Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:55 (GMT +7)
Bài dự thi Giải Búa liềm vảng tỉnh Quảng Ninh năm 2024 Thợ mỏ Đèo Nai - Cọc Sáu làm theo lời Bác
Thứ 4, 21/08/2024 | 09:11:58 [GMT +7] A A
65 năm qua, các thế hệ thợ mỏ Công ty CP Than Đèo Nai - Cọc Sáu - TKV học và làm theo gương Bác, đã không ngừng thi đua lao động sản xuất, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc’’ như Bác Hồ từng mong muốn.
Lời Người vang vọng
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ đã luôn dành cho thợ mỏ Quảng Ninh, cho công nhân, cán bộ ngành Than sự quan tâm sâu sắc. Từ năm 1921 đến năm 1945, Bác Hồ đã có 5 bài viết, trong đó có cả Báo cáo gửi Bộ Phương Đông, Thư gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương thể hiện rất rõ quan điểm bênh vực thợ mỏ của Người.
Từ năm 1957 đến 1965, Bác đã nhiều lần về thăm Quảng Ninh, trong đó ngày 30/3/1959, Người đến thăm và nói chuyện với công nhân, cán bộ công trường than Đèo Nai (nay là Công ty CP Than Đèo Nai - Cọc Sáu), khi đó còn nằm trong tổ hợp mỏ Cẩm Phả.
Ngày 7/9/1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, đồng chí Tống Đăng Bổn, Bí thư Đảng ủy mỏ Cọc Sáu là thành viên trong Đoàn đại biểu Đảng bộ khu Hồng Quảng đọc tham luận về phong trào thi đua phá kỷ lục, đạt năng suất cao ở công trường than Cọc Sáu. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Cọc Sáu đạt được thành tích là vì: Giai cấp công nhân ta có chí khí anh hùng, có lòng yêu nước, luôn luôn mong đạt kỷ lục ngày càng cao. Cán bộ đã cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc, cùng bàn bạc, thương lượng, cùng học tập với công nhân. Nếu tất cả các xí nghiệp, công trường khác đều học tập cách làm việc của Cọc Sáu và vượt Cọc Sáu thì chắc chắn rằng kế hoạch 5 năm sắp tới của ta sẽ được hoàn thành và hoàn thành xong trước thời hạn”.
Trong bức điện khen công nhân và cán bộ Mỏ than Cọc Sáu, Người viết: "Bác vui lòng nhận được điện của các cô, các chú báo cáo đã hoàn thành tốt kế hoạch quý I/1965. Bác mong các cô, các chú nhân đà thắng lợi đó, cùng các xí nghiệp bạn cố gắng hoàn thành kế hoạch cao hơn nữa’’.
Ngày 7/9/1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen công nhân và cán bộ mỏ than Cọc 6, thư có đoạn viết: “Bác rất vui lòng nhận được báo cáo rằng: Ngày 17 tháng 8 năm 1968, mỏ than Cọc Sáu đã thắng lợi hoàn thành vượt mức chỉ tiêu sản lượng than cả năm 1968. Như thế là rất tốt. Bác gửi lời khen ngợi các cô, các chú công nhân và cán bộ mỏ than Cọc Sáu. Bác dặn các cô, các chú chớ vì có thành tích mà tự mãn, cần phải đoàn kết chặt chẽ và luôn luôn cố gắng hơn nữa, cần phải hoàn thành đúng như lời hứa với Bác trong điện ngày 18 tháng 8 năm 1968”.
Công trường Đèo Nai là mỏ than duy nhất ở Quảng Ninh được Bác Hồ về thăm. Cọc Sáu - nơi Bác không đến thăm nhưng lại được Người nhắc đến nhiều nhất trong các thư, điện. Điều đó thể hiện vị trí, vai trò của Cọc Sáu và sự quan tâm của Người dành cho công nhân mỏ.
