[Bộ trưởng Tài chính: Bộ, địa phương ủng hộ giảm 10% chi thường xuyên]
Trong thực hiện các chính sách giãn, giảm thuế, phí và lệ phí, Bộ Tài chính luôn sát sao, chỉ đạo cơ quan thuế các cấp triển khai ngay các giải pháp để kịp thời đưa các chính sách hỗ trợ của nhà nước cho doanh nghiệp và người dân vào cuộc sống. Trong thực hiện các giải pháp thu ngân sách, chúng tôi tuyệt đối không vì áp lực thu mà gây sức ép cho doanh nghiệp.
Đáng lưu ý, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19 để huy động các nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Đến nay, Quỹ vaccine đã huy động được trên 8 nghìn tỷ đồng, cùng với kinh phí bố trí từ ngân sách nhà nước, tổng nguồn lực để thực hiện mua vaccine phòng COVID-19 khoảng 25 nghìn tỷ đồng, đảm bảo mua đủ 150 triệu liều để tiêm cho 70% dân số cả nước.
- Bộ Tài chính có cân nhắc nghiên cứu, xem xét để tiếp tục đề xuất triển khai gói hỗ trợ mới cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn hết sức căng thẳng hay không, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Trước ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19 đến hoạt động của doanh nghiệp, người dân, từ đầu năm 2020, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp.
Cụ thể, gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác; tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025; tăng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân; giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; giảm thuế nhập khẩu đối với một số nhóm mặt hàng, thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp, cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ôtô...
Người dân vào mua đồ thiết yếu tại chợ Đồng Xuân được lực lượng chức năng yêu cầu rửa tay sát khuẩn. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành quy định kéo dài thêm thời gian áp dụng đối với một số giải pháp hỗ trợ chủ yếu đã thực hiện như: tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2021 để hỗ trợ ngành hàng không; kéo dài thời gian thực hiện việc giảm nhiều khoản phí, lệ phí đến giữa năm 2021.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang xin ý kiến các bộ, ngành để sớm trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 57/2020/NĐ-CP về biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi; trong đó, đề xuất giảm thuế nhập khẩu ưu đãi nhiều mặt hàng nguyên vật liệu tăng giá mạnh, góp phần ổn định mặt bằng giá cả trong nước; cũng như kéo dài Chương trình ưu đãi thuế đối với một số doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất phát triển.
Với quyết tâm đồng hành cùng doanh nghiệp, nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã và đang tiếp tục cải cách trên mọi mặt như: hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính và đẩy mạnh hiện đại hoá toàn diện các lĩnh vực của ngành Tài chính, đặc biệt là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, vốn được xem là các lĩnh vực có liên quan nhiều và trực tiếp tới doanh nghiệp.
Trong thời gian sắp tới, để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, trên cơ sở đánh giá, tổng kết quá trình thực hiện các giải pháp đã ban hành, Bộ Tài chính đang theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu việc xây dựng và triển khai các giải pháp hỗ trợ tiếp theo.
Những gói hỗ trợ này đảm bảo trong ngắn hạn hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển và quay trở lại doanh nghiệp có đóng góp cho ngân sách một cách bền vững.
- Bộ Tài chính hiện đang đứng trước những áp lực rất lớn, khi vừa đảm bảo nhiệm vụ thu ngân sách để có nguồn chi các khoản theo dự toán và nhiệm vụ cấp bách phát sinh. Bộ Tài chính sẽ tập trung ưu tiên những giải pháp đột phá nào để thực hiện cùng lúc các nhiệm vụ được giao, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Mặc dù nhiều tổ chức tài chính quốc tế đưa ra dự báo kinh tế nước ta tăng trưởng khá lạc quan trong năm 2021, nhưng bên cạnh những thuận lợi, tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm đối mặt với nhiều yếu tố rủi ro, thách thức, đặc biệt là tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến rất phức tạp...
Việc ngăn chặn, kiểm soát được dịch bệnh, kết hợp với thực hiện có hiệu quả các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ sẽ góp phần quan trọng, quyết định tới ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm.
Dự báo, từ nay đến cuối năm, thu ngân sách nhà nước khó khăn sẽ tác động tới chi tiêu chi ngân sách, do đó, Bộ Tài chính phải kiên định mục tiêu thực hiện chủ động, linh hoạt chính sách tài khóa, bên cạnh các giải pháp tăng thu ngân sách, thực hiện triệt để tiết kiệm chi tiêu, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính-ngân sách.
Triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, ngành Tài chính đang tập trung triển khai nhóm 5 trụ cột thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế-xã hội đất nước, đó là: xây dựng thể chế; quản lý nợ công; quản lý thị trường tài chính; dự trữ quốc gia.
Đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính; trong đó, chúng tôi đặc biệt lưu ý đến xây dựng và hoàn thiện thể chế. Bộ Tài chính không chỉ là bộ quản lý mà còn là bộ chính sách. Chính sách tài chính ngoài đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, thì vấn đề cốt yếu, trọng tâm là đảm bảo các cân đối vĩ mô của nền kinh tế, bảo đảm sự an toàn và bền vững của nguồn lực tài chính quốc gia, đảm bảo cho tài chính nhà nước, tài chính doanh nghiệp và tài chính dân cư phát triển mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế-xã hội, ngân sách phát triển bền vững ổn định, giảm nợ công...
Từ nay đến cuối năm, Bộ Tài chính tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế theo chương trình đề ra, trong đó có nhiều đề án quan trọng, như Chiến lược tài chính đến năm 2030; Chiến lược quản lý nợ công giai đoạn 2021-2030; hoàn thiện Báo cáo Kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm 2021-2025, trong đó có nội dung nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27 Hội nghị Trung ương 7, khóa XII; kế hoạch vay trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025; định mức phân bổ chi thường xuyên năm 2022, áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách 2022-2025...
Bên cạnh đó, trong 6 tháng cuối năm, ngành tài chính tập trung phấn đấu hoàn thành cao nhất dự toán thu ngân sách nhà nước Quốc hội quyết định; điều hành ngân sách nhà nước chặt chẽ, đảm bảo nguồn chi cho các khoản trong dự toán và các khoản cấp bách phát sinh, nhất là cho phòng, chống dịch COVID-19.
- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()