Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 05:19 (GMT +7)
Thúc đẩy tiến độ các sản phẩm du lịch mới
Thứ 2, 31/07/2023 | 13:52:44 [GMT +7] A A
Năm 2023, Quảng Ninh dự kiến đưa vào 38 sản phẩm du lịch mới, đến thời điểm hiện tại đã có 21 sản phẩm được đưa vào khai thác, góp phần gia tăng và làm mới trải nghiệm cho du khách. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều sản phẩm chưa đảm bảo tiến độ do vướng mắc thủ tục pháp lý, cần các cơ quan chức năng có giải pháp gỡ khó để sớm đưa vào hoạt động.
Mùa du lịch hè năm nay, người dân và du khách đến TP Hạ Long có thêm nhiều không gian du lịch mới hấp dẫn như: Phố đi bộ Bài Thơ, hồ Hải Thịnh, nghe nhạc trên Vịnh Hạ Long... Trong đó, sản phẩm nghe nhạc trên Vịnh Hạ Long được nhiều du khách ưa thích bởi sự mới lạ, độc đáo cũng như việc đầu tư chuyên nghiệp, chất lượng dịch vụ đẳng cấp của các đơn vị kinh doanh.
Ông Phạm Thanh Chiến, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP Hạ Long Pacific, cho biết: Sau khi được các phòng ban, đơn vị của thành phố định hướng và tạo điều kiện thực hiện các thủ tục pháp lý, chúng tôi đã xây dựng thương hiệu sản phẩm nghe nhạc trên Vịnh Hạ Long. Cùng với việc mời các ca sĩ nổi tiếng, chúng tôi chú trọng đầu tư chất lượng dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp. Đồng thời, tạo nên những không gian trải nghiệm mới mẻ trên tàu để mang đến cho du khách nhiều ấn tượng tốt đẹp, góp phần giới thiệu và lan tỏa vẻ đẹp của Vịnh Hạ Long theo những cách riêng biệt.
Được biết, trong tổng số 38 sản phẩm du lịch mới năm 2023, hiện đã có 21 sản phẩm du lịch được đưa vào khai thác đảm bảo theo tiến độ. Có thể kể đến các sản phẩm: Ẩm thực Việt Trung, Nông trại Nhật Vượng, sản phẩm OCOP đặc sản Bình Ngọc của TP Móng Cái; sản phẩm du lịch lặn biển thể thao giải trí và sản phẩm tham quan các đảo gần bờ của huyện Cô Tô; tuyến đường đi bộ tại xã Minh Châu và tuyến đường đi bộ tại xã Quan Lạn của huyện Vân Đồn; sản phẩm du lịch trải nghiệm khám phá tại khu Quảng Ninh Gate; sản phẩm du lịch trải nghiệm vườn cây ăn quả tại xã Việt Dân của TX Đông Triều; sản phẩm tour du lịch “Cốc cốc đảo Hà Nam”; sản phẩm tour du lịch Dấu ấn Bạch Đằng và sản phẩm Phố Ẩm thực và điểm check in “Phố đêm Bến Ngự Quảng Yên” của TX Quảng Yên...
Các sản phẩm này đã góp phần tăng sức cạnh tranh điểm đến, thu hút du khách đến Quảng Ninh. 6 tháng đầu năm, Quảng Ninh đón 8,86 triệu lượt du khách, tăng 61% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 108% kịch bản. Trong đó, khách quốc tế đạt 658.000 lượt, tăng 14,6 lần so với cùng kỳ năm 2022. Tổng doanh thu du lịch đạt 16.660 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ, đạt 100% kịch bản tăng trưởng.
Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm vẫn còn 7 sản phẩm du lịch chưa đảm bảo tiến độ do một số vướng mắc về thủ tục pháp lý, hoặc đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng… Các địa phương đã có văn bản báo cáo, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến xây dựng các sản phẩm du lịch mới trên địa bàn. Trong trường hợp không có cơ sở tháo gỡ, giải quyết theo hướng dẫn của các sở, ngành, các địa phương đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo cho chủ trương đưa các sản phẩm này ra khỏi các sản phẩm du lịch mới dự kiến đưa vào hoạt động trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2023.
Đối với 10 sản phẩm dự kiến đưa vào khai thác 6 tháng cuối năm, các địa phương đang đẩy nhanh tiến độ. Trong đó, sản phẩm điểm check-in Vịnh Hạ Long gắn với biểu tượng di sản tại cầu vọng cảnh hang Đầu Gỗ được báo cáo đề xuất thay đổi từ Khu vực cầu dẫn đường ra hang Đầu Gỗ sang khu vực sàn ngắm cảnh đảo Ti Tốp. Sở Du lịch đã chủ trì đoàn liên ngành thực địa tại khu vực đặt mô hình thuyền buồm checkin trên đảo Ti Tốp. Hiện đang hoàn thiện biên bản và báo cáo UBND tỉnh.
Đối với các sản phẩm du lịch sinh thái, săn mây Cao Ly và du lịch tâm linh gắn với công trình đài tưởng niệm Cao Ba Lanh của huyện Bình Liêu, tuyến phố đêm, phố đi bộ Sư Tuệ của TX Đông Triều, Phiên chợ vùng cao Pò Hèn của TP Móng Cái… đang được triển khai, dự kiến sẽ đưa vào phục vụ du khách trong quý III, IV năm 2023.
Riêng đối với 3 sản phẩm tại khu vực Vườn quốc gia Bái Tử Long của huyện Vân Đồn dự kiến đưa vào khai thác vào 6 tháng cuối năm 2023, Ban quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long đã tích cực phối hợp với Sở Du lịch và các sở, ngành có liên quan đánh giá về tiềm năng, tính khả thi trong việc hình thành các điểm du lịch tại một số khu vực trong Vườn quốc gia Bái Tử Long; đồng thời chủ động trong việc tìm kiếm, lựa chọn nhà đầu tư nghiên cứu hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu trên cơ sở các tiêu chí công nhận điểm du lịch. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc về Đề án phát triển du lịch sinh thái Vườn quốc gia Bái Tử Long đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 cần được điều chỉnh lại để phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật Lâm nghiệp. Bên cạnh đó, Phương án quản lý rừng Vườn quốc gia Bái Tử Long vẫn chưa được phê duyệt do phần diện tích 500ha chưa được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép tách ra khỏi Vườn quốc gia Bái Tử Long theo ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Để sớm đưa các sản phẩm du lịch mới vào hoạt động, Sở Du lịch đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chủ động, nhanh chóng nghiên cứu, rà soát hồ sơ thủ tục sản phẩm du lịch mới của địa phương, đưa ra các giải pháp gỡ khó cho các địa phương, doanh nghiệp. Sở cũng đề nghị Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Ninh vận động các doanh nghiệp thực hiện đưa khách đến tham quan, mua sắm các khu vực có sản phẩm du lịch mới tại các địa phương, đồng thời tham góp ý kiến để hoàn thiện các sản phẩm hấp dẫn du khách. Khuyến khích các doanh nghiệp liên doanh, liên kết đưa ra các sản phẩm combo với chính sách ưu đãi nhằm thu hút khách du lịch. Đồng thời, đưa ra các biện pháp thiết thực để đẩy mạnh hơn nữa phong trào “Người Quảng Ninh sử dụng sản phẩm du lịch của Quảng Ninh” và “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”.
Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()