Ngọn đuốc soi đường cho thợ mỏ
Từ những lời dạy của Bác, lớp lớp các thế hệ thợ mỏ ở Đèo Nai, Cọc Sáu đã thấm thía những vấn đề về bảo vệ tài sản chung, bảo vệ con người, đảm bảo an toàn lao động. Đồng thời nâng cao năng suất lao động và phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả nhiều, nhanh, rẻ (tỷ lệ cục xô phải nhiều); xây dựng mối đoàn kết thống nhất dân chủ, quần chúng, gần gũi, chống mệnh lệnh quan liêu (để công nhân tham gia quản lý, cán bộ tham gia lao động).
Những lời dạy bảo ân cần của Bác đã trở thành ngọn đuốc soi đường, nguồn cổ vũ, động viên tinh thần to lớn, luôn được các thế hệ thợ mỏ khắc ghi trong tâm trí; luôn quyết tâm cùng nhau đoàn kết, nêu cao tinh thần trách nhiệm, vững tin vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao để xây dựng Công ty ngày càng phát triển vững mạnh, xứng đáng với niềm tin yêu của Người đã dành cho.
Đèo Nai có vinh dự là mỏ than duy nhất được đón Bác về thăm. Vì vậy, các thế hệ lãnh đạo và toàn thể cán bộ công nhân luôn có nguyện vọng và rất mong muốn di tích này được công nhận là Di tích Quốc gia. Chính vì vậy, từ tháng 3/2016, Công ty nhận được sự chỉ đạo của Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, UBND tỉnh, Sở VH-TT để làm hồ sơ đề nghị công nhận Di tích địa điểm Bác Hồ về thăm Mỏ Đèo Nai là di tích Quốc gia. Ngày 28/10/2016, Bộ VH-TT&DL đã xếp hạng di tích Quốc gia đối với địa điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm Mỏ than Đèo Nai.
Giá trị văn hoá, lời dạy của Bác trên tầng mỏ đã được các thế hệ thợ mỏ thấm nhuần, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Di tích là nơi nêu cao tinh thần trách nhiệm, vững tin vượt qua gian khó, học và làm theo Bác, xứng đáng với niềm tin yêu của Người đã dành cho. Di tích là một địa chỉ để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Đến nay, nơi đây đã và đang là một điểm đến trong hành trình về nguồn ý nghĩa...
Mỗi cán bộ, công nhân viên chức, người lao động trong Công ty đều tự hào khi được làm việc trong môi trường giàu truyền thống. Là kỹ sư tuyển khoáng, chị Nguyễn Thị Thanh Loan hiện đang làm việc tại tổ sản xuất nước đóng chai, thuộc Văn phòng Công ty. Chị Loan là một Đảng viên luôn xung kích trong việc tham gia các hoạt động, phong trào của Chi bộ, chi đoàn và tổ sản xuất. Chị thường vận động cán bộ công nhân viên trong đơn vị, đoàn viên thanh niên trong chi đoàn tham gia các phong trào thi đua, các hoạt động từ thiện, thăm hỏi động viên cán bộ công nhân khi gia đình khó khăn...
Đặc biệt, Loan thường xuyên tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ do Công ty, đơn vị phát động. Chị từng đạt giải nhất cuộc thi Cán bộ Đoàn giỏi do Đoàn Than tổ chức năm 2022, đoạt giải nhất Hội thi sân khấu hoá “Bác Hồ với thợ mỏ và nhân dân Quảng Ninh” do Đoàn Than Quảng Ninh kết hợp với Đoàn Thanh niên TKV tổ chức năm 2023; đạt giải khuyến khích Hội thi sân khấu hoá "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Đảng uỷ Than Quang Ninh tổ chức năm 2023.
Đảng viên Nguyễn Thị Thanh Loan chia sẻ: “Làm theo lời Bác dạy, thời gian tới, tôi luôn cố gắng học hỏi, tìm hiểu, trau dồi kiến thức, hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao, không ngừng học tập để phấn đấu vươn lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn và đoàn thể giao phó với niềm tự hào được làm việc trong một đơn vị được Bác Hồ về thăm”.
