Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 20:13 (GMT +7)
Thực phẩm chức năng, thuốc đông y tung hoành trục lợi
Thứ 5, 29/07/2021 | 18:40:27 [GMT +7] A A
Theo các chuyên gia, việc Bộ Y tế đưa 12 sản phẩm vào danh mục sản phẩm hỗ trợ điều trị COVID-19 (trong đó cả sản phẩm đang thử nghiệm) và sau đó buộc phải thu hồi khiến người dân hoang mang. Ðiều này đã tạo cơ hội chưa từng có để các doanh nghiệp tăng giá bán trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Ý kiến chuyên gia cho rằng cần xử lý nghiêm vụ việc này.
Quảng cáo “nổ” công dụng của một số sản phẩm có chứa Xuyên tâm liên |
Loạn giá
Dù Bộ Y tế đã rút lại công văn đề cập viên nén Xuyên tâm liên phòng và hỗ trợ điều trị COVID-19, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng cảnh báo không có bất kỳ sản phẩm nào chữa hay kháng được COVID-19, nhưng những ngày qua, Xuyên tâm liên vẫn được nhiều người lùng mua, có dấu hiệu loạn giá.
Tại trung tâm thuốc Hapu (Thanh Xuân, Hà Nội), chị T. (nhân viên một quầy thuốc) cho biết, những ngày gần đây, các công ty dược đưa ra thị trường đủ loại sản phẩm mới có gắn với Xuyên tâm liên dưới dạng xịt mũi, xịt họng, cao trà... để “ăn theo” công văn trước đó của Bộ Y tế.
Trên chợ mạng, một số sản phẩm chứa Xuyên tâm liên cũng “nổ” công dụng phòng chống COVID-19, đơn cử như xịt họng thảo dược của Dược An Thịnh Đường. Xịt họng, xịt mũi, cao, trà, tinh chất giá từ 50.00 - 200.000 đồng/ hộp, với rất nhiều thương hiệu khác nhau.
Đối với sản phẩm viên nang Kovir của Công ty Cổ phần Sao Thái Dương, trong phần giới thiệu thuốc, dù công ty này không nhắc tới COVID-19 nhưng lại ghi công dụng: Hỗ trợ phòng và điều trị sớm các bệnh do virus gây ra… dùng cho trường hợp F1, giúp giảm nguy cơ F1 thành F0. Sau khi những thông tin này đưa ra, người tiêu dùng đổ xô đi mua bất chấp việc công ty tăng giá thuốc cả chục lần.
Ngoài các sản phẩm trên, giá các dòng về thuốc chữa trị về dạ dày, các bệnh lý liên quan đến não bộ, Tuần hoàn não, dầu gừng và các sản phẩm hỗ trợ sinh lý như Rocket, Rocket+, Rocket 1h, Manup… của công ty này cũng bị đánh giá đang “tát nước theo mưa” trong mùa dịch COVID-19.
Ðủ chiêu vi phạm
Theo ghi nhận của Tiền Phong, tình trạng các sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thuốc đông y quảng cáo bát nháo về chức năng, công dụng hiện diễn ra rất tràn lan. Các sản phẩm này chỉ mang tính hỗ trợ, song được quảng cáo như những “thần dược” khiến người tiêu dùng rất dễ hiểu nhầm.
Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, trong các lỗi vi phạm của thực phẩm chức năng, phần lớn là quảng cáo sai sự thật, không đúng bản chất sản phẩm. “Thực phẩm chức năng nhưng được quảng cáo như thuốc chữa bệnh. Thậm chí, việc quảng cáo có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng, thực phẩm chức năng nhưng nói vống có thể chữa tiểu đường, huyết áp, xương khớp…như thuốc. Nhiều tổ chức, cá nhân còn lấy danh nghĩa tặng quà từ thiện nhưng thực chất là bán thực phẩm chức năng, mạo danh cơ quan y tế, cơ quan quân đội, công an”.
Theo tìm hiểu, trên thị trường các sản phẩm thực phẩm chức năng được sản xuất với giá thành rất rẻ, dao động từ 20-50 nghìn đồng/sản phẩm, song được bán với giá ngất ngưởng cả triệu đồng. Đây được xem là ngành kinh doanh béo bở với lợi nhuận khủng bậc nhất hiện nay.
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, dù Bộ Y tế đã rút công văn bất thường sau khi bị tố cáo tiếp tay cho doanh nghiệp bán thuốc đông y, nhưng hậu quả của công văn vẫn phải xét đến. Việc cơ quan chức năng đưa ra khuyến nghị, ủng hộ, trên cơ sở đó để doanh nghiệp tăng giá sản phẩm gây hoang mang cho người dân, bất lợi cho người bệnh, gây nhiều bất ổn.
“Điều này không thể rút kinh nghiệm. Cơ quan điều tra, Tổng cục quản lý thị trường cần điều tra cụ thể mục đích, động cơ ban hành văn bản. Đây là việc làm có chủ đích, không phải vô cớ, vô tình. Cơ quan chức năng, doanh nghiệp ý thức ra sao trong bối cảnh dịch bệnh, đất nước khó khăn, toàn dân chống dịch, thay vì tạo điều kiện giảm bớt gánh nặng cho người bệnh, Nhà nước, thì họ lại đổ thêm dầu vào lửa. Nhân vụ việc này, phải xử lý nghiêm không để chìm xuồng”, ông Long nói.
Tổng cục Quản lý thị trường vào cuộc
Tối 28/7, trao đổi với Tiền Phong, một lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho hay, sau khi Bộ Y tế rút công văn 5944 hướng dẫn dùng thuốc y học cổ truyền sau 2 ngày ban hành và xuất hiện nhiều thông tin về việc một số loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe tăng giá bất thường, Tổng cục Quản lý thị trường đã trực tiếp vào cuộc.
Theo lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, từ chiều 28/7, tổng cục đã kiểm tra kho chính của Công ty Cổ phần Sao Thái Dương và làm việc với đại diện công ty về một loạt các vấn đề liên quan khác. Được biết, cuộc kiểm tra và làm việc của quản lý thị trường kéo dài đến tận khuya. “Việc các sản phẩm bảo vệ sức khỏe tăng giá bất thường và quảng cáo sai công dụng của các loại thực phẩm, thuốc đông y đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Quản lý thị trường làm việc về nhiều nội dung với Công ty Cổ phần Sao Thái Dương trên tinh thần thận trọng. Nếu có sai phạm, sẽ công bố công khai dư luận kết quả trong ngày mai”, vị lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường nói.
Được biết, trước đó, Tổng cục Quản lý thị trường đã yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý địa bàn, nắm bắt diễn biến tình hình thị trường giá cả - hàng hóa đối với những mặt hàng thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Nếu phát hiện hành vi vi phạm, tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Theo ghi nhận của quản lý thị trường, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đã xuất hiện một số thực phẩm bảo vệ sức khỏe được ghi công dụng “kháng virus, kháng COVID-19, kháng viêm, điều trị đau họng cảm cúm và nhiễm trùng đường hô hấp, phòng chống COVID-19” chưa đăng ký bản công bố tại cơ quan có thẩm quyền hoặc ghi thông tin không chính xác, tăng giá bán đột biến so với giá bán thông thường niêm yết trước đó. Trong đó có các sản phẩm như Xuyên tâm liên CV19 với logo Toàn Lộc (vỏ hộp màu đỏ) và Xuyên tâm liên CV19 với logo Nhất Lộc (vỏ hộp màu xanh), Kovir của Công ty Cổ phần Sao Thái Dương....
Theo Tiền phong
Liên kết website
Ý kiến ()