Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:40 (GMT +7)
"Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đúng lịch, đủ liều để bảo vệ bản thân trước các biến thể của Omicron"
Thứ 2, 11/07/2022 | 09:32:46 [GMT +7] A A
Số ca mắc Covid-19 hiện đã giảm. Tuy nhiên, dịch bệnh chưa phải đã chấm dứt hoàn toàn, các biến chủng của virus SARS-CoV-2 vẫn đang biến đổi khó lường, người dân nên tiếp tục tiêm vắc-xin để không mất cơ hội được bảo vệ liên tục. Liên quan đến công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã phỏng vấn ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Y tế (ảnh).
- Quảng Ninh đang triển khai tiêm mũi 4 vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân, ông có thể cho biết kết quả đến nay?
+ Thực hiện chỉ đạo của BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh và hướng dẫn của Bộ Y tế (Công văn số 2357/BYT-DP ngày 9/5/2022), UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 150/KH-UBND về triển khai tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 mũi 4 (liều nhắc lại lần 2) trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đối tượng tiêm chủng mũi 4 trước mắt ưu tiên cho những người bị suy giảm miễn dịch, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, doanh nghiệp, lực lượng tuyến đầu chống dịch và người từ 50 tuổi trở lên. Dự kiến có trên 368.000 người trên địa bàn tỉnh thuộc đối tượng tiêm đợt này.
Để thực hiện thành công chiến dịch tiêm mũi 4, Sở Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn tỉnh triển khai kế hoạch, tập huấn hướng dẫn lại về chuyên môn, kỹ thuật. Đồng thời ban hành các văn bản để hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật; điều phối nhân lực, phương tiện cho các địa phương, đơn vị. Công tác truyền thông, chuẩn bị các điều kiện tiêm; nắm đối tượng và phương án cập nhật dữ liệu tiêm chủng ngay tại điểm tiêm được triển khai đồng bộ.
Đến thời điểm này đã có trên 272.000 người thuộc đối tượng quy định đã được tiêm mũi 4, đạt 74% tổng số đối tượng, đạt 100% tiến độ trong tháng 6/2022; 96.000 người còn lại sẽ được tiêm chủng trong tháng 7/2022.
BCĐ tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 tỉnh đề xuất BCĐ quốc gia cho phép Quảng Ninh mở rộng đối tượng tiêm mũi 4 đối với người từ 18 tuổi trở lên cư trú tại các địa bàn biên giới (Móng Cái, Hải Hà, Bình Liêu), người làm việc trong lĩnh vực có tiếp xúc nhiều và cung cấp dịch vụ xã hội thiết yếu (giáo dục đào tạo, giao thông vận tải, thương mại, du lịch…), nhằm đảm bảo tỷ lệ bao phủ vắc-xin, tạo miễn dịch bền vững phòng dịch Covid-19 cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Ngày 23/6/2022, Bộ Y tế có hướng dẫn mới về mở rộng đối tượng tiêm chủng mũi 4. Như vậy, đối tượng tiêm chủng mũi 4 của Quảng Ninh sẽ có khoảng 740.000 người. Với việc mở rộng đối tượng, tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch, xin cấp vắc-xin để tiêm mũi 4 cho các đối tượng.
- Vắc-xin đang sử dụng có hiệu quả chống lại các biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron vừa xâm nhập vào Việt Nam, thưa ông?
+ Thực tế trong 2 năm rưỡi phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đã khẳng định rất rõ vai trò và hiệu quả của vắc-xin. Các con số thống kê sơ bộ cho thấy sự khác biệt rất có ý nghĩa về giảm các ca diễn biến nặng và tử vong do Covid-19 ở những người được tiêm đủ liều cơ bản vắc-xin. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các chuyên gia về y tế dự phòng của Việt Nam thì miễn dịch chủ động được tạo ra khi tiêm phòng vắc-xin có hiệu quả tích cực cả với các biến chủng mới, kể cả với các biến thể của Omicron là BA.4, BA.5.
Tại Việt Nam nói chung, tỉnh Quảng Ninh nói riêng, các loại vắc-xin đang sử dụng cho người dân đều có hiệu quả đối với các biến thể BA.4, BA.5. Đấy chính là lý do mà Chính phủ Việt Nam, tỉnh Quảng Ninh vẫn khuyến cáo người dân tiêm các mũi vắc-xin phòng Covid-19 mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4), mũi tăng cường.
Theo thời gian, hiệu lực kháng thể phòng bệnh của vắc-xin sẽ giảm dần, làm giảm dần khả năng phòng bệnh cho mỗi cá thể và cộng đồng. Do vậy rất cần tiếp tục củng cố miễn dịch thông qua tiêm chủng các mũi tiêm nhắc lại.
Đặc biệt, những người suy giảm miễn dịch, người lớn tuổi còn giảm hơn nữa. Do đó, những đối tượng này cần phải tiêm nhắc lại đúng lịch, đúng liều là rất quan trọng để duy trì miễn dịch, tránh dịch xâm nhập.
- Ông cho biết, công tác tiêm chủng hiện gặp những khó khăn gì?
+ Khi xã hội trở lại trạng thái bình thường, trong một bộ phận người dân đã xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là trong việc tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch; không tích cực, trì hoãn, không tham gia tiêm chủng và không đưa con cháu thuộc đối tượng tiêm đi tiêm chủng. Đây chính là những khó khăn, vì nó có thể tạo ra những “khoảng trống miễn dịch” rất nguy hiểm và nguy cơ rất cao có thể tái xảy ra các “làn sóng dịch” trước những diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19 cũng như các loại dịch bệnh mới nổi, tái nổi trên thế giới và trong khu vực.
Do vậy, để chủ động phòng, chống dịch bệnh cho mỗi người, mỗi gia đình và cả cộng đồng, bên cạnh việc tự giác và thường xuyên tuân thủ các biện pháp vệ sinh phòng dịch, giữ thói quen rất tốt được hình thành trong “trạng thái bình thường mới”, như mang khẩu trang, hạn chế nói to khi đến nơi công cộng, đông người; khử khuẩn cơ thể trước khi vào nhà…, thì cần tự giác, tích cực tham gia tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ cho bản thân, động viên người thân trong gia đình đi tiêm. Tiêm chủng vẫn sẽ là biện pháp phòng, chống dịch bệnh chủ động, an toàn và hiệu quả.
Đến ngày 7/7, tỉnh đã thực hiện 3.589.898 mũi tiêm (người trên 18 tuổi 3.227.238 mũi; trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi 249.037 mũi; trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi: 113.623 mũi). Độ bao phủ vắc-xin hiện nay của tỉnh: + Người lớn từ 18 tuổi trở lên: mũi 3 là 965.694 người (97,21%); mũi 4 là 272.001 người (73,81%). + Trẻ em từ 12-17 tuổi đủ 2 mũi là 123.972 người (98,64%). + Trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi: Mũi 1 là 74.937 người (41,36%); mũi 2 là 38.686 người (21,35%). |
- Trân trọng cảm ơn ông!
Nguyễn Hoa (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()