Tại Đảng bộ Công ty CP Than Đèo Nai - Cọc Sáu - TKV, truyền thống vượt khó, thi đua lao động sản xuất của cán bộ, thợ mỏ đến nay vẫn luôn là điểm sáng của ngành Than. Phong trào thợ mỏ Đèo Nai - Cọc Sáu thi đua làm theo lời Bác dạy cũng được đơn vị thực hiện theo một cách rất riêng. Không chỉ là thi đua trong những chiến dịch sản xuất tăng sản lượng, hoàn thành kế hoạch 90 ngày đêm, chiến dịch hạ moong, mỗi người thợ mỏ còn luôn thi đua tự rèn mình, phấn đấu để trở thành những "Người thợ mỏ - Người chiến sỹ".
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Bí thư Chi bộ, Quản đốc Công trường Xúc 1, cho biết: “Nhiều năm nay, Công trường Xúc 1 luôn là đơn vị dẫn đầu Công ty về phong trào thi đua xây dựng, lan tỏa giá trị danh hiệu "Người thợ mỏ - Người chiến sỹ". Noi gương các bậc cha, anh đi trước, những người thợ vận hành máy xúc của công trường hôm nay hầu hết là những hạt nhân tiêu biểu về tay nghề bậc thợ, về sản lượng bóc xúc và cả về tiền lương, thu nhập’’.
Thực hiện di huấn của Bác là xây dựng Quảng Ninh thành một tỉnh giàu đẹp, tỉnh Quảng Ninh đã đưa “Thiên nhiên tươi đẹp” trở thành một giá trị mới của tỉnh và là giá trị đứng đầu tiên trong hệ giá trị của tỉnh. Trong đó chú trọng phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu bằng các chiến lược dài hạn và hành động phát triển bền vững, tăng trưởng xanh…
Nhận diện được những bất cập trong quá trình phát triển, đồng thời được sự định hướng của Đảng ủy Công ty nhằm thực hiện lời dạy của Bác và chủ trương của tỉnh Quảng Ninh, Chi bộ Phân xưởng Sửa chữa thiết bị Cơ điện 2 đã có sự chuyển dịch kịp thời trong tư duy và hành động về bảo vệ môi trường và chuyển đổi mô hình tăng trưởng cũng là yếu tố thuận lợi với TKV trong định hướng tư duy “xanh hóa” ngành công nghiệp khai thác than. Phân xưởng hiện dẫn đầu khối sản xuất với khu vườn được kiến tạo theo ý tưởng của đồng chí Đào Văn Đoàn, Bí thư Chi bộ, Quản đốc Phân xưởng đã giúp không gian này giống như một công viên thu nhỏ.
Thực hiện lời Bác dạy “Vì lợi ích 10 năm thì phải trồng cây”, Đoàn thanh niên Công ty cũng xung kích đi đầu với việc thực hiện công trình “Khuôn viên trong mỏ” tại 13 địa điểm thuộc mặt bằng các công trường, phân xưởng nằm trong khai trường mỏ có giá trị hơn 6,1 tỷ đồng gồm các hạng mục: củng cố, nâng cấp các tuyến đường; kè đá, gờ bê tông an toàn, chống sạt lở; củng cố các tuyến mương, rãnh thoát nước. Công trình đã cải tạo mặt bằng trồng cây xanh, cải tạo khuôn viên, vườn hoa cây cảnh, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, giảm thiểu bụi và tiếng ồn phát tán, cải thiện cảnh quan môi trường. Công trình có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất, thực hiện chủ trương “Đưa công viên vào trong các cơ sở sản xuất" của TKV, gắn sản xuất với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Với những nỗ lực và quyết tâm, có định hướng rõ ràng, đến nay, Công ty CP Than Đèo Nai - Cọc Sáu - TKV là đơn vị có diện tích rừng lớn của ngành Than trên địa bàn thành phố Cẩm Phả. Cũng nhờ việc phủ xanh bãi thải mà nhiều bãi thải ô nhiễm ngày nào nay đã thành các cánh rừng tươi xanh, chim chóc đã rủ nhau về sinh sống ngay trung tâm Thành phố mỏ.
Thợ mỏ Đèo Nai - Cọc Sáu đang từng ngày hiện thực hóa những lời căn dặn của Bác Hồ lúc sinh thời.
Nguyễn Thanh Hải (CTV)
Liên kết website
Ý kiến ()