Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 00:35 (GMT +7)
Thời điểm ăn trái cây để tốt cho sức khỏe
Thứ 4, 10/11/2021 | 09:48:24 [GMT +7] A A
Trái cây là thực phẩm lành mạnh, bổ dưỡng, cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Tuy nhiên, với một số người mắc các bệnh lý mạn tính, phụ nữ mang thai hoặc người muốn giảm cân… thời điểm ăn trái cây có thể tạo ra sự khác biệt.
Đối với hầu hết mọi người, ăn trái cây là một lựa chọn lành mạnh vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Tuy nhiên, thời điểm ăn trái cây có thể tạo ra sự khác biệt với một số nhóm người.
1. Ăn trái cây để giảm cân
Đối với quá trình giảm cân, trái cây là một người bạn đồng hành không thể thiếu. Các loại trái cây thường giàu chất xơ, vitamin, khoáng chất và mọng nước trong khi lại ít calo nên hoàn toàn có thể hỗ trợ hiệu quả cho quá trình giảm cân. Ngoài ra, những người ít hoặc không có thói quen ăn trái cây thường có nguy cơ thừa cân cao hơn nhiều so với những người ăn trái cây thường xuyên.
Ăn trái cây cùng hoặc ngay trước bữa ăn có thể làm tăng tác dụng này. Nó có thể khiến người muốn giảm cân ăn ít thức ăn khác, thức ăn có hàm lượng calo cao hơn trên bàn ăn.
Một số loại trái cây có tác dụng hỗ trợ giảm cân rất tốt như bơ, táo, bưởi, dưa hấu, dứa…
2. Người mắc đái tháo đường typ 2
Khi bị đái tháo đường typ 2, người bệnh nên chú ý đến tầm quan trọng của mức tiêu thụ carbohydrate. Người bệnh đái tháo đường tuyệt đối không nên ăn quá 200g Carb ( các chất dinh dưỡng đa lượng) mỗi ngày. Bởi vì khi hấp thụ nhiều lượng carbs sẽ chuyển hóa thành đường, tác động trực tiếp và ảnh hưởng đến lượng đường trong máu.
Hoa quả chứa một nguồn dinh dưỡng tuyệt vời khi đáp ứng nhu cầu bảo đảm sức khỏe và có tác dụng đáng kể đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường typ 2.
Ăn trái cây với thực phẩm khác có thể tạo ra sự khác biệt cho những người mắc bệnh đái tháo đường. Kết hợp trái cây với thực phẩm khác hoặc bữa ăn giàu protein, chất béo hoặc chất xơ có thể khiến đường từ trái cây đi vào ruột non chậm hơn. Điều này có thể làm tăng lượng đường trong máu ít hơn so với chỉ ăn trái cây.
Những loại hoa quả tươi được khuyên sử dụng để tốt cho sức khỏe như bơ, bưởi, cam, quýt, dâu tây, việt quất, mâm xôi…
3. Người mắc đái tháo đường thai kỳ
Đối với người mắc đái tháo đường thai kỳ, sự thay đổi hormone khi mang thai gây ra tình trạng không dung nạp carb.
Cũng như với người bệnh đái tháo đường typ 2, ăn trái cây trong bữa ăn có lẽ là một lựa chọn tốt. Tuy nhiên, nếu gặp khó khăn trong việc kiểm soát lượng đường trong máu, nên tránh ăn nhiều trái cây và các loại tinh bột khác vào buổi sáng.
Vì một số nghiên cứu đã gợi ý rằng, những người bị đái tháo đường thai kỳ có thể bị tăng lượng đường trong máu cao hơn sau khi ăn sáng so với sau đó trong ngày.
4. Ăn trái cây đúng cách
4.1 Chọn mua trái cây theo mùa
Trái cây đúng mùa luôn chứa hàm lượng dinh dưỡng cao và ngon ngọt hơn trái vụ. Điều này là do khi đúng mùa, đất đai thổ nhưỡng màu mỡ, điều kiện thời tiết thuận lợi và không bị tổn thương nhiều bởi côn trùng tấn công, quả mọc tự nhiên và phát triển nhanh chóng nên chứa hàm lượng dinh dưỡng cao nhất.
