Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 23:25 (GMT +7)
Thúc đẩy công nghiệp chế biến nông sản
Thứ 4, 15/09/2021 | 13:14:20 [GMT +7] A A
Trong những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Quảng Ninh đã có bước tiến rõ rệt với việc hình thành các vùng sản xuất hàng hóa. Cùng với đó, việc phát triển công nghiệp chế biến nông sản cũng được các ngành chuyên môn và các địa phương đẩy mạnh thực hiện, nhằm nâng cao giá trị, chất lượng, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp và giảm thiểu rủi ro trong sản xuất.
Thời gian qua, nhiều nông sản, nhất là sản phẩm OCOP, sản phẩm có thế mạnh của tỉnh, ngày càng đứng vững, vươn ra các thị trường lớn nhờ đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về chế biến, bảo quản. Điển hình như sản phẩm trà hoa vàng, trước đây, hầu hết các hộ dân sau khi thu hái sẽ thực hiện phơi khô hoặc sấy nóng thủ công. Cách làm này có nhiều hạn chế khi sản phẩm không giữ được hương thơm, màu sắc không bắt mắt. Khắc phục những bất cập trên, được sự hỗ trợ của tỉnh, địa phương, một số hộ sản xuất, chế biến đã đầu tư hệ thống máy sấy, máy đóng trà túi lọc để nâng cao giá trị sản phẩm sau thu hoạch.
Từ năm 2018, Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh (Ba Chẽ) đã ứng dụng công nghệ cao trong sấy hoa và lá trà hoa vàng thay thế cho công nghệ sấy thông thường (sấy nhiệt lạnh và sấy nhiệt độ cao). Công ty đã đầu tư hệ thống sấy thăng hoa cho sản phẩm trà hoa vàng. Bằng công nghệ này, Công ty đã tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt hơn công nghệ sấy thông thường, giữ nguyên các giá trị dược chất, màu sắc hình dạng đẹp, màu nước vàng sáng, mùi thơm, vị thanh mát đặc trưng, hấp dẫn.
Anh Nịnh Văn Trắng, Giám đốc Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh, cho biết: Cùng với công nghệ sấy, Công ty cũng quan tâm đầu tư các thiết bị máy móc, dây chuyền phục vụ cho việc chế biến, đóng gói sản phẩm. Đến nay, Công ty đã cung cấp ra thị trường 7 loại trà hoa vàng với các mẫu mã bao bì, kiểu dáng khác nhau, được thiết kế đẹp mắt, đảm bảo bảo quản tốt sản phẩm cũng như đáp ứng được thị hiếu của thị trường.
Cùng với trà hoa vàng, thời gian qua nhiều sản phẩm khác, như: Rau an toàn, sữa tươi, trứng gà, trứng vịt, hàu, tôm, ghẹ, sá sùng… được các chủ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, nông dân quan tâm áp dụng KHCN vào quy trình chế biến, bảo quản, đóng gói. Như Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Bình Liêu là một trong những doanh nghiệp tiên phong trên địa bàn huyện Bình Liêu trong việc đầu tư hệ thống máy móc, nhà xưởng, với quy mô lớn để sản xuất, chế biến sản phẩm miến dong Bình Liêu. Hiện nay, nhà xưởng của Công ty được đầu tư nhiều trang thiết bị, máy móc hiện đại, đảm bảo quy trình khép kín sản xuất từ khâu sơ chế củ dong riềng thành phẩm, đến nghiền, trộn, ủ bột, sấy, đóng gói bao bì miến dong… Với quy trình này, mỗi ngày cơ sở chế biến miến dong của Công ty sản xuất được 2,5 tấn miến thành phẩm. Hay như HTX Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong (TX Đông Triều) đã đầu tư xây dựng trung tâm sơ chế, chế biến và bảo quản nông sản, quy mô khoảng 5.000m2 tại xã Hồng Phong (TX Đông Triều), với nhà sơ chế, kho lạnh, hầm sấy quy mô lớn, hiện đại... để bảo quản, sơ chế nông sản sau thu hoạch. Nhờ vậy, các sản phẩm rau, củ, quả chưa kịp tiêu thụ có thể bảo quản kịp thời, khắc phục tình trạng hư hỏng như trước kia.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có 420 cơ sở sơ chế, chế biến nông sản. Để phát triển công nghiệp chế biến nông sản, tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản, giải phóng mặt bằng, tạo vùng nguyên liệu, có cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất... Thông qua việc đầu tư khoa học - công nghệ, giá trị các mặt hàng nông sản đã nâng lên rõ rệt. Nhiều nông sản, nhất là sản phẩm OCOP, sản phẩm có thế mạnh của tỉnh, ngày càng đứng vững, vươn ra các thị trường lớn nhờ đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về chế biến, bảo quản.
Sự phát triển của công nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn Quảng Ninh đã góp phần làm chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế khu vực nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, công nghiệp chế biến nông sản của tỉnh vẫn được cơ quan chuyên môn đánh giá chưa xứng với tiềm năng. Trong đó, khả năng chế biến đối với một số sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh còn hạn chế, công suất chế biến chưa đáp ứng được nhu cầu. Một số doanh nghiệp chế biến nông sản còn hạn chế về vốn, công nghệ, thiết bị, lao động có tay nghề cao, năng lực quản lý...
Để khắc phục những khó khăn, thời gian tới Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng tổ chức sản xuất hàng hóa, gắn với lợi thế từng vùng, thị trường tiêu thụ; tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 194/NQ-HĐND ngày 30/7/2019 của HĐND tỉnh về việc ban hành chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật chuyên sâu và nhân lực quản trị cho phát triển cơ giới hóa, công nghiệp chế biến nông sản; xây dựng các vùng nguyên liệu chuyên canh cung cấp cho các nhà máy chế biến; khai thác thị trường tiêu thụ nông sản trong nước và từng bước đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông sản…
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()