Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 06/11/2024 01:23 (GMT +7)
DƯ VỊ HỘI NGHỊ VĂN HÓA TOÀN QUỐC: Thị trường nghệ thuật-khuôn mặt mờ nhạt
Thứ 6, 26/11/2021 | 07:43:25 [GMT +7] A A
Thị trường văn hóa đã manh nha nhưng không xác định được khuôn mặt. Nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng cùng một số nhà nghiên cứu góp thêm tiếng nói, chỉ ra bất cập của thị trường văn hóa, nghệ thuật nước nhà.
Nhỏ bé, mờ nhạt
Phát triển thị trường văn hóa, nghệ thuật Việt Nam là một trong những nội dung được nhắc tới như là giải pháp để phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới- theo tinh thần của Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết của Đại hội Đại biểu lần thứ XIII của Đảng. Đây cũng là một trong những nội dung nhận được một số ý kiến tham luận đóng góp gửi về Ban Tổ chức Hội nghị.
Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng phân tích, sau khi đất nước xóa bỏ bao cấp, một số ngành nghệ thuật sống được, sống khỏe như nhạc trẻ, hội họa nhưng phần lớn các ngành khác như nghệ thuật truyền thống, nhạc cổ điển, phê bình nghiên cứu lâm cảnh khó khăn. Không thể quay lại thời kỳ bao cấp, Nhà nước đặt hàng “chi tiền, lo xuất bản, lo thị trường như xưa” mà cần làm thế nào để đưa hoạt động văn hóa, nghệ thuật vào thị trường. Đây chính là đi theo con đường của thế giới, bởi văn hóa nghệ thuật cũng có thị trường.
Hoạt động văn hóa nghệ thuật trong nền kinh tế thị trường có những lĩnh vực không thể và không nên thị trường hóa (chẳng hạn bảo tồn di sản) nhưng có những lĩnh vực cần thúc đẩy nhanh để gia nhập thị trường, như là những ngành nghề chuyên nghiệp, có đóng thuế. Những ngành này chính là nền công nghiệp sạch, đem lại lợi ích kinh tế, niềm vui và nhận thức xã hội mà không phá hủy môi trường sinh thái.
Sau 35 năm đổi mới, thị trường nghệ thuật Việt Nam bước đầu phát triển sôi động, đa sắc và đa diện hơn với nhiều loại hình, sản phẩm, dịch vụ phong phú. Nhiều sản phẩm, hàng hóa nghệ thuật vừa chuyển tải được bản sắc văn hóa dân tộc, vừa đổi mới về cách thức biểu đạt mang tính hiện đại, tiên tiến có sức hấp dẫn. Một số lĩnh vực như xuất bản, biaểu diễn ca nhạc trẻ sớm gia nhập thị trường và phát huy sức mạnh. Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng nêu ví dụ các nhà xuất bản khi bao cấp không có khả năng hạch toán, nhưng một số nhà sau đó “đón lõng” được thị trường, tự ký hợp đồng được với tác giả, xác định số lượng độc giả và số lượng xuất bản.
“Tuy nhiên nhìn chung thị trường nghệ thuật Việt Nam vẫn còn khá nhỏ bé, chưa thực sự tạo ra sự bứt phá ngoạn mục, chưa có sức ảnh hưởng và chi phối mạnh mẽ trong tiêu dùng của người dân Việt”, PGS.TS. Đỗ Thị Thanh Thủy (Trưởng Ban Nghiên cứu văn hóa, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) nêu. Đó là còn chưa kể tới tình trạng phát triển sơ khai, tự phát, vi phạm bản quyền, quyền sở hữu trí tuệ rất phổ biến.
Nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng đồng tình, cho rằng thị trường văn hóa đã có nhưng không xác định được khuôn mặt, không đánh giá được lợi ích tinh thần và khả năng kinh doanh. “Các câu lạc bộ thể thao mới tiêu tốn chứ chưa tự nuôi được cầu thủ. Các bộ phim, đoàn kịch không có khán giả ngay cả khi biểu diễn miễn phí khiến chúng không vào được thị trường. Nghệ sĩ hiện không được xác định là một hoạt động hành nghề chuyên nghiệp đặc biệt. Các trường đào tạo nghệ thuật hằng năm đều ở tình trạng ăn đong về tuyển sinh. Sinh viên nghệ thuật ra trường căn bản bị thất nghiệp”, ông Thượng phân tích.
