Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 05:57 (GMT +7)
Thổi bùng khát vọng làm giàu của người dân
Thứ 7, 16/09/2023 | 18:11:45 [GMT +7] A A
Trong mọi giai đoạn của hành trình xây dựng NTM, Quảng Ninh luôn kiên trì với đích đến là giảm nghèo bền vững, cuộc sống khá giả, người dân giàu có. Vì vậy, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ để thôi thúc người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Làm thế nào thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tư duy của người dân để có thể thoát nghèo bền vững luôn là vấn đề được bàn thảo nhiều nhất trong các cuộc họp của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến địa phương. Từ thực tế này, Quảng Ninh nhận ra nếu không có nguồn lực đủ mạnh thì vòng luẩn quẩn giữa thoát nghèo và tái nghèo sẽ còn tiếp diễn khi tâm lý trông chờ của người dân vẫn còn “bám rễ”.
Học hỏi kinh nghiệm từ phong trào OVOP của Nhật Bản, năm 2013, Quảng Ninh đã phê duyệt đề án Mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2013-2016 với mục tiêu phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống, góp phần tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị; thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng NTM; hạn chế việc giảm dân số nông thôn di cư ra thành phố, bảo vệ môi trường, ổn định xã hội nông thôn.
Chương trình được thiết kế để các chủ thể sản xuất (cá thể, hộ sản xuất, tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp) có sự chủ động về ý tưởng sản phẩm, xác định thị trường, chủ động sản xuất, chế biến, tiêu thụ; Nhà nước đóng vai trò tạo sân chơi, hỗ trợ chính sách, xúc tiến thương mại.
Bằng các giải pháp quyết liệt, cụ thể, sáng tạo, tính đến nay, toàn tỉnh đã có 560 sản phẩm OCOP, trong đó 336 sản phẩm đã được cấp sao do 219 đơn vị kinh tế sản xuất. Cái được lớn nhất từ chương trình OCOP chính là sự tham gia mạnh mẽ của người dân trong việc khai thác, xây dựng, phát triển, quảng bá, tiêu thụ nông sản địa phương, từng bước hình thành hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm.
Ông La A Chiu, Giám đốc HTX Phát triển Đình Trung (xã Húc Động, huyện Bình Liêu) chia sẻ: Ngay khi huyện có chủ trương khôi phục, phát triển miến dong Bình Liêu trở thành sản phẩm OCOP, tôi đã đăng ký tham gia chương trình. Được sự hỗ trợ của tỉnh và địa phương, tôi đã mạnh dạn vay vốn đầu tư thiết bị, máy móc, thu mua nguyên liệu để sản xuất miến dong; xây dựng thương hiệu, thiết kế bao bì sản phẩm, đa dạng chủng loại hàng hóa; tích cực quảng bá tại hội chợ, triển lãm, hội thảo… Đến nay, sản phẩm miến dong của HTX đã có chỗ đứng vững chắc, tiêu thụ ổn định tại thị trường trong và ngoài tỉnh, mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Lấy Quảng Ninh làm hình mẫu, tháng 5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020” (OCOP) để triển khai trên phạm vi cả nước.
Nhằm thôi thúc ý chí vươn lên của người dân vùng sâu, vùng xa, miền núi, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 50/2016/NQ-HĐND về phân bổ nguồn lực đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020. Ngày 16/1/2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 196/QĐ-UBND phê duyệt đề án nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 (Đề án 196).
Quan điểm xuyên suốt trong quá trình triển khai Đề án 196 là cấp tỉnh chỉ tập trung hỗ trợ, hướng dẫn; cấp huyện chỉ đạo; cấp xã thực hiện; thôn, bản đồng lòng; người dân là chủ thể, tích cực sản xuất, chủ động vươn lên. Đề án cũng dành mức đầu tư vượt trội với trên 2.400 tỷ đồng trong giai đoạn 2017-2020, cao hơn 7 lần so với mức bình quân của Trung ương. Nhờ đó, đến hết năm 2019, Quảng Ninh đã hoàn thành mục tiêu là tất cả các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn; hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 về đích trước 1 năm so với kế hoạch đề ra.
Luôn kiên trì với mục tiêu thu hẹp khoảng cách chênh lệch vùng miền, Quảng Ninh tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư cho người dân vùng miền núi, biên giới, hải đảo. Ngày 17/5/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/TU về phát triển bền vững KT-XH gắn với đảm bảo vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Nhằm đưa nghị quyết vào cuộc sống, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 16/2021/NQ-HĐND phê duyệt chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Thực hiện phương châm chuyển từ "cho không" sang cho vay, từ năm 2021 đến nay, tỉnh bố trí 240 tỷ đồng từ ngân sách ủy thác Ngân hàng CSXH thực hiện cho vay tại 67 xã, thị trấn vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Qua đó, toàn tỉnh đã có 3.475 lượt người dân tại các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo vay vốn với số tiền 258,5 tỷ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập.
Đến hết năm 2022, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 54,4 triệu đồng. Những lá đơn xin thoát nghèo, mô hình phát triển kinh tế hay câu chuyện làm giàu ngày càng trở nên nhiều hơn tại khắp các vùng miền của tỉnh. Để có được thành quả của ngày hôm nay, bên cạnh sự chủ động, cần cù, chịu khó, thì sự hỗ trợ kịp thời bằng những cách làm sáng tạo, chính sách cụ thể, vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã tạo đòn bẩy quan trọng để mỗi người dân thực sự “làm chủ” trên chính mảnh đất quê hương mình, chung tay xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, kiến tạo những vùng quê đáng sống.
Minh Yến
Liên kết website
Ý kiến ()