Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 22:07 (GMT +7)
Thói quen sau bữa cơm của người Việt dễ mang bệnh vào người
Thứ 4, 15/05/2024 | 11:22:46 [GMT +7] A A
Giữ lại phần thức ăn thừa, sau đó thêm nhiều gia vị hoặc đun nóng để tiếp tục ăn vào bữa sau là thói quen của rất nhiều gia đình Việt.
"Thời của bố mẹ ngày Tết mới được ăn một miếng thịt ngon. Giờ cuộc sống đầy đủ, các con lãng phí quá, cái gì cũng muốn bỏ đi!".
Nguyễn Thúy Quỳnh (25 tuổi, Hà Nội) chia sẻ mỗi lần cô khuyên bố mẹ bỏ hết đồ ăn thừa, lưu trữ lâu ngày trong tủ lạnh nhưng phụ huynh đều nói như trên và không thay đổi.
Thực tế, câu chuyện trên không chỉ xuất hiện ở gia đình của Thúy Quỳnh, rất nhiều người Việt cũng có thói quen tích trữ thức ăn thừa, tận dụng lại từ ngày này qua ngày khác.
Đồ sắp hỏng lại đem kho
Thúy Quỳnh cho hay trong gia đình cô, bố là người phụ trách nấu ăn, ông cũng tự mình đi chợ mỗi ngày để chọn lựa thực phẩm.
"Bố tôi hay quên nên rất nhiều lần mua thịt, cá, rau củ chật tủ nhưng không lấy ra sử dụng mà vẫn tiếp tục mua thêm. Không ít lần, khi dọn dẹp tủ lạnh, tôi đã phải bỏ đi những túi rau còn nguyên chưa sử dụng nhưng bốc mùi, phần thịt thì không biết cấp đông từ bao giờ", Quỳnh nói.
Không chỉ vậy, cô gái 25 tuổi cũng cho biết bố mẹ cô cũng thường xuyên tích trữ đồ ăn thừa, dù chỉ còn 2-3 miếng thịt, cá nhỏ cũng bỏ vào hộp, bảo quản trong tủ lạnh.
"Có những phần thức ăn bày ra đến 2-3 bữa cơm không ăn hết, bố mẹ lại tiếp tục dồn lại. Có khi các món này sẽ được gom lại thành nồi kho, rim tổng hợp. Khuyên bỏ đi thì bố mẹ lại tiếc của", cô gái ngán ngẩm.
Đun nóng thức ăn thừa có loại bỏ được độc tố?
Trao đổi với PV, TS.BS Trương Hồng Sơn, Phó tổng thư ký Tổng Hội Y học Việt Nam, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, cho rằng rất nhiều người nghĩ thực phẩm để trong tủ lạnh là "an toàn", không bị chua, bị hỏng vì có thể ức chế tốc độ sinh sản của vi khuẩn.
Tuy nhiên, thời gian lưu trữ thực phẩm quá dài cũng là nguy cơ gây mất an toàn và xuất hiện một triệu chứng gọi là "ngộ độc thực phẩm tủ lạnh".
"Về mặt dinh dưỡng, một số loại thức ăn không nên để qua đêm, đặc biệt là các loại rau. Bởi qua một đêm, hàm lượng nitrite của chúng đã gia tăng khá cao. Hâm nóng hay các hình thức làm nóng khác không thể tiêu diệt hết các vi sinh vật, vi khuẩn cũng như hàm lượng nitrite cứng đầu trong thức ăn", TS Trương Hồng Sơn nói.
Ông nhấn mạnh người dân cần loại bỏ các loại thực phẩm bị nghi ngờ ôi thiu, kể cả thực phẩm chế biến sẵn chưa hết hạn sử dụng. Bạn không nên vì “tiếc của” mà cố ăn những phần còn lại của thực phẩm đã bị mốc. Bởi kể cả khi đã loại bỏ những phần mốc thì phần còn lại cũng không còn an toàn với người sử dụng.
"Chúng ta không thể xác định phần còn lại này có bị mốc hay không bởi với bào tử vi nấm thì phải soi bằng kính hiển vi mới có thể thấy được. Một số loại nấm mốc như vi nấm Aflatoxin gây xơ gan và ung thư gan hoàn toàn không bị tiêu diệt bởi nhiệt độ, dù có nấu đến 100 độ C. Nấm đã chết nhưng độc tố thì vẫn còn tồn tại", Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho hay.
Đồng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng, cho rằng nhiều người vẫn có thói quen tiết kiệm đồ ăn thừa, để vài ngày sau vẫn dùng.
Một số đồ ăn được khuyến cáo không nên để qua đêm nhưng nhiều gia đình vẫn tận dụng. Thậm chí, nhiều loại thực phẩm bảo quản trong tủ lạnh không đúng cách, để lẫn đồ ăn chín với thực phẩm tươi sống thì rất dễ dẫn tới nguy cơ ngộ độc.
Ông cho hay các loại vi sinh vật dễ gây ngộ độc ở bếp ăn gia đình là Salmonella, E.coli, A.aureus, Shigella, Rota virus... thường là do vệ sinh kém, bảo quản chưa đúng cách.
Ngoài ra, chúng ta còn có nguy cơ ngộ độc từ các loại độc tố, như độc tố của Clostridium botulinum trong thực phẩm đóng hộp, độc tố của Bacillus cereus trong nhiều loại thực phẩm, tetrodotoxin trong các loại hải sản.
Theo các chuyên gia, các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm có thể xuất hiện sau khoảng vài phút, vài giờ hoặc 1-2 ngày sau khi tiêu thụ thức ăn gây hại.
Các triệu chứng này ở mức độ nặng hay nhẹ, kéo dài trong thời gian bao lâu còn tuỳ vào các yếu tố bao gồm tác nhân gây ra, lượng thực phẩm được sử dụng và hệ miễn dịch của người bệnh.
Những triệu chứng ngộ độc thực phẩm thường gặp gồm:
- Đau bụng, tiêu chảy, chán ăn
- Buồn nôn, nôn mửa
- Trong phân hoặc chất nôn có xuất hiện máu
- Bị sốt
- Cơ thể yếu ớt, mệt mỏi
- Đau đầu, choáng váng, chóng mặt
- Ớn lạnh, rùng mình
- Đau khớp và cơ
Nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời, cơ thể bị mất nước và nhiễm độc nặng, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, nếu các dấu hiệu ban đầu không được cải thiện và thấy nhịp tim nhanh, đi tiểu ít hoặc không có nước tiểu, sốt cao, bạn cần được bác sĩ thăm khám nhanh chóng để chẩn đoán và điều trị.
Theo znews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()