Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 22:49 (GMT +7)
Thuốc giảm đau có an toàn cho trẻ em không?
Thứ 2, 19/06/2023 | 17:14:44 [GMT +7] A A
Một số loại thuốc giảm đau an toàn cho trẻ em nhưng sử dụng kéo dài có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng hoặc nhiễm độc khi dùng với liều lượng cao hơn.
Bác sĩ Đoàn Thu Hồng, Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng, Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, cho biết thuốc giảm đau không điều trị nguyên nhân gây đau mà chỉ thay đổi cách cơ thể trẻ phản ứng với thuốc.
Một số loại thuốc giảm đau an toàn cho trẻ em nhưng sử dụng kéo dài có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng hoặc nhiễm độc khi dùng với liều lượng cao hơn. Bạn cần dùng đúng liều lượng quy định trong thời gian ngắn nhất có thể. Do đó, việc cho trẻ uống thuốc giảm đau mà không có đơn của bác sĩ là không lý tưởng.
Khi nào có thể cho trẻ uống thuốc giảm đau?
Nếu trẻ bị đau nhẹ do chấn thương khi chơi hoặc bong gân cơ, hãy thử các phương pháp không dùng thuốc như bôi thuốc mỡ làm dịu, đánh lạc hướng và an ủi trẻ để chuyển hướng chúng khỏi cơn đau.
"Bạn có thể rất thương khi nhìn con bị đau, nhưng sử dụng thuốc giảm đau cho cơn đau nhẹ là điều không nên. Ngược lại, nếu trẻ đang bị đau dữ dội do gãy xương, trải qua phẫu thuật hoặc đau nhức cơ thể nghiêm trọng, việc cho trẻ uống thuốc giảm đau có thể rất quan trọng để giúp trẻ ngủ và hồi phục tốt hơn", bác sĩ Thu Hồng nói.
Thuốc giảm đau được phân thành hai loại, cụ thể là thuốc giảm đau không opioid (không kê đơn) và thuốc giảm đau opioid (thuốc giảm đau theo toa).
Cách sử dụng thuốc giảm đau không cần kê đơn
Dù một số loại thuốc thuốc giảm đau không kê toa, bạn vẫn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng chúng. Sau đây là một số loại thuốc giảm đau không kê toa có thể dùng cho trẻ em nếu cần.
Paracetamol (acetaminophen)
Bạn chỉ nên dùng paracetamol cho trẻ dưới một tháng tuổi khi có sự tư vấn của bác sĩ. Ngoài ra, cha mẹ không cho trẻ dùng thuốc nhiều hơn liều lượng quy định. Sau khi được bác sĩ hướng dẫn kỹ lưỡng, trẻ lớn có thể dùng thuốc này ở dạng lỏng, viên nén, viên nang hoặc nhai.
"Paracetamol được sử dụng phổ biến nhất, nói chung là an toàn và ít tác dụng phụ. Tuy nhiên, dùng quá liều có thể gây nhiễm độc gan. Vì vậy, cha mẹ cần cẩn thận khi dùng thuốc này cho trẻ em bị suy dinh dưỡng và đang dùng thuốc gây cảm ứng enzym cytochrom P 450", bác sĩ Hồng cho hay.
Ibuprofen
Ibuprofen là thuốc chống viêm không steroid (NSAID) và được coi là thuốc giảm đau an toàn cho trẻ em. Loại thuốc này thường giúp giảm sưng, giảm đau, hạ sốt cho trẻ trên 3 tháng tuổi hoặc từ 5 kg trở lên. Ibuprofen không thích hợp cho trẻ em bị bệnh hen suyễn, thận hoặc gan. Vì vậy, cha mẹ cần luôn hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho trẻ dùng ibuprofen.
Đây là loại thuốc giảm đau hiệu quả, nhưng nó có thể có một số tác dụng phụ như đau bụng, khó tiêu hoặc ợ nóng, buồn nôn. Các tác dụng phụ nghiêm trọng hơn như phân đen, có máu, tiểu ra máu hoặc phản ứng dị ứng nghiêm trọng dù rất hiếm gặp nhưng vẫn có thể xảy ra. Cha mẹ hãy tham khảo ý kiến bác sĩ ngay lập tức nếu trẻ có bất kỳ triệu chứng nào trong số này xảy ra.
Theo bác sĩ Hồng, ibuprofen là thuốc chống viêm không steroid duy nhất được phép sử dụng cho trẻ em từ 6 tháng tuổi và dùng phổ biến nhất để kiểm soát cơn đau. Đây cũng là một trong những loại thuốc chống viêm không steroid được nghiên cứu, sử dụng rộng rãi nhất ở trẻ em để kiểm soát cơn đau cấp tính, đặc biệt là đối với gãy xương và các chấn thương cơ xương khác. Phụ huynh tránh dùng ibuprofen cho trẻ bị rối loạn chảy máu.
Aspirin
Aspirin hay salicylate là thuốc chống viêm không steroid (NSAID) thường được dùng làm thuốc hạ sốt và giảm đau nhẹ đến trung bình ở người lớn. Tuy nhiên, thuốc này hiếm khi được kê đơn cho trẻ em dưới 16 tuổi vì có nguy cơ phát triển một bệnh lý nghiêm trọng được gọi là hội chứng Reye - trong đó gan và não bị tổn thương.
Nếu bác sĩ đã kê toa aspirin, đây có thể là một số tác dụng phụ:
- Khó tiêu nhẹ
- Chảy máu nhiều hơn bình thường
Một số tác dụng phụ nghiêm trọng hơn bao gồm:
- Mụn nước đỏ và bong tróc da
- Vàng da hoặc lòng trắng mắt chuyển sang màu vàng
- Đau nhức các khớp tay, chân
- Sưng tay
- Đau bụng/buồn nôn
- Phản ứng dị ứng
Phụ huynh nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ nếu bạn nhận thấy bất kỳ tác dụng phụ nào trong số này.
Thuốc giảm đau cho người lớn và trẻ em có khác nhau không?
Bác sĩ Viện Y học Ứng dụng Việt Nam cho hay thuốc giảm đau cho trẻ em có liều lượng thấp hơn so với loại dành cho người lớn. Thuốc được kê đơn dựa trên tuổi, chiều cao và cân nặng của trẻ. Ngoài ra, hiện không có đủ bằng chứng về sự an toàn của thuốc giảm đau cho người lớn dành cho trẻ em.
Việc sử dụng thuốc giảm đau cho trẻ em nên được thực hiện chính xác và dưới sự giám sát của bác sĩ nhi khoa. Trong trường hợp đau hoặc chấn thương nhẹ, bạn nên thử làm dịu cơn đau bằng cách điều trị tại chỗ như sử dụng thuốc mỡ tại chỗ hoặc xoa bóp vùng bị ảnh hưởng.
Nếu cơn đau trở nên trầm trọng đến mức không thể chịu đựng được, bạn không nên cho trẻ uống bất kỳ loại thuốc giảm đau không kê đơn nào. Thay vào đó, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được đề xuất các loại thuốc an toàn dựa trên nguyên nhân cơ bản.
Theo zingnews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()