Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 05:35 (GMT +7)
Đẩy mạnh thu hút đầu tư công nghiệp chế biến, chế tạo
Thứ 6, 23/02/2024 | 07:44:26 [GMT +7] A A
Năm mới 2024 này, Quảng Ninh đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt 2 con số trong 10 năm liên tiếp. Để hoàn thành kế hoạch đã đề ra, tỉnh lựa chọn một trong những chủ đề công tác năm là nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế. Trong đó, Quảng Ninh quyết tâm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn vào địa bàn với các ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, hiện đại, công nghiệp xanh…
Thực hiện chuyển dịch cơ cấu phát triển kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, chú trọng vào công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, cách đây hơn 3 năm, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 16/11/2020 về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Với sự đúng, trúng, kịp thời khi Nghị quyết số 01 ra đời đã tạo ra một làn gió mới trong thu hút đầu tư. Sau hơn 3 năm, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đã có sự tăng trưởng đột phá, thu hút trên 42 dự án mới và điều chỉnh tăng vốn cho 13 lượt dự án với tổng vốn đầu tư đạt trên 160.820 tỷ đồng, riêng nguồn vốn FDI đạt tới 4,620 tỷ USD. Tạo việc làm cho trên 23.886 lao động; tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu GRDP tăng dần theo từng năm và đang dần tiến tới mục tiêu đã đề ra đến năm 2025 chiếm 15%. Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân 3 năm đạt 19,68%.
Đặc biệt năm 2023, Quảng Ninh đã thu hút trên 5 tỷ USD vốn đầu tư ngoài ngân sách, trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 3,15 tỷ USD. Đây cũng là con số kỷ lục về thu hút vốn đầu tư FDI của tỉnh Quảng Ninh từ trước tới nay. Đặc biệt là phần lớn các dự án đầu tư mới trong năm 2023 đều là từ các doanh nghiệp đã có dự án đầu tư sản xuất – kinh doanh trên địa bàn. Điều này càng khẳng định sự cải thiện trong môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh trong những năm qua. Từ đó, tạo dựng niềm tin vững chắc cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Để thực hiện thành công chủ đề công tác năm 2024 của tỉnh về nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, trong đó đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là thu hút vốn FDI ít nhất 3 tỷ USD, Quảng Ninh xác định đẩy mạnh cơ cấu lại khu vực công nghiệp, phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao; phát triển hợp lý, bền vững ngành công nghiệp khai khoáng, trọng tâm là ngành than theo quy hoạch.
Tín hiệu tích cực là ngay đầu xuân mới Giáp Thìn 2024, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 2 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng mức đầu tư trên 330 triệu USD. Trong đó, Dự án tấm silic đơn tinh thể và thanh silic đơn tinh thể quang điện Gokin Solar Hải Hà Việt Nam tại Khu công nghiệp Texhong Hải Hà, huyện Hải Hà có tổng mức đầu tư 275 triệu USD. Công suất thiết kế gần 1,4 tỷ sản phẩm/năm. Chủ đầu tư là Công ty Gokin Solar (Hồng Kông - Trung Quốc); Dự án thứ hai là dự án sản xuất vòng bi, thiết bị chuyển động tuyến tính tại Khu công nghiệp Sông Khoai (Amata), TX Quảng Yên. Công suất thiết kế 930 tấn sản phẩm/năm. Tổng mức đầu tư 57 triệu USD. Chủ đầu tư là Công ty TNHH IKO Thompson Việt Nam. Như vậy, từ đầu năm 2024 đến nay, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 8 dự án đầu tư FDI với tổng vốn 478 triệu USD. Dự kiến trong quý I/2024, tổng vốn FDI thu hút vào các khu công nghiệp sẽ đạt khoảng 1 tỷ USD.
Hiện tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 01-NQ/TU về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, đào tạo nghề, kết nối lao động; thu hút các nhà đầu tư có thương hiệu toàn cầu (trong nhóm Forbes 500), có năng lực tài chính lớn, có khả năng đầu tư ổn định, lâu dài, có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi giá trị sản xuất và cung ứng liên quốc gia đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế, nhất là những khu công nghiệp có kết cấu hạ tầng đồng bộ như Đông Mai, Sông Khoai, Bắc Tiền Phong... Hỗ trợ, tạo thuận lợi tối đa, đẩy nhanh triển khai các dự án của các doanh nghiệp đi vào hoạt động ổn định sớm nhất, bổ sung năng lực tăng thêm, tăng năng suất, sản lượng như dự án xây dựng Nhà máy Ô tô Thành Công, Dự án Nhà máy FMNV Foxcon, Dự án Tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà, Dự án Nhà máy sản xuất màn hình tivi TCL…
Quảng Ninh cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi để ngành than, điện phát triển ổn định, bền vững, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia theo quy hoạch; giải quyết nhanh chóng thủ tục cấp phép, gia hạn, nâng công suất, thăm dò, khai thác than, giải phóng mặt bằng, giao đất, thuê đất theo thẩm quyền; Chú trọng thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng mới; đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh. Bảo đảm cung ứng đủ than cho nhiệt điện và đảm bảo đủ điện phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.
Quảng Ninh quyết tâm cao độ để hoàn thành những nhiệm vụ, mục tiêu đã đặt ra cho năm 2024 ngay từ những ngày đầu, tháng đầu, đặc biệt là thực hiện hiệu quả chủ đề công tác năm là: “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”, qua đó tiếp tục khẳng định là một cực tăng trưởng ở khu vực phía Bắc.
Thái Bình
Liên kết website
Ý kiến ()