Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:28 (GMT +7)
Thực hiện nhiệm vụ năm 2024: Khởi sắc tháng đầu năm
Thứ 2, 05/02/2024 | 07:45:12 [GMT +7] A A
Mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, song kết thúc năm 2023, Quảng Ninh đã gặt hái những thành công vượt bậc trên các mặt công tác. Với sự quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ, tỉnh tiếp tục đạt nhiều kết quả khởi sắc ngay trong tháng đầu tiên của năm mới 2024.
Nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch
Nhìn lại năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đã vững vàng vượt khó, đạt nhiều thành tựu quan trọng trên các mặt công tác; tiếp tục khẳng định vị trí là một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc với việc hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu KT-XH và giữ vững sự ổn định, đoàn kết, thống nhất, tinh thần cải cách, đà tăng trưởng kinh tế 2 con số liên tục trong 9 năm liên tiếp (2015-2023). Đặc biệt, tăng trưởng GRDP năm 2023 ước đạt 11,03%, gấp đôi bình quân chung cả nước; quy mô nền kinh tế ước đạt trên 310.000 tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với năm 2020. Quảng Ninh đã tạo đột phá trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt trên 3,1 tỷ USD, gấp 3,1 lần kế hoạch năm, dẫn đầu cả nước. Đồng thời, tạo bước chuyển lớn trong phát triển văn hoá, xã hội, con người, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, thu hẹp khoảng cách chênh lệch vùng miền, hoàn thành trước nhiều mục tiêu của cả giai đoạn 2020-2025. GRDP bình quân đầu người năm 2023 của tỉnh ước đạt trên 9.400 USD, gấp 1,4 lần so với năm 2020... Những thành công đó là động lực, nền tảng vững chắc để Quảng Ninh tiếp tục vững vàng bước vào năm 2024 với niềm tin, khí thế và đón đợi những thắng lợi mới.
Năm 2024 - năm bản lề có ý nghĩa quan trọng để phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XV của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Tại các cuộc họp cuối năm 2023, tỉnh đã dành nhiều thời gian tập trung rà soát các mục tiêu, nhiệm vụ và đưa ra những giải pháp cụ thể trước mắt cũng như lâu dài thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH. Đặc biệt, tỉnh xác định rõ những khó khăn trước mắt để tập trung chỉ đạo triển khai. Trong đó, xác định triển khai các dự án có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy phát triển của tỉnh và với mục tiêu không để đứt gãy chuỗi cung ứng, đảm bảo tốt nhất các điều kiện để các dự án, nhất là các dự án trọng điểm triển khai thuận lợi, vì thế trước những khó khăn về nguồn nguyên vật liệu phục vụ đắp nền phục vụ dự án, UBND tỉnh đã tổ chức các cuộc họp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án, công trình.
Các đơn vị, địa phương đã nhanh chóng rà soát, thống nhất, tập trung đẩy nhanh giải quyết các hồ sơ pháp lý để cấp phép sớm cho các mỏ đất trong quy hoạch trên cơ sở tuân thủ tuyệt đối các quy định của pháp luật. Đối với khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng và điều chỉnh thiết kế cũng được gắn trực tiếp trách nhiệm cho các chủ đầu tư và địa phương…
Với những giải pháp, chỉ đạo cụ thể đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, các dự án nhanh chóng tái khởi động, tăng tốc thi công. Hiện các đơn vị, địa phương đang phấn đấu hoàn thành các dự án theo tiến độ: Quý II/2024 các cầu Bến Rừng, Lại Xuân dự kiến đưa vào khai thác, tạo thêm 2 công kết nối mới cho Quảng Ninh và Hải Phòng; các nút giao Đầm Nhà Mạc, Hạ Long Xanh cũng xong trong quý II/2024 mở cửa lưu thông cho khu vực phía Tây của tỉnh, trở thành những cầu nối liên kết vùng hiệu quả; tỉnh lộ 342 đoạn qua huyện Ba Chẽ nối thẳng đến tỉnh Lạng Sơn cũng hoàn thành trong tháng 8/2024...
Với sự nỗ lực ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới, các dự án Đầm Nhà Mạc, Hạ Long Xanh, cầu Bến Rừng, Lại Xuân, đường kết Quảng Ninh - Lạng Sơn… gặp nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức thi công trước đây, nhất là thiếu mặt bằng, thiếu nguồn nguyên vật liệu, điều chỉnh dự án... đã được tỉnh tập trung chỉ đạo tháo gỡ bằng nhiều giải pháp cụ thể, quyết liệt đồng bộ.
