Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 06:37 (GMT +7)
Thương mại điện tử 4.0
Thứ 6, 23/06/2023 | 08:27:51 [GMT +7] A A
Phát triển thương mại điện tử (TMĐT) trong các hoạt động kinh doanh, buôn bán đang trở thành kênh quảng bá, giới thiệu hiệu quả cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Để thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số của tỉnh, cũng như thúc đẩy phát triển TMĐT, đáp ứng nhu cầu thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, các cấp, ngành, chức năng của tỉnh đang tăng cường nhiều giải pháp, giúp các doanh nghiệp bán hàng có thể tiếp cận và giữ chân khách hàng một cách hiệu quả.
“Chìa khóa” mở cửa thương mại điện tử
Không chỉ tiên phong trong chương trình OCOP, Quảng Ninh còn là địa phương đi đầu trong giới thiệu và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP thông qua các sàn TMĐT. Nhận định tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2023, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Bộ Công Thương Đặng Hoàng Hải, cho biết: Việc phân phối tiêu thụ hàng hóa qua các kênh TMĐT được xem là một trong những giải pháp mới và hiệu quả trong việc đẩy mạnh tiêu thụ nông, đặc sản của địa phương hay các sản phẩm OCOP của địa phương. Cục TMĐT sẽ tiếp tục đồng hành cùng tỉnh Quảng Ninh nói riêng, cũng như các tỉnh thành khác trên cả nước nói chung thực hiện việc đẩy mạnh ứng dụng TMĐT, phát triển bán lẻ trực tuyến trong thời đại công nghệ 4.0. Hy vọng rằng, thời gian tới, TMĐT sẽ là một hoạt động được sử dụng, ứng dụng phổ biến tại Quảng Ninh.
Xác định TMĐT là nền tảng để phát triển trong thời kỳ hội nhập, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện các bước tiến vững chắc để mở cánh cửa tiến đến phát triển TMĐT bền vững. Điển hình: Từ năm 2009, sàn giao dịch TMĐT tỉnh Quảng Ninh ở địa chỉ http://teqni.gov.vn đi vào hoạt động với vai trò giới thiệu các nông, đặc sản của tỉnh nhà. Tuy nhiên, để bắt nhịp được với sự phát triển như vũ bão của TMĐT, đến năm 2016, sàn giao dịch TMĐT đã được đầu tư nâng cấp tiệm cận với các sàn giao dịch hiện đại đương thời. Nhờ đó, sàn thực hiện tốt hơn chức năng quảng bá, giới thiệu và giao dịch các đặc sản, đặc biệt là sản phẩm OCOP Quảng Ninh.
Hiện song song với sàn cũ, sàn TMĐT Quảng Ninh được chủ đầu tư là Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Phát triển Công Thương Quảng Ninh cập nhật, nâng cấp với tên miền http://ocopquangninh.com.vn cùng nhiều tính năng mới, tiện ích mới, như: Tích hợp thanh toán trực tuyến, công nghệ bảo mật tốt, dễ sử dụng, dễ nhìn, đăng ký bằng nhiều hình thức zalo, facebook… giúp cho người dân, doanh nghiệp dễ dàng sử dụng hơn. Hiện sàn đã được chạy thử nghiệm trong thực tế hàng ngày và tại các kỳ hội chợ được tổ chức trên địa bàn tỉnh. Dự kiến, tháng 8/2023 sàn sẽ được nghiệm thu.
Ông Nguyễn Kiên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công Thương Quảng Ninh, cho biết: Trong thời đại công nghệ 4.0, sự phát triển của các công cụ TMĐT sẽ là nền tảng giúp mang lại những đóng góp lớn cho tăng trưởng nền kinh tế, giúp các doanh nghiệp bán lẻ có thể tiếp cận và giữ chân khách hàng một cách hiệu quả hơn. Cùng với việc hoàn thiện nâng cấp sàn giao dịch TMĐT của tỉnh, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động doanh nghiệp tham gia vào sàn và các sàn TMĐT uy tín. Đồng thời, tiếp tục lồng ghép sàn TMĐT tại các hoạt động hội chợ, triển lãm… để lan tỏa rộng rãi tới người dân, doanh nghiệp, du khách. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh và xây dựng thị trường TMĐT lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững.
