Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 14:01 (GMT +7)
Thực hiện chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số- Cách làm của Quảng Ninh
Thứ 4, 13/10/2021 | 13:16:23 [GMT +7] A A
Quảng Ninh hiện có 56 xã, thị trấn vùng đồng bào DTTS với 162.531 người, cư trú rải rác ở trên 85% diện tích của tỉnh. Quảng Ninh đã ban hành, triển khai thực hiện nhiều chính sách riêng có để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo; đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo, chênh lệch vùng, miền; cải thiện rõ rệt và nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân.
Hiệu quả từ những chính sách riêng có
Có thể thấy rằng, các xã vùng đồng bào DTTS, miền núi trên địa bàn luôn được sự quan tâm của tỉnh; thể hiện bằng những chính sách thiết thực, phù hợp, được các địa phương triển khai, thực hiện trong suốt những năm qua. Giai đoạn 2016-2020, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 50/NQ-HĐND tháng 12/2016 “Về việc bố trí nguồn lực đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”. Tháng 1/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định 196/QĐ-UBND “Về việc phê duyệt Đề án nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu, chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” (Đề án 196).
Với những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể mà nghị quyết, đề án đưa ra, các sở, ngành, địa phương, lực lượng, đoàn thể, doanh nghiệp và người dân cùng đồng lòng vào cuộc, tạo nên bước chuyển mạnh ở khu vực đồng bào DTTS, miền núi của tỉnh.
Diện mạo nơi đây có nhiều đổi mới. Công tác giảm nghèo đạt kết quả tích cực, tỷ lệ giảm nghèo trung bình hằng năm giai đoạn 2016-2020 là 1,87%/năm. Thu nhập bình quân đầu người tăng gấp hơn 2,5 lần so với năm 2015. Các chính sách an sinh xã hội được bảo đảm. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, nâng cao. Nếp sống văn hóa mới được duy trì. Nhiều phong tục tập quán tốt đẹp được giữ vững. Niềm tin của đồng bào với Đảng, chính quyền được củng cố tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; thế trận an ninh nhân dân, thế trận quốc phòng gắn với thế trận lòng dân vững chắc được tăng cường, chủ quyền an ninh biên giới được giữ vững, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Quảng Ninh đã thực hiện thành công mục tiêu đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trước 1 năm so với kế hoạch.
Để xóa khoảng cách vùng miền
Thực tế cho thấy, dù tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã giảm mạnh, chỉ còn số lượng ít, nhưng lại chủ yếu rơi vào khu vực miền núi, biên giới, hải đảo. Các hộ thoát nghèo nơi đây cũng chưa bền vững; sản xuất của bà con còn nhỏ lẻ, manh mún, chất lượng giáo dục, y tế còn hạn chế... tạo chênh lệch khá lớn về trình độ phát triển vùng miền...
Chính bởi vậy, ngày 17/5/2021 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU “Về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Đây là nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm thực hiện tăng trưởng bao trùm, hướng tới sự phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Theo đó, Quảng Ninh đã mở rộng phạm vi, địa bàn thụ hưởng chương trình đến các xã, thôn bản biên giới, hải đảo (67 xã, phường, gồm: 56 xã vùng DTTS, miền núi, biên giới và 11 xã đảo) và gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo vững chắc quốc phòng- an ninh. Các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ đều xây dựng phấn đấu cao hơn chỉ tiêu Quốc hội và Chương trình mục tiêu quốc gia đặt ra.
HĐND tỉnh cũng ban hành Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 "Phê duyệt Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030". Theo đó, trong 5 năm, ngân sách nhà nước các cấp dành khoảng 4.000 tỷ đồng (tương đương 3% tổng chi ngân sách địa phương) để thực hiện chương trình. Riêng năm 2021, HĐND tỉnh phân bổ nguồn kinh phí 200 tỷ đồng chi cho các dự án hỗ trợ đầu tư hạ tầng thiết yếu và ủy thác cho vay Ngân hàng Chính sách xã hội tạo sinh kế cho đồng bào.
Được biết, tỉnh cũng đang chỉ đạo xây dựng “Đề án tổng thể phát triển hoàn thiện hạ tầng giao thông, khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế du lịch gắn với chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống nhân dân tại các địa phương Bình Liêu - Tiên Yên - Ba Chẽ giai đoạn 2021-2025". Đây là 3 địa bàn có đông đồng bào DTTS nhất tỉnh và cũng là địa bàn khó khăn nhất tỉnh. Điều này thể hiện rõ quan điểm của tỉnh đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên cho vùng khó để nhanh chóng thu hẹp khoảng cách chênh lệch vùng miền của tỉnh.
Việc triển khai các chính sách sát thực tế, được chuẩn bị từ sớm với cách làm bài bản, đồng bộ, sự đồng lòng vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương... và của chính bản thân người dân, Quảng Ninh sẽ thực hiện thành công mục tiêu của Nghị quyết 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh; trong đó có mục tiêu: Tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 3%/năm; không còn nhà ở tạm, nhà dột nát; cơ bản giải quyết dứt điểm nhu cầu cấp thiết về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo, khó khăn; đến hết năm 2022 không còn thôn, bản đặc biệt khó khăn theo tiêu chí mới.