Với tinh thần tập trung, chủ động, quyết liệt của các cơ quan, đơn vị, các cấp chính quyền ngay từ tháng đầu tiên của năm, nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ KT-XH tháng 1/2024 của tỉnh đạt kịch bản, kế hoạch đã đề ra và tăng so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) đạt 69,16%, trong đó lĩnh vực khai khoáng tăng 16,9%; chế biến, chế tạo tăng 157,89%; điện tăng 19,7%. Các lĩnh vực dịch vụ tiếp tục tăng trưởng ổn định, thu hút khách du lịch quốc tế có nhiều khởi sắc, đạt 10,7% kịch bản cả năm; kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh tăng 17,7%...
Lĩnh vực văn hóa, xã hội cũng đạt nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, có 289.355 người tham gia BHXH, tăng 16.338 người (tăng 6%) so với cùng kỳ năm 2023; 1.298.972 người tham gia BHYT, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2023, độ bảo phủ đạt tỷ lệ 95,3%. Đặc biệt, trong không khí hân hoan chào Xuân mới, tỉnh Quảng Ninh đã đón nhận tin vui khi các đội tuyển của tỉnh tham gia Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia 2023-2024 đã xuất sắc xếp thứ 8/69 đơn vị dự thi, mang về 85 giải (với 2 giải Nhất, 23 giải Nhì, 28 giải Ba và 32 giải Khuyến khích), tăng 26 giải so với Kỳ thi năm trước. "Trái ngọt" gặt hái bởi sự quan tâm lớn của tỉnh từ những cơ chế, chính sách cho lĩnh vực giáo dục và những nỗ lực không ngừng của thầy trò trong tỉnh.
Chinh phục mục tiêu mới
Bám sát chủ đề công tác năm 2024 của tỉnh “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”, các cấp ủy, chính quyền, đơn vị, lực lượng trong tỉnh đang khẩn trương cụ thể hóa các chương trình hành động của tỉnh, của địa phương, đơn vị mình. Trong đó, trước mắt tiếp tục tập trung nhóm giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công bằng việc thực hiện phân khai vốn ngay từ đầu năm. Các đơn vị, địa phương cũng đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, địa phương, vận hành hiệu quả các tổ công tác; nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách và quản lý chặt chẽ đầu tư công; tập trung tháo gỡ khó khăn trong triển khai các dự án trọng điểm đảm bảo tiến độ, sớm đưa vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư; bám sát kế hoạch thu tiền sử dụng đất; tập trung hoàn thiện hệ thống bản đồ, cơ sở dữ liệu Quy hoạch tỉnh; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số thông qua tổ chức các hội nghị chuyên sâu...
Cùng với đó, các địa phương, đơn vị nêu cao quyết tâm thực hiện nghiêm chỉ đạo, nghị quyết của Trung ương và tỉnh, hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra với quan điểm xuyên suốt đó là kiên trì giữ vững sản xuất của các trụ cột kinh tế. Đó là: Tăng nhanh quy mô, tỷ trọng đóng góp vào GRDP và thu ngân sách của công nghiệp chế biến, chế tạo; nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư FDI thế hệ mới có chọn lọc, ưu tiên các dự án có công nghệ cao, thân thiện môi trường, suất vốn đầu tư cao, giá trị gia tăng lớn vào các KKT, KCN, trọng tâm là KCN Đông Mai, Sông Khoai, Việt Hưng và một số KCN có đủ điều kiện có thể thu hút nhà đầu tư thứ cấp, tránh dàn trải, trong đó khu vực Quảng Yên thu hút FDI đạt ít nhất 2,5 tỷ USD...
Phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại ngày càng giữ vai trò chủ đạo; du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn gắn với phát triển kinh tế biển, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, phấn đấu trong năm thu hút từ 17-20 triệu lượt khách, trong đó có 3 triệu lượt khách quốc tế; thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, phát triển kinh tế số, xã hội số bằng tư duy, quyết tâm, cách làm, bước đi bền vững của Quảng Ninh... Đồng thời, phấn đấu tổng thu NSNN trên địa bàn đạt trên 55.600 tỷ đồng. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phân công, giao trách nhiệm, phối hợp rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, địa phương, đơn vị trong thực hiện và giải ngân vốn cho các dự án, chương trình mục tiêu, gắn trách nhiệm người đứng đầu về kết quả giải ngân của từng dự án, coi đây là căn cứ đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tập thể và cá nhân trong năm 2024.