Công nghiệp sạch, “hái” ra tiền
Từ lâu nhiều công ty kinh doanh trên thế giới nhìn ra vai trò của nền công nghiệp sạch và văn hóa công ty đem lại lợi ích cho sự phát triển. Những CLB thể thao trở thành công ty kinh doanh thể thao độc lập, ví dụ như bóng đá Anh. Những bảo tàng, viện nghiên cứu trở thành trung tâm hoạt động tri thức có chiều sâu và truyền thống, hệ thống đều có khả năng kinh doanh trực tiếp. Ông Phan Cẩm Thượng cho rằng sự phát triển của công nghệ với chế độ bảo vệ bản quyền tốt rất cần đến văn hóa và sáng tạo-nền tảng của nó là văn hóa, nghệ thuật do trí thức và nghệ sĩ làm ra.
Thị trường nghệ thuật dần trưởng thành với sự phát triển đô thị và giai tầng trung lưu-khách hàng chủ yếu của sách báo, phim ảnh, tranh tượng. Ông Phan Cẩm Thượng lấy ví dụ, những năm 1990 thị trường hội họa Việt Nam rất phát triển nhưng chủ yếu là cho người nước ngoài, nhưng dần dần thị trường nội địa lấy lại sức mua. Từ 2010-2020, sức mua trong nước tăng từ 50-80%, có những tác phẩm mỹ thuật Đông Dương được định giá trên 1 triệu USD. Hồi tháng 4/2021 bức Chân dung cô Phương của danh họa Mai Trung Thứ được đấu giá 3,4 triệu USD-phá kỷ lục đấu giá công khai mà tranh của danh họa Lê Phổ đạt được trước đó.
“Mặc dù thị trường văn hóa nghệ thuật của Việt Nam còn non trẻ, hầu như không có quy định về kinh doanh nghệ thuật tương ứng với các thị trường văn hóa nghệ thuật thế giới, nhưng trong nền kinh tế thị trường, nó sẽ phải hình thành. Nếu để phát triển tự nhiên thì những mặt hàng thấp kém, câu khách, xa rời văn hóa truyền thống và vi phạm bản quyền sẽ tràn lan. Do đó cần chủ động tạo hình hài cho thị trường này hướng tới giá trị nhân văn, nối tiếp tinh hoa truyền thống, bảo vệ tác quyền. Từ mặt mạnh này của thị trường sẽ đẩy những văn hóa phẩm kém chất lượng, kém thẩm mỹ, đồi trụy hoặc hơn nữa là phản văn hóa vào khu vực không thể kinh doanh được”, ông Thượng đề xuất. Điều này đòi hỏi chương trình văn hóa tầm quốc gia, bắt đầu từ việc hình thành thiết chế lao động chuyên nghiệp như một nghề tự do có đóng thuế.
PGS.TS. Đỗ Thị Thanh Thủy cho rằng, trong bối cảnh thị trường nghệ thuật Việt Nam còn ở trạng thái sơ khai, tự phát đòi hỏi có giải pháp tổng thể, hệ thống, liên ngành từ phát triển nguồn nhân lực sáng tạo, kinh doanh đến xây dựng thể chế, chính sách phù hợp, thúc đẩy “cầu” đồng thời tăng “cung”.
“Mô hình can thiệp của Nhà nước với lĩnh vực thị trường nghệ thuật nên là mô hình hỗn hợp, thích ứng linh hoạt, từ vai trò người chèo lái, chỉ đạo đến vai trò kiến tạo, tạo điều kiện, trong một số trường hợp Nhà nước sẽ đầu tư, hỗ trợ cho loại hình nghệ thuật mang bản sắc dân tộc”, PGS.TS. Thanh Thủy kiến nghị.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Vừa chống lai căng, vừa đổi mới Chủ trì phiên họp chiều 24/11về Chiến lược Văn hóa, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, chấn hưng văn hóa không phải làm cái gì khác đi mà chính là làm cho sáng hơn, phát triển hơn. Văn hóa bao hàm nhiều nội dung, có nhiều việc phải làm và thực hiện liên tục. “Chúng ta thường nói đã quán triệt đầy đủ tinh thần Nghị quyết, các chủ trương, chỉ thị, văn bản của Đảng và Nhà nước, nhưng khâu thực hiện còn yếu kém, do nguồn lực không đủ”, ông Đam nói. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc lại câu chuyện nhiều người làm văn hóa luôn than khó, bởi văn hóa nếu chỉ nhìn ở tầm ngắn hạn thường không làm ra tiền, chỉ tiêu tiền nên dường như bị lép vế, không được đặt ngang với kinh tế và các lĩnh vực khác. Nhắc lại ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng nhất thiết phải đặt ra nhiệm vụ chấn hưng văn hóa dài lâu, kiên trì. Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển, hội nhập và tiếp thu văn minh nhân loại, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu: “Chúng ta phải lưu ý, một mặt chống lai căng, mặt khác có nhiều lề thói cũng có thể gọi là biểu hiện về văn hóa đã không còn phù hợp thì cần mạnh dạn, cầu thị đổi mới”. |
Theo Tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()