Thu Nguyệt
Ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh: “Tiếp tục tham mưu để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS” Thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 "Phê duyệt Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030". Tỉnh cũng đang chỉ đạo xây dựng Đề án tổng thể phát triển hoàn thiện hạ tầng giao thông, khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế du lịch gắn với chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống nhân dân tại các địa phương Bình Liêu - Tiên Yên - Ba Chẽ giai đoạn 2021-2025. Những nghị quyết, chính sách của tỉnh là hết sức kịp thời, giải quyết các vấn đề thiết yếu nhất cho người dân, đảm bảo không có khoảng hẫng hụt về chính sách, được dư luận đánh giá rất cao. Mong rằng, các địa phương vào cuộc tích cực để đưa các chính sách mới kịp thời đến với bà con. Về phía Ban Dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn. |
Ông Đồng Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà: “Tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền để bà con phát huy nội lực”. Quảng Sơn là xã vùng đồng bào DTTS của huyện Hải Hà. Thời gian qua, xã nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp trong đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ bà con phát triển kinh tế... Ngay từ đầu năm 2021, tỉnh ban hành các nghị quyết, kế hoạch quan trọng để phát triển nhanh, bền vững kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo chênh lệch vùng miền trong tỉnh. Với trách nhiệm của mình, xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các nghị quyết, kế hoạch của trung ương, của tỉnh đến với bà con; vận động bà con tận dụng cơ hội, từ đó phát huy nội lực của chính bản thân để vươn lên phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững; tham gia thực hiện thành công các tiêu chí thôn mẫu, vườn mẫu, gia đình kiểu mẫu trong chương trình xây dựng nông thôn mới. |
Bà Phương Thị So, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu Chang Nà, thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu: “Thay đổi tư duy, cách làm để thoát nghèo bền vững” Những năm qua, tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn khu Chang Nà đã có sự thay đổi tích cực, nhất là sau khi xã Tình Húc sáp nhập vào thị trấn, tư duy, cách làm của người dân thay đổi đáng kể. Người dân trong khu đã chủ động tìm ra những hướng đi mới trong phát triển kinh tế, đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm kết hợp với trồng rừng sản xuất. Chỉ tính trong năm nay đã trồng mới được 20ha rừng, thu hái được 8 tấn hồi, 12 tấn sở, trên 300 tấn gỗ keo, năng suất lúa trên địa bàn đạt trên 40 tạ/ha. Số hộ nghèo, cận nghèo giảm dần. Bên cạnh đó, đời sống văn hóa tinh thần của bà con ngày được nâng lên. Khu phố tích cực giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc với việc duy trì câu lạc bộ hát then - đàn tính, nâng cao phong trào rèn luyện thể dục thể thao. Để tiếp tục phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập từng bước giảm nghèo bền vững, chúng tôi cũng mong muốn các cấp tiếp tục có các cơ chế, chính sách hỗ trợ, mô hình phù hợp với đặc thù của địa phương. Cùng với đó, đa dạng các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn để người dân có công việc ổn định, nâng cao thu nhập. |
Bà Nguyễn Thị Hoa, thôn 2, xã Quảng La, TP Hạ Long: “Quan tâm tạo điều kiện để bà con được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, từ đó mạnh dạn đầu tư, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập” Đời sống của bà con ở Quảng La đã có nhiều thay đổi rõ rệt. Thông qua các chương trình, chính sách của Nhà nước, tỉnh, thành phố đã giúp nhiều người được vay vốn xóa đói giảm nghèo, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Cùng với đó, các đoàn thể, cấp hội thường xuyên quan tâm, thăm hỏi hội viên, hướng dẫn, định hướng kịp thời giúp bà con thay đổi tư duy, cách làm trong sản xuất, nâng cao năng suất, hiệu quả trong trồng trọt, chăn nuôi. Mới đây, Tổ nghề nghiệp trồng cây ăn quả gắn với trải nghiệm du lịch vườn của xã được thành lập, bước đầu với sự tham gia của 8 hộ gia đình đang dần cho thấy hiệu quả, hướng đi mới trong phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch nhằm nâng cao giá trị sản phẩm địa phương. Mô hình đã được xây dựng, các hộ đang tích cực triển khai; tuy nhiên, hiện nay còn gặp khó khăn liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành; xem xét, tháo gỡ để người dân yên tâm đầu tư, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, góp phần ổn định an sinh xã hội, làm giàu trên đồng đất quê hương. |
Thu Nguyệt- Thanh Hoa
- Gắn tín dụng chính sách xã hội với hỗ trợ chuyển giao KHCN, đào tạo nghề
- Chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số: Nhiều giải pháp đồng bộ
- Đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật vùng đồng bào dân tộc thiểu số
- Để mọi người dân Quảng Ninh đều được hưởng thành quả phát triển - Bài 2: Động lực để vùng khó phát triển bền vững
- "Đòn bẩy" cho phát triển ở vùng khó
- Quảng Ninh: Phát triển vùng khó theo cơ chế chuyển từ hỗ trợ sang đầu tư có chiều sâu
Liên kết website
Ý kiến ()