Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 08:49 (GMT +7)
Tiêm phòng vắc-xin cho gia cầm: Còn nhiều bất cập
Thứ 7, 12/01/2019 | 07:26:20 [GMT +7] A A
Liên tiếp trong 1 tháng qua, xuất hiện 3 ổ dịch cúm A/H5N6 trên đàn gia cầm của 3 hộ dân thuộc các xã: Hải Tiến (Móng Cái), Đông Hải (Tiên Yên) và Quảng Chính (Hải Hà). Điều đáng nói là cả 3 đàn gia cầm nói trên đều chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm, đây chính là nguyên nhân dẫn đến phát sinh các ổ dịch.
[links()]
Nguyên nhân phát sinh ổ cúm gia cầm tại xã Quảng Chính, huyện Hải Hà (phát hiện ngày 7/1) là do chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh. |
Theo ông Trần Xuân Đông, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, toàn bộ số gia cầm bị bệnh tại 3 ổ dịch kể trên đều nuôi tái đàn trong các tháng cuối năm, không nằm trong đợt tiêm phòng chính vụ của địa phương (được miễn phí). Về nguyên tắc, các hộ dân sẽ phải chủ động khai báo số gia cầm nuôi bổ sung, tái đàn để đăng ký mua vắc-xin và tiêm bổ sung. Trên cơ sở này, đơn vị có trách nhiệm tại địa phương là Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện sẽ cung ứng vắc-xin từ nguồn dự phòng 10% và tiến hành tiêm cho bà con. Tuy nhiên, thực tế người dân vẫn có tâm lý chờ đợi chính quyền địa phương triển khai tiêm phòng chính vụ để không phải chi trả tiền vắc-xin và công tiêm bổ sung, nên không phối hợp thực hiện.
Được biết, theo quy định phân cấp của tỉnh, các địa phương có nhiệm vụ triển khai tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm cho đàn gia cầm nuôi tại địa phương 2 đợt/năm, đợt 1 vào tháng 3-4 và đợt 2 vào tháng 9-10, đây là thời điểm thích hợp để phòng bệnh cho 2 vụ nuôi chính. Bên cạnh đó, các địa phương cũng phải duy trì dự trữ lượng vắc-xin dự phòng 10% theo kế hoạch tỉnh giao để phục vụ cho việc tiêm phòng bao vây dập dịch khi có các ổ dịch xảy ra tại địa phương; đảm bảo có nguồn vắc-xin cung ứng dịch vụ cho các hộ chăn nuôi có nhu cầu để tiêm phòng bổ sung đối với đàn gia súc, gia cầm mới sinh hoặc nuôi mới (tái đàn).
Tuy nhiên, qua kiểm tra gần đây của cơ quan chức năng cho thấy một số địa phương chưa thực sự chú trọng dự trữ đủ lượng vắc-xin dự phòng theo yêu cầu của tỉnh, khi có ổ dịch xảy ra mới mua vắc-xin để tiêm bao vây dập dịch. Hoặc có địa phương dự phòng vắc-xin nhưng chưa thông tin đầy đủ về yêu cầu tiêm phòng bổ sung để phòng dịch, giá vắc-xin, công tiêm và nơi cung cấp vắc-xin... cho hộ chăn nuôi biết để phối hợp khi người dân có nhu cầu. Chính bởi vậy xảy ra tình trạng có địa phương thiếu cục bộ hoặc không kịp thời cung ứng nguồn vắc-xin để người dân tiêm đúng, đủ số lượng thực tế tổng đàn gia cầm.
Cơ quan chức năng tiêu hủy gà bị bệnh cúm gia cầm. |
Một tồn tại khác trong công tác tiêm phòng trên đàn gia cầm hiện nay là các địa phương dường như chưa chú trọng việc rà soát, nắm bắt biến động tổng đàn và tiêm phòng bổ sung cho gia cầm mới sinh hoặc nuôi mới sau các đợt tiêm phòng chính vụ để khép kín miễn dịch cho quần thể vật nuôi theo yêu cầu phòng dịch của tỉnh. Công tác tuyên truyền và tổ chức cho các hộ chăn nuôi chủ động khai báo số lượng, đăng ký tiêm phòng và cam kết thực hiện tiêm phòng các loại vắc-xin phòng bệnh nguy hiểm theo quy định của pháp luật; việc hướng dẫn các hộ chăn nuôi liên hệ và đặt mua vắc-xin tiêm phòng tại địa chỉ chính thống của Nhà nước cũng chưa được triển khai triệt để.
Có thể thấy, những tồn tại trong công tác dự phòng vắc-xin phòng bệnh cúm trên đàn gia cầm cũng như cập nhật số lượng tổng đàn phát sinh tại các địa phương như hiện nay cần phải được khắc phục, từ đó mới nâng cao hiệu quả chương trình tiêm phòng trên đàn vật nuôi nói chung, tổng đàn gia cầm nói riêng.
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()