Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 10:43 (GMT +7)
Thói quen
Chủ nhật, 20/09/2015 | 05:28:53 [GMT +7] A A
Trên Báo Quảng Ninh điện tử mấy ngày trước có đăng một bài viết kèm theo khá nhiều ảnh phản ánh tình trạng rác thải vứt bừa bãi ở Di tích danh thắng - lịch sử núi Bài Thơ (thành phố Hạ Long). Tác giả bài báo cho biết, dọc con đường đi lên núi Bài Thơ thấy có rất nhiều loại rác thải bị vứt la liệt, hầu hết là vỏ chai, túi nilon, bao bì đựng các loại thức ăn v.v.. Lên đến đỉnh núi, nơi có nhiều người tập trung nhất cũng là nơi nhiều rác thải nhất. Rác thải lẫn vào trong rừng tre, nằm trên đường đi, thậm chí được nhét vào các khe núi, vướng mắc vào các cành cây, trên vách đá v.v.. Tất cả cho thấy ở ta, cái thói quen xả rác bừa bãi đã trở thành một hiện tượng phổ biến, mọi lúc mọi nơi.
Cũng dịp này mấy ngày trước, trên các trang mạng xã hội, rất nhiều người đã chia sẻ một chùm ảnh của một tác giả người nước ngoài chụp cảnh nước lũ ngập tràn sau cơn bão Etau tại một tàu điện ngầm ở Hamamatsu (thành phố phía đông Nhật Bản). Điều ngạc nhiên và gây ấn tượng mạnh với người xem là dòng nước lũ trong các bức ảnh này… trong veo như nước ở các bể bơi! Nó cho thấy một thói quen cũng trở thành phổ biến, mọi lúc, mọi nơi với người Nhật là không bao giờ vứt rác thải bừa bãi!
Hai chùm ảnh chụp ở hai nơi chẳng có mối liên hệ gì với nhau cả, nhưng sao cứ như đang “đập” nhau vậy! Một bên là sự trong sạch của môi trường đến mức khó tin, thậm chí như là một sự “không tưởng”; còn một bên thì ngược lại…
Tất nhiên, mọi sự so sánh đều khập khiễng, và càng khập khiễng hơn khi sự so sánh đó lại đặt ra giữa hai đối tượng ở hai đẳng cấp quá chênh lệch nhau. Nhưng chính cái sự “chênh lệch đẳng cấp” ấy lại càng đáng để suy nghĩ. Tại sao người Nhật lại có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường cao đến vậy, trong khi ở ta thì lại thấp đến vậy? Khi nói về tình trạng này, nhiều người vẫn lớn tiếng là phải tăng cường giáo dục ý thức tự giác cho người dân. Điều đó là đúng, nhưng vấn đề là hiệu quả của việc giáo dục ấy như thế nào? Thật khó tạo được một thói quen tốt khi những thói quen xấu không bị lên án một cách quyết liệt, từ trong gia đình đến ngoài xã hội. Làm sao một đứa trẻ có được thói quen không vượt đèn đỏ khi tham gia giao thông khi có lần (thậm chí là nhiều lần) chúng được người lớn chở trên xe cũng vượt đèn đỏ? Hay khi chúng đi chơi và thấy bố mẹ chúng vứt rác thải ra bên đường một cách “vô tư” v.v.. Nói cách khác, một thói quen tốt (như giữ gìn vệ sinh môi trường, chấp hành luật giao thông v.v..) với một đứa trẻ đôi khi không hẳn do chúng nhận thức được đầy đủ ý nghĩa, mục đích của hành vi ấy, mà đơn giản chỉ là thói quen tự nhiên đã “ngấm” vào chúng. Và chúng sẽ cảm thấy ngượng, thấy xấu hổ khi không làm như vậy.
Thật đáng buồn là ở ta, việc tuyên truyền, giáo dục ý thức tự giác vẫn thiên về “nâng cao nhận thức” một cách chung chung, mà ít chú ý đến việc làm sao để mỗi người phải “tự thấy xấu hổ” khi có hành vi chưa đẹp như đã nói ở trên…
Trung Luận
Liên kết website
Ý kiến ()