Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:44 (GMT +7)
Thương tiếc nhạc sĩ Hồng Đăng
Thứ 3, 05/04/2022 | 08:24:52 [GMT +7] A A
Sau khi nhạc sĩ Văn Dung, tác giả của ca khúc “Những bông hoa trong vườn Bác” qua đời được ít ngày (ông mất ngày 8/3/2022), người yêu nhạc lại thương tiếc một nhạc sĩ gạo cội ra đi, đó là Hồng Đăng. Ông dời cõi tạm vào sáng 21/3/2022, tại Hà Nội.
Trong cuộc đời làm nghệ thuật, nhạc sĩ Hồng Đăng đã để lại nhiều tác phẩm âm nhạc gồm nhiều thể loại như: Khí nhạc, nhạc phim, ca khúc, hợp xướng, ca cảnh, nhạc sân khấu... Những ca khúc ông viết cho nhạc phim được đông đảo công chúng yêu thích như: Biển hát chiều nay, Hoa sữa, Lênh đênh, Nỗi nhớ đêm đại dương, Hạ Long mây trắng, Có một vùng đảo xa... Từ những tác phẩm âm nhạc trong phim rồi trở thành tác phẩm đứng độc lập, được công chúng đón nhận, nhiều ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Hồng Đăng sống mãi với thời gian.
Tháng 2 năm 1983, tôi nhận giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam, trong cuộc thi sáng tác những bài hát hay dành cho các nhạc sĩ chuyên nghiệp và không chuyên trong cả nước. Ca khúc Sông thương sông nhớ của tôi được trao giải ba không có giải nhất.
Về Hà Nội nhận giải thưởng thật vinh dự. Gần 40 năm trước, gặp nhạc sĩ Hồng Đăng tại trụ sở Hội Nhạc sĩ Việt Nam đón các nhạc sĩ về Tổng kết cuộc thi (năm 1983 tôi chỉ là tác giả âm nhạc không chuyên, không phải hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam). Hồng Đăng nhanh nhẹn, miệng luôn nở nụ cười, giọng nói nhỏ nhẹ và cái bắt tay thật chặt. Ấn tượng những ngày đó còn in đậm trong tâm trí tôi về Hồng Đăng.
Sau này tôi mới biết, nhạc sĩ Hồng Đăng hoạt động trên nhiều lĩnh vực. Ông tham gia giảng dạy nhiều thế hệ sinh viên, vừa sáng tác thanh nhạc, khí nhạc, viết sách, làm báo... Ông là nhạc sĩ đầu tiên được mời gia nhập Hội Điện ảnh Việt Nam. Trong nhiều năm, nhiều đợt các đoàn văn nghệ sĩ thực tế sáng tác của Hội Nhạc sĩ Việt Nam về vùng mỏ Quảng Ninh có các nhạc sĩ Trọng Bằng, Hồng Đăng, Chu Minh, Hoàng Vân, Huy Thục, Tân Huyền, Cát Vận, Văn Dung, Đỗ Hồng Quân... Chúng tôi được gặp các nhạc sĩ khi đi thực tế sáng tác thật vui. Hồng Đăng rất quan tâm đến các tác giả có năng khiếu âm nhạc, ông luôn khích lệ, động viên tôi cùng anh em Quảng Ninh trong sáng tác âm nhạc. Hồng Đăng nhận xét các ca khúc chúng tôi viết, nói cách khác là truyền nghề, nhiều kinh nghiệm được trao đổi. Những ca khúc chúng tôi viết những ngày đầu, ông góp ý: “Mỗi ca khúc của các em rất nhiều cảm xúc, từng bài của các em, tôi có đủ chất liệu để viết nhiều bài. Ca từ thiếu tính khái quát, chính vì thế, các ca khúc chỉ giới hạn trong tỉnh, hay một ngành. Quảng Ninh có nhiều bài hát song sức phổ biến, lan tỏa với cả nước còn hạn chế”.
Thời gian qua đi, tôi càng thấm thía lời nhạc sĩ Hồng Đăng chia sẻ. Để có tác phẩm có cảm xúc, hay về giai điệu, ca từ... ngoài những tình cảm, tình yêu quê hương, tính khái quát, tầm tư tưởng phải đạt được, mới mong có tác phẩm đi vào trái tim công chúng cả nước, để có ca khúc nhớ đời.
Nhạc sĩ Hồng Đăng và nhạc sĩ Tân Huyền chính là hai nhạc sĩ đã giới thiệu tôi gia nhập Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1991. Các nhạc sĩ động viên tôi phải đi học. Nghe lời các anh, tôi đã đi học và tốt nghiệp Khoa Sáng tác Học viện Quốc gia Âm nhạc Việt Nam. Những đóng góp nhỏ bé của tôi cho âm nhạc Quảng Ninh và âm nhạc cả nước thực sự không thể không biết ơn các nhạc sĩ gạo cội của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam đã dìu dắt, động viên tôi trên con đường âm nhạc, đặc biệt sự ân cần chỉ bảo của nhạc sĩ Hồng Đăng.
Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết: Nhạc sĩ Hồng Đăng nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Ông là người có trí tuệ rất uyên bác về âm nhạc. Những tác phẩm của Hồng Đăng luôn để lại dấu ấn sâu đậm với người nghe bởi sự dung dị, mộc mạc. Trong cuộc sống, nhạc sĩ Hồng Đăng được đồng nghiệp yêu mến bởi lối sống chan hòa, gần gũi. Đặc biệt ông luôn dành tình cảm yêu quý cho các nhạc sĩ trẻ. Ông đã được tặng thưởng Huân chương Lao Động hạng Nhất, Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật.
Nhạc sĩ Hồng Đăng tên thật là Phan Đăng Hồng, sinh năm 1936 tại Yên Thành, Nghệ An. Sinh thời, ông từng là Phó Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Âm nhạc và Thế giới âm nhạc và cũng là nhạc sĩ đầu tiên được kết nạp vào Hội Điện ảnh Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội giao lưu văn hóa Việt - Nhật, Ủy viên Ủy ban quốc gia thập kỷ phát triển văn hóa quốc tế. Nhạc sĩ Hồng Đăng đã đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam hơn 700 tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau, từ ca khúc, hợp xướng, ca cảnh, khí nhạc, tới nhạc phim và nhạc sân khấu... Đặc biệt, ông đã sáng tác nhạc cho nhiều bộ phim, trong đó có những ca khúc nổi tiếng như "Hoa sữa" (phim Hà Nội mùa chim làm tổ), "Lênh đênh" (phim Đời hát rong), "Nỗi nhớ đêm đại dương" (phim Những hạt muối của biển), "Biển hát chiều nay" (nhiều phim về đề tài biển), "Không gian xanh" (phim Vùng trời), "Biển và cô gái tôi chưa quen" (phim Những ngôi sao nhỏ)... Trong đó, ca khúc "Hoa sữa" được ông viết năm 1978 trong phim "Hà Nội mùa chim làm tổ" đã được phổ biến rộng rãi. Từ ca khúc này, hoa sữa đã trở thành đặc trưng của Hà Nội mỗi dịp mùa thu về. Năm 2001, ông được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Năm 2021, ông được trao giải thưởng Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội. |
Nhạc sĩ Xuân Nhật
Liên kết website
Ý kiến ()