Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:58 (GMT +7)
Quảng Ninh: Phát triển vùng khó theo cơ chế chuyển từ hỗ trợ sang đầu tư có chiều sâu
Thứ 7, 10/07/2021 | 08:42:00 [GMT +7] A A
Quảng Ninh đã, đang tiếp tục nghiên cứu, ban hành những cơ chế, chính sách mới nhằm thúc đẩy sự phát triển vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh. Đáng chú ý, những cơ chế, chính sách mới sẽ được triển khai trên cơ sở chuyển từ hỗ trợ sang đầu tư phát triển theo chiều sâu; thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản khu vực này.
Vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh hiện có 67 xã, thị trấn/177 xã, phường, thị trấn toàn tỉnh. Đồng bào DTTS có 162.531 người, chiếm 12,31% dân số toàn tỉnh, cư trú rải rác ở trên 85% diện tích của tỉnh.
Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, có nhiều chỉ thị, nghị quyết, giải pháp, đồng thời ưu tiên dành cơ chế đặc thù, nguồn lực lớn để tập trung phát triển toàn diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, QP-AN vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo với trọng tâm là thực hiện thành công Đề án 196, xong trước 1 năm so với kế hoạch. Qua đó, đã góp phần tạo chuyển biến căn bản về nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị và người dân, nhất là tính tự giác, tích cực sản xuất, chủ động thoát nghèo, vươn lên làm giàu của đồng bào DTTS.
Diện mạo vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của Quảng Ninh đến nay đã có nhiều đổi mới. Công tác giảm nghèo đạt kết quả tích cực, tỷ lệ giảm nghèo trung bình hàng năm giai đoạn 2016 - 2020 là 1,87%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp hơn 2,5 lần so với năm 2015. Các chính sách an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, nâng cao; nếp sống văn hóa mới được duy trì, nhiều phong tục tập quán tốt đẹp được giữ vững.
Dù đã nhận được nhiều sự quan tâm đầu tư thích đáng, nhưng tình hình KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Đặc biệt là việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, địa bàn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo ở các khu vực này còn cao so với mặt bằng chung của tỉnh.
Việc thoát nghèo cũng chưa bền vững. Trong số 833 hộ nghèo còn lại của tỉnh đến cuối năm 2020 thì có 555 hộ nghèo thuộc vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo; chiếm 66,63% tổng số hộ nghèo cả tỉnh. Ngoài ra, tình hình sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành được những vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Chất lượng giáo dục, y tế còn hạn chế; chênh lệch khá lớn về trình độ phát triển so với các vùng miền khác của tỉnh...
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, đã xác định khâu đột phá về phát triển văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh. Thực hiện Nghị quyết Đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 “Về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Để cụ thể hóa các chủ trương này, tạo bước đột phá từ hỗ trợ sang đầu tư phát triển theo chiều sâu, nâng cao đời sống của nhân dân vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo một cách bền vững; góp phần thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền, bảo đảm an ninh chính trị, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị chung của tỉnh... rất cần có cơ chế, chính sách về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản các khu vực này.
Tại Kỳ họp thứ 2 của HĐND tỉnh theo kế hoạch diễn ra vào trung tuần tháng 7/2021, dự kiến sẽ xem xét, thảo luận, ban hành Nghị quyết về phát triển nhanh, bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, dự kiến sẽ đặt ra từng mục cụ thể cho từng năm, cho từng lĩnh vực. Nhiệm vụ chủ yếu sẽ tập trung phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển nhanh các lĩnh vực kinh tế, phát huy tiềm năng, thế mạnh vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Đặc biệt, sẽ huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư phát triển KT-XH và dự kiến sẽ ưu tiên phát triển hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể, có tính động lực, chiến lược và có tác động lan tỏa mạnh đối với các xã, thôn, bản các khu vực này. Song song với đó, sẽ có các chính sách an sinh, nâng cao phúc lợi xã hội và chăm sóc sức khỏe nhân dân; bảo đảm vững chắc QP-AN gắn với xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.
Dự kiến, hàng năm ngân sách tỉnh sẽ ưu tiên bố trí vốn đầu tư công kết hợp với nguồn lực lồng ghép từ các chương trình, đề án có cùng mục tiêu trên địa bàn và các nguồn lực huy động hợp pháp khác để thực hiện. Trong đó, tập trung ưu tiên 25 xã, 24 thôn mới hoàn thành Chương trình 135, ra khỏi diện ĐBKK giai đoạn 2016-2020. Nguồn lực thực hiện đối với các xã, thôn còn lại thuộc vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo do các địa phương chủ động bố trí và lồng ghép trong các chính sách, chương trình, đề án có cùng mục tiêu của Trung ương, của tỉnh và địa phương để triển khai thực hiện.
Theo Ban Dân tộc tỉnh, việc HĐND tỉnh xem xét, ban hành Nghị quyết này là rất cần thiết. Khi đưa vào thực hiện sẽ mang đến tác động rõ nét trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và môi trường của vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất, tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng đời sống, thu nhập cho người dân, nhất là nhân dân ở các xã, thôn mới hoàn thành Chương trình 135, ra khỏi diện ĐBKK. Từ đó, sẽ hình thành được các mô hình, dự án liên kết phát triển sản xuất, thay đổi phương thức sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo hướng hàng hóa, gắn với thị trường. Ngoài ra, sẽ giúp các xã, thôn, bản, các hộ gia đình có điều kiện, khả năng tiếp cận các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ từ Nhà nước và xã hội, nguồn vốn tín dụng ưu đãi để thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng, người dân những vùng khó khăn nhất của tỉnh hiện nay.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()