Tỉnh cũng thành lập các Tổ công tác thúc đẩy giải ngân theo Quyết định số 01/QĐ-UBND (ngày 1/1/2024) của UBND tỉnh, từ đó phát huy hiệu quả trong việc đôn đốc, kiểm tra hiện trường, làm việc với các đơn vị chủ động giải quyết, tham mưu, báo cáo UBND tỉnh cần có những chỉ đạo kịp thời giải quyết. Các đơn vị cũng tập trung triển khai thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về tiến độ thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư các dự án khởi công giai đoạn 2024-2025, dự kiến danh mục các dự án triển khai giai đoạn 2026-2030, tập trung đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các dự án đã được Tỉnh ủy cho ý kiến, đảm bảo phân bổ vốn trong tháng 6/2024.
Những ngày này, trong không khí hân hoan chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc, các địa phương trong tỉnh đã chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng tổ chức các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân, tạo không khí đầm ấm, phấn khởi phục vụ nhân dân. Đặc biệt, những ngày này, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chăm lo Tết cho người dân, nhất là hộ nghèo, gia đình có công với cách mạng, gia đình chính sách, công nhân, lao động, hộ gia đình khó khăn... với quan điểm “không để một cá nhân, gia đình nào bị bỏ lại phía sau, đảm bảo mọi người, mọi nhà đều có Tết no đủ, đầm ấm, sum vầy và hạnh phúc”.
Tỉnh đã dành trên 110 tỷ đồng từ nguồn NSNN trợ cấp, tặng quà Tết cho trên 210.000 đối tượng là người có công với cách mạng và thân nhân, đối tượng chính sách - xã hội và các đối tượng cần thiết khác trên địa bàn (tăng hơn 7.000 suất quà so với Tết năm 2023). Các mức quà tặng có giá trị từ 300.000-4.000.000 đồng/đối tượng theo quy định. Ngoài phần quà tặng này, tỉnh dành khoảng 7.500 suất quà dành tặng cho công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bao gồm tiền mặt và sản phẩm OCOP địa phương. Đặc biệt, vừa qua MTTQ tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh đã huy động nguồn xã hội hóa để trao 33.570 suất quà với tổng kinh phí trên 19 tỷ đồng cho các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo theo cả tiêu chí cũ của Trung ương và tiêu chí mới của tỉnh. Đến thời điểm này, tỉnh đã hoàn thành trao quà Tết của Chủ tịch nước đến các đối tượng chính sách, gia đình khó khăn, người lao động, người có công đảm bảo đầy đủ, chính sách và kịp thời.
Cùng với nguồn kinh phí của tỉnh, các địa phương tùy vào điều kiện thực tế đã bố trí nguồn lực thăm hỏi, tặng quà, động viên đến các đối tượng trong dịp Tết và huy động thêm nguồn xã hội hóa để chăm lo Tết và hỗ trợ người lao động, hộ nghèo, người yếu thế trong xã hội... Các cấp công đoàn cũng tổ chức trao quà Tết của Trung ương, của tỉnh cho trên 50.000 công nhân lao động. Đồng thời, phối hợp với các địa phương, đơn vị tổ chức rất nhiều chương trình Tết ý nghĩa, như: Tết thợ mỏ, Tết Nhân ái, Tình nguyện mùa đông năm 2023 - Xuân tình nguyện năm 2024, Chợ Tết nhân ái, Tết Nhân ái - Xuân Giáp Thìn 2024...
Tại cuộc họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 1/2024, đồng chí Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Các địa phương, đơn vị tập trung cao điểm cho công tác chăm lo Tết cho nhân dân trên địa bàn tỉnh chu đáo, không để ai bị bỏ lại ở phía sau, không để cho một ai không có Tết. Đồng thời, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; giữ vững chủ quyền biên giới đất liền, biển đảo quốc gia; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; đấu tranh phòng, chống tội phạm, đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; triển khai có hiệu quả các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông, tai nạn lao động, phòng chống cháy nổ trong dịp Tết Nguyên đán... đảm bảo nhân dân được vui Xuân, đón Tết vui tươi, an toàn.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()