Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 06:58 (GMT +7)
Quảng Ninh Đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục
Thứ 2, 22/11/2021 | 08:35:17 [GMT +7] A A
Để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, những năm qua, Quảng Ninh đã tích cực thực hiện chuyển đổi số trong ngành Giáo dục. Với cách làm linh hoạt, quyết liệt nhưng thận trọng, ngành Giáo dục tỉnh kỳ vọng chuyển đổi số thành công sẽ hỗ trợ đổi mới phương thức dạy và học, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp như hiện nay.
Trường THCS Ninh Dương (TP Móng Cái) hiện đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy và học. Nhà trường hiện trang bị 16 phòng học thông minh (5 phòng học thông minh cấp độ 1; 11 phòng học thông minh cấp độ 2). Mỗi phòng học thông minh cấp độ 2 được trang bị hệ thống âm thanh, màn hình tương tác kèm phần mềm, máy tính xách tay cho giáo viên, tủ sạc máy tính, camera giám sát, phụ kiện lắp đặt…; mỗi phòng học thông minh cấp độ 1 được trang bị thêm điều hòa, 40 máy tính xách tay, camera phục vụ học trực tuyến, phần mềm sách giáo khoa điện tử bản quyền.
Phạm Thị Thảo Vy (học sinh lớp 8A1, Trường THCS Ninh Dương) chia sẻ: "Các tiết học của chúng em hiện nay sinh động, trực quan hơn khi có sự hỗ trợ của bảng thông minh, hệ thống wifi, máy vi tính…, phát huy được tính tích cực và năng lực của chúng em nhiều hơn. Đặc biệt, với hệ thống này, trong một số thời điểm dịch Covid-19 phức tạp, khi nhà trường có học sinh thực hiện cách ly tại nhà, các bạn vẫn có thể đồng hành học cùng thời điểm với chúng em tại lớp".
Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (TP Hạ Long) từ năm học 2017-2018 đã đưa vào sử dụng nhiều phần mềm, ứng dụng phục vụ công tác quản lý giáo dục, như: SMAS quản lý cơ sở dữ liệu nhà trường (gồm quản lý hồ sơ, tuyển sinh, đánh giá xếp loại học sinh); Temis bồi dưỡng trực tuyến, đánh giá giáo viên…
Trường quán triệt toàn bộ cán bộ, giáo viên, người lao động làm quen, sử dụng thành thạo mạng xã hội zalo, facebook, email công vụ để kịp thời nhận nhiệm vụ, đáp ứng các yêu cầu công việc trong mọi điều kiện, hoàn cảnh.
Ông Phạm Ngọc Quang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, cho biết: Trường có số lượng học sinh đông thứ 2 ở TP Hạ Long, phải chia nhỏ hoạt động ở 3 cơ sở, nên việc ứng dụng CNTT trong quản trị nhà trường đã giúp tiết kiệm nhiều thời gian, công sức khi không phải đến từng cơ sở, từng lớp để kiểm tra như trước đây. Lãnh đạo quản lý của nhà trường chỉ cần thao tác trên máy vi tính cá nhân là đã có thể theo dõi tình hình học tập của trên 2.300 học sinh, hơn 100 giáo viên, nhân viên tại 3 cơ sở của Trường.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 645 cơ sở giáo dục với trên 347.000 học sinh, gần 22.000 cán bộ, giáo viên. Những năm qua, Quảng Ninh được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu cả nước về triển khai chính quyền điện tử, mô hình thành phố thông minh và từng bước thực hiện chuyển đổi số. Trọng tâm trong các hoạt động ứng dụng CNTT, chuyển đổi số của tỉnh là lĩnh vực giáo dục, đào tạo...
Từ năm 2009, Sở GD&ĐT đã triển khai phần mềm quản lý văn bản trực tuyến trong toàn ngành. Đến nay, 100% văn bản đi, đến trong ngành được số hóa và xử lý trên phần mềm; 100% cán bộ, chuyên viên, nhân viên Sở có tài khoản, có chữ ký số để truy cập và xử lý công việc. Sở đã hoàn thiện liên thông văn bản điện tử qua trục liên thông văn bản quốc gia với Bộ GD&ĐT, các cơ quan trung ương; liên thông văn bản điện tử đến toàn bộ 13/13 phòng GD&ĐT và toàn bộ các trường THPT trên địa bàn tỉnh.
Hệ thống hội nghị truyền hình công nghệ video conference đã được cấp đến 13/13 phòng GD&ĐT và 89 trường học, cơ sở giáo dục các cấp (25 trường tiểu học, 40 trường THCS, 24 trường THPT). Năm học 2020-2021, đại dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, toàn ngành đã thực hiện 22 cuộc họp, hội nghị, tập huấn theo hình thức trực tuyến giữa Sở GD&ĐT và các đơn vị, đảm bảo tất cả các nội dung công việc cần triển khai trong ngành không bị gián đoạn, chậm.
Ngành GD&ĐT tỉnh còn đầu tư hệ thống hạ tầng CNTT hiện đại cho 89 trường học theo mô hình ứng dụng CNTT nâng cao. Nhờ đó, trong thời gian học sinh phải nghỉ học để phòng chống dịch, toàn bộ cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên đã phát huy hiệu quả phương tiện, thiết bị CNTT để tổ chức dạy học trực tuyến. Đồng thời lồng ghép hiệu quả giữa dạy học trực tiếp và trực tuyến, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, đơn vị theo phương châm “tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học”.
Việc chuyển đổi số trong giáo dục đang tác động tích cực, mang lại hiệu quả cao trong công tác quản lý, dạy học, phòng chống dịch trong các nhà trường. Qua đó, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần tạo đà để Quảng Ninh bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội và trên tiến trình chuyển đổi số toàn diện giai đoạn tiếp theo.
Minh Hà
Liên kết website
Ý kiến ()