Đặc biệt, để các sản phẩm có thể đáp ứng được chất lượng, yêu cầu trước khi được đưa lên bán tại các sàn TMĐT, các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh đã và đang chủ động áp dụng khoa học công nghệ trong các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói và tiêu thụ. Việc đăng ký và sử dụng mã số, mã vạch cho các cơ sở tổ chức, cá nhân có sản phẩm OCOP cũng được triển khai mạnh mẽ với 100% sản phẩm tham gia chương trình OCOP của tỉnh được triển khai dán tem điện tử thông minh nhằm quản lý, truy xuất nguồn gốc. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã, giúp nâng tầm giá trị trên thị trường và quan trọng nhất là đáp ứng được các yêu cầu khi đưa sản phẩm lên tiêu thụ tại các sàn TMĐT. Điển hình: Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và XNK Quy Hoa (Hải Hà); HTX Nông - Lâm - Ngư Thái An (Móng Cái); Công ty TNHH MTV Newstar…
Song song với đó, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 5517/UBND-XD6 (ngày 24/10/2022) về việc triển khai mô hình chợ 4.0 - thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Sở Công Thương đã ban hành văn bản số 1016/SCT-QLTM5 (ngày 10/3/2023), văn bản số 1685/SCT-QLTM5 (ngày 8/6/2023) về việc đôn đốc UBND các địa phương xây dựng và báo cáo tình hình triển khai mô hình Chợ 4.0 trên địa bàn. Tính đến thời điểm hiện tại, 13/13 địa phương đã xây dựng kế hoạch và ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện. Một số chợ đã đạt được những hiệu quả nhất định, như: Chợ Cẩm Đông (TP Cẩm Phả) có 322/345 điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt (đạt 93,33%); Chợ Trung tâm Uông Bí đăng ký mở tài khoản và mã QR Code cho 499 hộ kinh doanh; Chợ Cái Rồng (huyện Vân Đồn) mở 353/381 tài khoản cho các hộ kinh doanh (đạt 92%); Chợ Trung tâm Tiên Yên đã đáp ứng đã hạ tầng và sẵn sàng cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt cho 100% hộ kinh doanh…
Hiện nay, 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng, khai thác hóa đơn điện tử; hộ kinh doanh cá thể đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử (đạt 95,7%); trên 70% sản phẩm OCOP từ 3 sao của tỉnh đã lên sàn TMĐT, bước đầu tạo được thói quen giao dịch, quảng bá sản phẩm trên sàn. Nhiều sản phẩm OCOP uy tín, chất lượng của tỉnh đã được đưa lên tiêu thụ tại các sàn TMĐT lớn và được nhiều người tiêu dùng biết đến, tin tưởng sử dụng, như: Miến dong Bình Liêu, trà hoa vàng Quy Hoa (Hải Hà), nước mắm Cái Rồng… Trong đó, sàn TMĐT Voso có 160/334 sản phẩm đạt 60%; Sàn TMĐT Postmart 108/334 sản phẩm đạt 40,4%. Riêng Sàn giao dịch TMĐT tỉnh đang giới thiệu 424/560 sản phẩm OCOP, trong đó có 190/334 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, số lượng khách truy cập 5 tháng đạt trên 10.000 lượt truy cập, với 238 đơn đặt hàng.
Định hướng phát triển bền vững
Bắt đầu từ năm 2021, Hội chợ OCOP tỉnh Quảng Ninh gắn liền với các sàn giao dịch TMĐT, với hình thức bán hàng trực tuyến đến tận tay người tiêu dùng. Việc tiêu thụ sản phẩm được các đơn vị ngoài việc kết nối đưa vào các siêu thị, hệ thống phân phối bán lẻ còn được đưa sản phẩm lên “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các Sàn Thương mại điện tử uy tín như Sendo.vn; Tiki.vn; Voso.vn; Postmart.vn; Lazada.vn; Shopee.vn... Đây là hoạt động cần thiết để thúc đẩy việc phát triển các hoạt động phát triển TMĐT và hướng tới áp dụng công nghệ số để kết nối, tương tác với khách hàng, qua đó quảng bá sản phẩm, thương hiệu.
Đặc biệt, để triển khai các giải pháp, hoạt động hỗ trợ phát triển lĩnh vực TMĐT trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 116/KH-UBND (ngày 2/7/2020) về phát triển thương mại điện tử tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025. Kế hoạch đặt mục tiêu cụ thể về quy mô thị trường ứng dụng TMĐT trong doanh nghiệp, cơ quan nhà nước. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, đạt tỷ lệ 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến; 50% siêu thị, trung tâm mua sắm, cơ sở phân phối hiện đại, các hộ gia đình và cá nhân sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng; doanh số giao dịch TMĐT tăng bình quân 15%/năm. Đồng thời, có 80% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử, cập nhật thường xuyên thông tin giới thiệu, bán sản phẩm của doanh nghiệp; 80% doanh nghiệp thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn đặt hàng thông qua các phương tiện điện tử; 90% các giao dịch mua hàng trên website và ứng dụng TMĐT có hóa đơn điện tử; giá trị giao dịch TMĐT của doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn chiếm 30% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vào năm 2025; 100% siêu thị, trung tâm thương mại và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán (POS) và cho phép khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt; 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông chấp nhận thanh toán hóa đơn của khách hàng bằng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; 100% CBCC phụ trách lĩnh vực kinh tế được bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Mới đây, ngày 15/3/2023, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 75/KH-UBND về phát triển TMĐT tỉnh Quảng Ninh năm 2023. Trong đó, tập trung phát triển các mục tiêu: Nâng tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử chiếm 12% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh; tỷ lệ dân số trên địa bàn tỉnh tham gia mua sắm qua các kênh trực tuyến đạt 45%; thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 35%...
Theo lãnh đạo Sở Công Thương, thực hiện triệt để việc phát triển hoạt động TMĐT trên địa bàn tỉnh, Sở bám sát vào văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh và phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện xây dựng và hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp công nghệ trong hoạt động quảng bá sản phẩm, như: QR code, chip NFC, công nghệ blockchain… để truy xuất nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo cho chất lượng sản phẩm. Đồng thời, tập trung vào triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao hoạt động TMĐT, như: Phát triển, hoàn thiện hạ tầng TMĐT; phát triển các sản phẩm, giải pháp TMĐT; ứng dụng TMĐT hỗ trợ doanh nghiệp; hỗ trợ phát triển sản phẩm; vận hành sàn giao dịch TMĐT tỉnh Quảng Ninh; tập huấn thông tin, tuyên truyền về TMĐT; phát triển nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả và năng lực quản lý nhà nước về TMĐT. Đồng thời, đẩy mạnh kết hợp đan xen giữa TMĐT với các loại hình phân phối hiện hữu, tạo thành phương thức phân phối đa kênh theo đúng xu hướng phát triển chung trong thời đại số 4.0. Qua đó, đóng góp quan trọng vào việc tiêu thụ sản phẩm cho người dân, doanh nghiệp và lộ trình chuyển đổi số toàn diện của tỉnh.
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()