Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 01:10 (GMT +7)
Thực hiện tiêu chí điện nông thôn mới
Thứ 4, 02/12/2020 | 08:13:38 [GMT +7] A A
Thực hiện và duy trì chất lượng tiêu chí về điện đã giúp các địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ nâng cao chất lượng cuộc sống, phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế, cũng là điều kiện để tiếp tục hoàn thiện nhiều tiêu chí xây dựng NTM khác.
Hộ anh Đinh Văn Thắng (thị trấn Đầm Hà, huyện Đầm Hà) sử dụng lò điện vận hành 100% tự động để ấp trứng. |
Tiêu chí điện trong xây dựng xã NTM đặt ra yêu cầu mỗi địa phương phải đảm bảo đạt được 2 chỉ tiêu, gồm: Hạ tầng điện phải đảm bảo kỹ thuật theo quy định của ngành Điện và trên địa bàn phải có ít nhất 95% hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn.
Quá trình triển khai nhiệm vụ này, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo, luôn bao gồm những khó khăn đặc thù, như: Địa bàn rộng, địa hình phức tạp, đời sống người dân còn khó khăn nên việc phát triển lưới điện chưa theo kịp nhu cầu sử dụng điện của địa phương. Nhiều nơi xây dựng lưới điện đã lâu nên xuống cấp, chất lượng và mức độ an toàn điện kém. Mặt khác, tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện còn tồn tại; có nơi, có lúc, đường dây sau công tơ vào nhà dân còn sử dụng cột tre, cột gỗ chống tạm bợ, không đảm bảo an toàn...
Tuy nhiên, với quyết tâm cao, thời gian qua, tỉnh và ngành Điện đã triển khai nhiều dự án chiến lược để kéo điện phủ khắp từng thôn, bản vùng nông thôn, miền núi. Thống kê, trong giai đoạn 2010-2019, Quảng Ninh ưu tiên huy động trên 3.000 tỷ đồng từ các nguồn vốn được đầu tư phát triển hạ tầng hệ thống lưới điện. Trong đó, đến hết năm 2013, tỉnh triển khai dự án quy mô lớn với 179 trạm biến áp và gần 700km đường dây trung thế, hạ thế được hoàn thành đã giúp xây dựng lưới điện nông thôn tỉnh hoàn thành cấp điện đến trên 9.400 hộ dân.
Công nhân ngành Điện bảo trì hệ thống điện tại xã Cẩm Hải, TP Cẩm Phả. |
Từ năm 2014 đến nay, tỉnh tiếp tục có các dự án chống quá tải điện, nâng cấp các trạm biến áp, phủ sóng điện lưới đến từng hộ gia đình với hạ tầng điện ngày càng được quan tâm đầu tư nâng cấp. Qua đó nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu sử dụng điện phục vụ phát triển sản xuất, sinh hoạt của nhân dân, nhất là tại vùng nông thôn, miền núi; cùng với đó là ngày càng nâng cao hơn chất lượng dịch vụ khách hàng của ngành Điện. Người dân được sử dụng hệ thống điện đảm bảo an toàn, ổn định và mua điện theo giá bán mà Chính phủ quy định.
Dòng điện đến các vùng quê đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự đổi mới, phát triển trên nhiều lĩnh vực. Người nông dân có thể áp dụng các máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất thay thế sức người. Từ đó, tạo điều kiện quan trọng để nông dân mạnh dạn thay đổi được quy mô và tập quán canh tác, chăn nuôi; tăng năng suất trồng trọt và chế biến; mở rộng nhiều ngành nghề mới, nâng cao thu nhập.
Có điện lưới ổn định, người dân thôn Quảng Mới (xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà) thuận tiện theo dõi các thông tin thời sự trong tỉnh. |
Lợi ích lâu dài còn thể hiện ở việc các phương tiện thông tin đại chúng ngày càng phổ biến, được người dân sử dụng mỗi ngày, giúp nâng cao rõ rệt về chất lượng đời sống văn hóa, trình độ dân trí... Ở những địa bàn vùng cao biên giới như Bình Liêu, Hải Hà, hay huyện đảo tiền tiêu Cô Tô, điện lưới được đảm bảo chính là động lực cho sự tiến bộ mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, chất lượng đời sống dân sinh. Đặc biệt là phục vụ cho mục tiêu bảo đảm, củng cố an ninh - quốc phòng của quốc gia.
Quyết tâm thực hiện tốt tiêu chí điện của tỉnh và các địa phương đã thực sự góp phần xây dựng NTM giàu mạnh, văn minh và hiện đại. Tuy nhiên, nhiệm vụ này vẫn cần có sự nỗ lực hơn nữa để nâng cao chất lượng, cải thiện những hạn chế còn tồn tại, tháo gỡ những kiến nghị, phản ánh của nhân dân các địa phương còn vướng mắc... để đáp ứng nhiệm vụ "xây dựng NTM không có điểm dừng".
Thời gian qua, Công ty Điện lực Quảng Ninh (PC Quảng Ninh) đã tích cực áp dụng công nghệ thông tin vào sản xuất kinh doanh: - Triển khai thanh toán tiền điện bằng hóa đơn điện tử: Giúp khách hàng thanh toán tiền điện một cách nhanh chóng, an toàn, tiết kiệm được thời gian đi lại; đơn giản hóa việc phát hành, quản lý hóa đơn, kê khai thuế, báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn; dễ dàng tra cứu thông tin hóa đơn và kiểm soát phát hành hóa đơn. - Cung cấp 100% dịch vụ điện của PC Quảng Ninh tại trung tâm hành chính công các cấp và Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh: Khách hàng chỉ cần truy cập vào http://dichvucong.quangninh.gov.vn để đăng ký dịch vụ thay vì phải trực tiếp đến các điểm giao dịch của điện lực; đảm bảo tính công khai, minh bạch, với sự giám sát của chính khách hàng và của các cơ quan quản lý nhà nước. - Đưa 12 thủ tục hành chính lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. - Lắp đặt công tơ điện tử, hiện đại hoá hệ thống đo đếm điện năng và truyền số liệu từ xa: Đến hết tháng 10/2020, PC Quảng Ninh đã lắp đặt trên 200.000 công tơ điện tử (gồm 2 loại: Công tơ thu thập dữ liệu đo đếm tự động từ xa và Công tơ thu thập dữ liệu đo đếm bán tự động từ xa). - Triển khai gửi thông báo tiền điện, tình hình cung cấp điện, sửa chữa điện, chúc mừng năm mới... tới khách hàng bằng tin nhắn SMS và tin nhắn zalo. |
Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()