Trái cây đúng mùa phát triển hoàn toàn tự nhiên theo quy luật của tự nhiên. Nếu trái vụ, người trồng cần tốn rất nhiều công sức và tăng kích thích thúc đẩy cây cho quả. Việc kích thích cho quả sẽ lạm dụng nhiều phân bón hay chất hoá học, giúp cây có quả và tránh nhiều sâu bệnh cũng như tổn thương do điều kiện thời tiết trái mùa.
Tất cả các loại trái cây đều có lợi cho sức khỏe nhưng nên lựa chọn và phối hợp giữa các loại một cách hợp lý để tận dụng tối đa ưu điểm. Chẳng hạn, ngày hè nóng nực, mồ hôi ra nhiều thì nên ăn loại trái cây nào vừa giải khát vừa giúp bổ sung chất dinh dưỡng. Không phải trái cây đắt tiền thì mới bổ dưỡng.
4.2 Ăn ngay sau khi gọt
Hoa quả cung cấp nhiều dinh dưỡng cho cơ thể nhưng cần lựa chọn trái cây tươi, ăn ngay khi gọt chứ không nên để quá lâu. Nếu để lâu, các loại vitamin bổ dưỡng trong trái cây như vitamin C, folate… có thể bị mất dần dưới tác dụng của ánh sáng, không khí, nhiệt độ… Quá trình mất chất này càng tăng nhanh hơn nếu vỏ ngoài của trái cây bị phá vỡ hoặc bề mặt tiếp xúc không khí của trái cây tăng lên khi cắt nhỏ. Lúc này, hương vị thơm ngon của trái cây và cả lượng chất dinh dưỡng cũng giảm dần, nhất là khi chúng đã được gọt, thái lát hoặc ép nước.
Vì vậy, trái cây gọt xong ăn luôn sẽ là tốt nhất. Nếu trong trường hợp phải chuẩn bị trước, có thể ngâm trái cây vào nước muối nhạt để giữ được lượng vitamin, khoáng chất và giúp một số loại quả không bị thâm khi gọt quá lâu.
4.3 Nên ăn trái cây vừa chín tới hay chín muồi?
Đa số các loại trái cây sẽ đạt được hương vị ngon nhất khi chín muồi (nhưng chưa chín rục), nhất là những loại có mủ như măng cụt, mãng cầu, mít, sầu riêng… Tuy nhiên nếu trái cây đã chín rục, thâm đen hay lên men rượu rồi thì thành phần chất dinh dưỡng có thể đã thay đổi, chỉ nên ăn khi màu, mùi, vị còn tốt. Trái cây ủng thối, có vị đắng… thì không nên dùng.
Người bệnh đái tháo đường chỉ nên ăn chuối chưa chín hẳn, xoài còn hơi xanh… để hạn chế tăng đường huyết.
4.4 Ăn trái cây vừa phải
Nhiều người có thói quen ăn nhiều hoa quả hàng ngày, giảm lượng tinh bột hoặc luôn thích ăn những trái cây có hàm lượng đường cao mà không biết rằng ăn quá nhiều trái cây trong khi không bổ sung thêm ngũ cốc, rau xanh sẽ gây hại cho sức khỏe.
Một chế độ ăn quá nhiều trái cây có thể dẫn đến những vấn đề liên quan đến hormone điều chỉnh đường trong máu. Nếu sự mất cân bằng của các hormone này không được phát hiện và điều trị thì nó có thể dẫn đến các bệnh tim mạch và đái tháo đường.
Ngoài ra, ăn quá nhiều những trái cây chứa hàm lượng đường nhiều, cơ thể phải đối mặt với sâu có thể là nguyên nhân gây sâu răng, tình trạng loãng xương, không có khả năng duy trì một trọng lượng khỏe mạnh, cơ thể mệt mỏi và khó chịu.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()