Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 16/11/2024 19:14 (GMT +7)
Thuốc đau mắt đỏ cho bà bầu
Thứ 2, 02/10/2023 | 17:17:38 [GMT +7] A A
Đau mắt đỏ là tình trạng khá phổ biến trong thời điểm giao mùa, dễ lây lan và hầu hết các trường hợp đều vô hại. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc trong thời kỳ mang thai đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng, vì nếu không có chỉ định đúng, thuốc có thể gây tác dụng phụ nguy hiểm cho cả mẹ bầu và thai nhi.
1. Nguyên nhân gây đau mắt đỏ ở bà bầu
Đau mắt đỏ (hay viêm kết mạc) là tình trạng viêm màng trong suốt trên bề mặt nhãn cầu (lòng trắng) và kết mạc mi. Bệnh do virus hoặc nhiễm trùng từ vi khuẩn, phản ứng dị ứng gây ra. Đau mắt đỏ chỉ gây khó chịu, hiếm khi ảnh hưởng đến thị lực. Bệnh có thể lây lan nên cần chẩn đoán sớm và thực hiện một số biện pháp phòng ngừa đau mắt đỏ. Phụ nữ mang thai rất dễ bị ảnh hưởng bởi đau mắt đỏ.
Nguyên nhân là do khi mang thai hệ miễn dịch của bà bầu suy yếu, nội tiết tố nữ thay đổi nên rất dễ nhiễm virus, vi khuẩn... tấn công gây bệnh. Bệnh có thể khiến cho bà bầu mệt mỏi và nhạy cảm hơn bình thường.
2. Triệu chứng đau mắt đỏ ở phụ nữ mang thai
Các triệu chứng đau mắt đỏ ở phụ nữ mang thai thường gặp là:
- Kết mạc đỏ; gỉ mắt màu xanh hoặc vàng dính ở 2 bờ mí khi ngủ dậy nếu là vi khuẩn.
- Mắt bị ngứa, chảy nước mắt và cộm mắt;
- Phù mi và xuất hiện giả mạc ở mắt;
Ngoài ra có các triệu trứng khác kèm theo: Ho, hắt hơi, sổ mũi, viêm họng và nổi hạch;
Nếu điều trị không kịp thời và đúng cách, có thể gây các biến chứng viêm kết mạc: Chói mắt, giảm thị lực và thâm nhiễm giác mạc.
3. Bà bầu nên sử dụng loại thuốc nào khi đau mắt đỏ?
Trong thời gian mang thai, việc sử dụng thuốc tân dược có thể gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và phát triển của thai nhi, nhất là trong 3 tháng đầu thai kỳ. Do đó, trong giai đoạn này, phụ nữ mang thai nên tránh sử dụng thuốc tân dược.
Tốt nhất khi bị đau mắt đỏ, phụ nữ mang thai nên đi khám để được bác sĩ kê đơn dùng thuốc thích hợp, phòng tránh rủi ro bất lợi, gây ảnh hưởng đến thị lực.
Một số loại thuốc đau mắt đỏ bà bầu có thể dùng:
- Nước mắt nhân tạo: Nhóm thuốc nhỏ mắt nhân tạo là dung dịch giúp làm ẩm mắt, làm dịu nhất thời cảm giác nóng rát, kích ứng và khó chịu ở mắt cho bà bầu mắc đau mắt đỏ. Một số loại phổ biến hiện nay như refresh tears, systane ultra, vismed... Nhóm thuốc đau mắt đỏ này có thể sử dụng trên phụ nữ có thai vì các nghiên cứu tiền lâm sàng đã không cho thấy bất kỳ tác dụng có hại nào trong khi mang thai
- Thuốc co mạch: Viêm kết mạc khiến mắt bị đỏ và sưng liên quan mật thiết đến cơ chế giãn mạch, do đó các thuốc điều trị đau mắt đỏ có tác dụng co mạch sẽ hỗ trợ làm giảm các triệu chứng này. Một số loại thuốc nhỏ mắt gây co mạch có thành phần bao gồm các hoạt chất như naphazoline, phenylephrine hoặc tetrahydrozoline có thể giúp bà bầu giảm tình trạng sưng đỏ.
