Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:54 (GMT +7)
"Thúc đẩy mạnh mẽ bình đẳng giới, nâng cao vai trò của phụ nữ và trẻ em tại cộng đồng"
Thứ 2, 27/11/2023 | 11:44:17 [GMT +7] A A
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 14/10/2021 với 10 dự án thành phần; trong đó có Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em”, do Hội LHPN Việt Nam chủ trì thực hiện. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã phỏng vấn bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh (ảnh), để làm rõ về nội dung này.
- Với chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ và trẻ em, bà cho biết các phần việc, nội dung mà Hội LHPN tỉnh đã triển khai trong Dự án 8 là như thế nào? + Mục tiêu của Dự án 8 nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến giới, khuôn mẫu giới, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Hiện Dự án được triển khai tại 51 tỉnh, thành trong nước, trong đó tỉnh Quảng Ninh thuộc nhóm 11 tỉnh, thành tự chủ kinh phí thực hiện Dự án. Đối tượng thụ hưởng chính của Dự án là ưu tiên phụ nữ và trẻ em gái là người DTTS trong các hộ nghèo, hộ cận nghèo, nạn nhân bị mua bán, bị bạo lực, xâm hại, di cư lao động không an toàn, lấy chồng nước ngoài trở về, phụ nữ khuyết tật... Địa bàn bao gồm các địa phương có các thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với Nghị quyết số 06/NQ-TU ngày 17/5/2021 của Tỉnh ủy; ưu tiên nguồn lực cho các thôn, xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) vừa hoàn thành chương trình 135. |
Hội LHPN tỉnh đã chủ động xây dựng, đề xuất trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 255/KH-UBND ngày 31/10/2022 về triển khai Dự án 8 trên địa bàn tỉnh; khảo sát nhu cầu, đánh giá đầu kỳ về nhận thức của người dân tại 39 xã thuộc 8 địa phương thực hiện Dự án; tổ chức 7 lớp tập huấn cho trên 1.300 người là cán bộ hội các cấp, hội viên phụ nữ nòng cốt, thành viên các tổ truyền thông cộng đồng, bí thư thôn, bản... về bình đẳng giới (BĐG), phòng chống bạo lực gia đình; hỗ trợ, bảo vệ phụ nữ, trẻ em là nạn nhân của các vụ việc bạo lực, xâm hại, mua bán người, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc; kiến thức, kĩ năng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và kết nối thị trường, tham gia xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP...
Năm 2023, Hội thành lập được 12 tổ truyền thông cộng đồng tại 12 thôn, bản ĐBKK ở 2 huyện Hải Hà, Bình Liêu; phối hợp với ngành GD&ĐT tỉnh thành lập 10 CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại các trường TH-THCS thuộc các xã đã hoàn thành chương trình 135. Đây là những mô hình đặc thù nhằm huy động sự tham gia tích cực trẻ em vào hoạt động thúc đẩy quyền trẻ em và BĐG tại các xã vùng đồng bào DTTS.
Đặc biệt, từ tháng 6-9/2023 Hội tích cực hưởng ứng Cuộc thi sáng tác sản phẩm truyền thông nâng cao nhận thức về BĐG dành cho trẻ em vùng đồng bào DTTS do Trung ương Hội phát động với chủ đề “Gia đình hạnh phúc”. Sau 4 tháng triển khai đã gần 500 sản phẩm dự thi, BGK cấp tỉnh đã lựa chọn 18 sản phẩm xuất sắc gửi dự thi cấp trung ương, trong đó có 2 tác phẩm đoạt giải toàn quốc (giải ba thể loại video clip và giải khuyến khích thể loại tranh vẽ).
- Để thúc đẩy BĐG, đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em vào các vấn đề của xã hội, Hội đã có những giải pháp như thế nào để đạt được mục tiêu của Dự án?
+ Tổ chức hội các cấp đã tập trung phối hợp, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động; xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại cho phụ nữ và trẻ em; đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển KT-XH của cộng đồng, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị; trang bị kiến thức về BĐG, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng.
Các cấp hội thường xuyên tăng cường tuyên truyền trên không gian mạng; nâng cao chất lượng các lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ hội và hội viên phụ nữ nòng cốt; chú trọng tăng cường các hoạt động tại cộng đồng có tính tương tác cao; đồng thời kiểm tra, giám sát việc triển khai Dự án tại các địa phương để phát hiện những vấn đề khó khăn, vướng mắc từ cơ sở để có những giải pháp hỗ trợ…
- Bà cho biết định hướng thời gian tới của Hội để góp phần thực hiện mục tiêu BĐG cho phụ nữ và trẻ em?
+ Thời gian tới hội tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn nữa cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, nhân rộng mô hình “Gia đình 5 có, 3 sạch” đối với địa bàn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng hình ảnh người phụ nữ Quảng Ninh thời đại mới có tri thức, đạo đức, sức khỏe, năng động, sáng tạo, văn minh, thân thiện”.
Cùng với Dự án 8, Hội tiếp tục thực hiện các các chương trình, đề án được giao chủ trì, như: Đề án 938 “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ” giai đoạn 2017-2027; Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017-2025; Đề án “Tuyên truyền, vận động cải thiện dinh dưỡng, thể lực cho trẻ em vùng cao, vùng đồng bào DTTS, miền núi tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025…
Đồng thời tiếp tục duy trì, nhân rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động các địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; nghiên cứu xây dựng các mô hình BĐG có sự tham gia của nam giới theo chỉ đạo, hướng dẫn của Hội LHPN Việt Nam. Đặc biệt, tăng cường phối hợp thực hiện tốt công tác gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, vì đây là một trong những điều kiện tiên quyết để thực hiện mục tiêu BĐG cho phụ nữ và trẻ em.
Bên cạnh đó, Hội LHPN các cấp tiếp tục duy trì thực hiện tốt hoạt động ủy thác Ngân hàng CSXH; duy trì và nâng cao hiệu quả các tổ tiết kiệm và vay vốn để phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi nhằm thực hiện các mô hình kinh tế, giảm nghèo bền vững; khuyến khích, hỗ trợ hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo nhằm cải thiện cơ hội sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ…
- Trân trọng cảm ơn bà!
Vân Anh (Thực hiện)
- Thúc đẩy bình đẳng giới bền vững
- TP Móng Cái phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023
- Hội thảo nâng cao năng lực cho cán bộ nữ công về bình đẳng giới
- Phát động hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
- Tập huấn kiến thức bình đẳng giới, kỹ năng lồng ghép giới và phòng chống bạo lực gia đình
- “Việc duy trì định kiến giới là nguyên nhân sâu xa của tình trạng bất bình đẳng giới”
- TP Hạ Long: Phát huy vai trò của phụ nữ từ bình đẳng giới
- Nỗ lực thực hiện bình đẳng giới
Liên kết website
Ý kiến ()