Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 21:37 (GMT +7)
Thợ mỏ Vàng Danh thi đua làm theo lời Bác
Thứ 7, 21/09/2013 | 04:59:45 [GMT +7] A A
Mỏ Than Vàng Danh (nay là Công ty CP Than Vàng Danh) được thành lập tháng 6-1964. Hơn nửa năm sau ngày ra đời, ngày 2-2-1965 cùng với nhân dân TX Uông Bí, đoàn đại biểu CBCN Mỏ được đón Bác về thăm, nói chuyện. Gần nửa thế kỷ qua, các thế hệ CBCN Công ty luôn khắc sâu, làm theo lời Bác dạy: “Hiện nay Mỏ Vàng Danh và Nhà máy Điện Uông Bí là những xí nghiệp vào loại to và hiện đại nhất nước ta. Than và điện rất cần cho công nghiệp và nông nghiệp, các cô, các chú hãy ra sức làm cho nhiều, nhanh, tốt, rẻ...”.
Với ý nghĩa của việc khôi phục và xây dựng mỏ Vàng Danh gắn liền với Nhà máy Điện Uông Bí, Công ty thường xuyên phát động các phong trào thi đua yêu nước. Chặng đường xây dựng và phát triển của Vàng Danh là một quá trình thi đua liên tục, phấn đấu không ngừng, nòng cốt là thi đua làm theo lời Bác. Vào dịp kỷ niệm năm chẵn ngày sinh của Bác, ngày Bác về thăm và nói chuyện tại Uông Bí, ngày Bác gặp mặt nói chuyện với Đoàn đại biểu CNCB ngành Than và tỉnh Quảng Ninh tại Phủ Chủ tịch, các ngày lễ lớn, ngày thành lập Công ty, phong trào thi đua của đơn vị được đẩy mạnh thành cao trào với tất cả tình cảm và trách nhiệm của thợ mỏ Vàng Danh với Bác kính yêu.
Thợ lò Vàng Danh trong gương than. |
Từ xuất phát điểm 1.721 CBCNV, nòng cốt là 244 đảng viên cùng hàng trăm chuyên gia và CNKT Xô Viết sau nhiều tháng bám rừng, bám mỏ vượt qua mọi khó khăn gian khổ, thợ mỏ Vàng Danh đã sản xuất được trên 29.600 tấn than trong năm kế hoạch lần thứ nhất. Trên nền tảng thắng lợi bước đầu quan trọng ấy, CBCN Công ty càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Sau hơn 20 năm phấn đấu bền bỉ, với tinh thần thi đua XHCN “Sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc” và thiết thực kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, năm 1987, đơn vị lần đầu tiên khai thác đạt sản lượng trên nửa triệu tấn than/năm.
Để sản xuất được “nhiều, nhanh, tốt, rẻ”, thợ mỏ đơn vị đã phát huy tối đa các lợi thế về chất lượng than, vận chuyển bằng đường bộ, đường thuỷ, đường sắt, để có nhiều giải pháp đồng bộ, nhất là quyết tâm thay đổi cách nghĩ, cách làm. Vàng Danh đã nhanh chóng thay thế gỗ chống lò bằng các vật liệu và thiết bị chống lò tương ứng ở những đường lò cho phép, tiến dần đưa công nghệ chống lò tiên tiến hiện đại vào cả lò cái và lò chợ. Chính cách làm này đã “cứu” cho mỏ không phải đình trệ sản xuất ở những thời điểm đặc biệt khan hiếm gỗ chống lò 1989-1990 và là mỏ than hầm lò đầu tiên được ứng dụng công nghệ chống thuỷ lực của ngành Than. Qua đó tỷ lệ tổn thất tài nguyên đã được khống chế và đạt định mức chuẩn của Tập đoàn. Để phù hợp với cơ chế mới, Vàng Danh đã nhanh chóng chuyển hướng SXKD với phương châm và khẩu hiệu hành động “Cả mỏ tìm khách hàng, cả mỏ làm than xuất khẩu và làm dịch vụ bán than” bằng “Tự lực vươn lên làm chủ công nghệ”.
Khi chuyên gia về nước, Nhà nước xoá bỏ bao cấp, Vàng Danh đã nhanh chóng thích nghi với môi trường SXKD và công nghệ mới, nhờ đó sản xuất vẫn ổn định, việc làm, đời sống của mấy nghìn CBCNV không chỉ được giữ vững, mà từng bước được cải thiện. Năm 1997 đơn vị đã vui mừng báo công sau 33 năm kiên trì thi đua đã sản xuất được hơn 620 nghìn tấn than, vượt công suất thiết kế 600 nghìn tấn/năm; đến năm 2003 vượt ngưỡng 1 triệu tấn than. Ghi nhận kết quả này, đơn vị đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Năm 2006, khi Đảng phát động cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thợ mỏ Vàng Danh coi đây là một dịp để thể hiện lòng biết ơn với Bác kính yêu. Mỗi chi bộ, đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đều liên hệ phải thực hiện lời dạy của Bác thế nào cho cụ thể, ý nghĩa, thiết thực. Đó là câu trả lời vì sao năng suất lao động, sản lượng của mỏ không ngừng tăng, đời sống của thợ mỏ ngày càng được nâng cao, đóng góp tích cực cho sự phát triển ngành Than, của tỉnh, của đất nước. Tổng kết 4 năm thực hiện cuộc vận động, Quản đốc Nguyễn Thái Học là đại diện duy nhất cho CNVCLĐ toàn tỉnh dự và nhận khen thưởng của T.Ư.
Đến nay Vàng Danh đã nâng sản lượng lên 3,5 triệu tấn/năm, trở thành mỏ than hầm lò có sản lượng cao nhất ngành Than. Mặc dù nhiều đơn vị trong ngành phải thu hẹp sản xuất, giảm sản lượng do làm ăn kém hiệu quả, nhưng Vàng Danh vẫn tăng nhanh năng suất lao động, giá thành hạ, chất lượng tốt, được đánh giá là mỏ than có sự ổn định và phát triển bền vững nhất Tập đoàn, được Vinacomin ưu tiên cho tiêu thụ.
Ông Phạm Văn Mật, Phó Tổng Giám đốc, thành viên HĐTV Tập đoàn, cho biết: Vinacomin đang tái cơ cấu, do khó khăn chung, nhiều mỏ phải giảm sản lượng, nhưng Vàng Danh vẫn được khuyến khích sản xuất tăng thêm, vì giá thành so với giá bán của Vàng Danh thấp nhất khối hầm lò, nghĩa là SXKD đang rất có lãi. Thời gian tới, Vàng Danh còn phát triển nhanh, mạnh hơn, sản lượng sẽ đạt đến 5 triệu tấn/năm. Về các lĩnh vực khác như đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư công nghệ… Vàng Danh luôn có sự chuẩn bị trước ít nhất 5 năm. Vàng Danh đã góp phần đào tạo rèn luyện nhiều cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành, của Tập đoàn, của tỉnh.
SXKD có lãi, Công ty đã đầu tư xây dựng được một hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất và sinh hoạt cho thợ mỏ theo hướng CNH - HĐH, góp phần thay đổi nhanh chóng một vùng mỏ heo hút ngày nào, thực hiện tốt lời Bác dạy: “Đẩy mạnh ngành Than trở thành một ngành gương mẫu cho các ngành kinh tế khác và Quảng Ninh trở thành một tỉnh giàu đẹp”.
Vũ Duy Đức (CTV)
Liên kết website
Ý kiến ()