Tuy nhiên, thuốc điều trị đau mắt đỏ gây co mạch không được khuyến cáo dùng thường quy do việc sử dụng kéo dài và thường xuyên sẽ dẫn đến hiện tượng "nhờn thuốc". Thậm chí gây "đỏ mắt tái phát" do mạch máu thường giãn to hơn khi thuốc hết tác dụng. Hiện vẫn chưa biết thuốc có qua sữa mẹ hay không, do đó, bà bầu không nên tự ý dùng thuốc này khi chưa có chỉ định và tư vấn cụ thể từ bác sĩ chuyên khoa.
4. Các thuốc đau mắt đỏ bà bầu không được tự ý dùng
- Thuốc chống dị ứng: Với thể đau mắt đỏ do dị ứng, bệnh nhân có thể sử dụng các thuốc có thành phần chống dị ứng, thường gặp nhất là các thuốc kháng histamin H1 như: Chlorpheniramin, antazoline, diphenhydramin...
Tuy nhiên, nhóm này không sử dụng cho người đang cho con bú hoặc trẻ sơ sinh và trẻ thiếu tháng. Ngoài ra, một số nghiên cứu đã chỉ ra dùng thuốc chlorpheniramin (trong nhóm này) trong 3 tháng cuối thai kỳ có thể dẫn đến những phản ứng nghiêm trọng (như cơn động kinh) ở trẻ sơ sinh.
- Thuốc kháng sinh: Thuốc điều trị đau mắt đỏ bao gồm các kháng sinh trong thành phần có hiệu quả với thể viêm kết mạc do vi khuẩn hoặc do virus kèm theo bội nhiễm. Khi tác nhân gây bệnh bị tiêu diệt thì các triệu chứng đau mắt đỏ sẽ hồi phục.
Loại thường dùng là ofloxacin, một loại kháng sinh phổ rộng thuộc nhóm fluoroquinolone. Thuốc dạng kê đơn, đặc trị đau mắt đỏ do vi khuẩn, kể cả vi khuẩn gram âm và gram dương. Tuy nhiên, thuốc không có hiệu quả điều trị nhiễm trùng mắt do virus. Có thể gặp phải một số tác dụng phụ khi sử dụng ofloxacin như cảm thấy mắt bị châm chích nhẹ hay giác mạc bị kích ứng. rối loạn thị giác ảnh hưởng đến tầm nhìn, ngứa hoặc nổi ban trên mắt. Do ofloxacin qua nhau thai nên bà bầu không được tự ý sử dụng khi chưa được sự tư vấn của bác sĩ.
5. Phòng ngừa đau mắt đỏ cho bà bầu
Đau mắt đỏ đa phần đều là bệnh rất dễ lây nhiễm thành dịch lớn thông qua đường hô hấp. Mùa đau mắt đỏ trong năm phổ biến từ đầu hè đến cuối thu, vì vậy trong khoảng thời gian này mẹ bầu cần hết sức cẩn thận, tốt nhất nên hạn chế đến nơi đông người.
Cách tốt nhất giúp mẹ bầu phòng ngừa đau mắt đỏ là thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và không đưa tay chạm lên mắt nhất là khi tay vừa làm việc xong và chưa được vệ sinh sạch sẽ. Bụi bẩn, ký sinh trùng trên tay rất dễ xâm nhập vào nhãn cầu khi ta dụi mắt gây viêm nhiễm.
- Chỉ sử dụng thuốc khi đã được thăm khám và tư vấn từ bác sĩ.
- Không dùng chung đồ cá nhân: Các vật dụng như khăn mặt, cốc uống nước, khăn tắm, ga, gối... mẹ bầu nên dùng riêng biệt.
- Bảo vệ mắt khi ra ngoài: Mẹ bầu cần duy trì thói quen đeo kính râm khi ra ngoài để bảo vệ mắt tránh khỏi các tác nhân gây bệnh từ môi trường bên ngoài.
- Vệ sinh mắt: Nên duy trì thói quen vệ sinh mắt hàng ngày sẽ giúp mẹ bầu loại bỏ bụi bẩn, tác nhân gây bệnh, giữ đôi mắt sáng khỏe.
- Không dụi mắt vì có thể ảnh hưởng đến giác mạc, làm nặng hơn tình trạng đau mắt.
- Uống nhiều nước nếu mắt bị khô.
- Nghỉ ngơi hợp lý, điều độ cũng giúp mắt nhanh khỏi.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()