Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 22:21 (GMT +7)
Tiền đái tháo đường là gì, dùng thuốc nào để phòng ngừa bệnh tiến triển?
Thứ 4, 15/12/2021 | 17:10:13 [GMT +7] A A
Tiền đái tháo đường là tình trạng rối loạn dung nạp glucose, khiến chỉ số đường huyết tăng nhưng chưa được gọi là bệnh đái tháo đường. Nếu không được can thiệp và điều trị sớm, sẽ tiến triển thành đái tháo đường type 2, có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng.
Tiền đái tháo đường hay rối loạn dung nạp glucose là tên gọi của chứng đường glucose trong máu tăng cao hơn bình thường nhưng thấp hơn mức người mắc bệnh đái tháo đường.
Đây là sự kết hợp giữa rối loạn quá trình sản sinh insulin và giảm độ nhạy của insulin (kháng insulin). Những người có rối loạn dung nạp đường máu sẽ có nguy cơ cao mắc đái tháo đường cũng như các bệnh tim mạch (bệnh động mạch ngoại biên, đột quỵ…). Nếu được phát hiện và điều trị sớm có thể giúp ngăn cản hoặc làm chậm sự phát triển của bệnh đái tháo đường và tim mạch. Việc điều trị có hiệu quả nhất là thay đổi lối sống bao gồm cả ăn uống điều độ, giảm cân nếu đang thừa cân, và có chế độ hoạt động thể lực thích hợp.
2. Khi nào được gọi là tiền đái tháo đường?
Để chẩn đoán bệnh, có thể sử dụng xét nghiệm rối loạn dung nạp glucose và HbA1c. Cần làm xét nghiệm đường huyết lúc đói vào buổi sáng, sau một đêm không ăn và làm xét nghiệm lần nữa sau 2 giờ uống một dung dịch chứa đường glucose được sử dụng chuyên biệt cho nghiệm pháp dung nạp glucose. Ở người bình thường, đường huyết 2 giờ sau khi uống đường thường dưới 7.8mmol/L(140mg/dL).
Theo Tổ chức y tế Thế giới, một người có rối loạn dung nạp glucose là khi:
- Đường máu đói dưới 7mmol/L;
- Đường máu sau khi làm nghiệm pháp dung nạp đường huyết 2 giờ từ 7.8 mmol/L đến 11.1mmol/L
- Tổ chức Y tế Thế giới cũng khuyến cáo mức độ HbA1c từ 42 - 47mmol/mol (6.0-6.5%) chỉ ra một nguy cơ cao của bệnh đái tháo đường.
- Ngoài ra cũng cần biết đến tình trạng rối loạn đường máu đói. Tức là khi chỉ số đường máu từ 5.1 mmol/L - 7mmol/L sau một đêm nhịn ăn.
3. Yếu tố nguy cơ nào nào dẫn đến tiền đái tháo đường?
Các yếu tố làm tăng nguy cơ tiền đái tháo đường bao gồm:
- Người mắc bệnh thừa cân hoặc béo phì.
- Tiền sử gia đình (bố, mẹ, anh chị em) có người bị đái tháo đường.
- Người ít hoạt động thể lực.
- Có những yếu tố nguy cơ khác như tăng huyết áp hoặc rối loạn mỡ máu.
- Hội chứng buồng trứng đa nang và thừa cân ở phụ nữ.
- Đái tháo đường khi mang thai.
4. Biện pháp nào để điều trị, ngăn chặn bệnh tiến triển?
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy nếu tiền đái tháo đường được điều chỉnh có thể ngăn chặn quá trình tiến triển thành bệnh đái tháo đường. Ngoài ra điều trị sớm còn giúp ngăn ngừa sự phát triển của các biến cố tim mạch. Vì vậy, điều quan trọng là phải biết có mắc tiền đái tháo đường hay không và phương pháp điều trị thế nào nhằm giảm các biến cố bất lợi cho sức khỏe. Hiện nay có hai phương pháp điều trị được áp dụng, bao gồm thay đổi lối sống và phương pháp điều trị bằng thuốc.
4.1 Thay đổi lối sống
Đây là một bệnh do rối loạn chuyển hóa, nên trước khi dùng thuốc, cần can thiệp vào lối sống. Biện pháp này đã được chứng minh là hiệu quả nhất để ngăn chặn sự tiến triển của tiền đái tháo đường thành bệnh đái tháo đường. Cụ thể như sau:
- Thực hiện chế độ ăn uống cân bằng lành mạnh: Tùy vào chiều cao, cân nặng, giới tính, lứa tuổi mà nhu cầu dinh dưỡng của mỗi người khác nhau, nên chế độ ăn cũng khác nhau. Do đó không có một công thức chung về chế độ ăn uống cân bằng lành mạnh cho tất cả mọi người.
Với mỗi người cần tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để hiểu rõ làm thế nào để có một chế độ ăn uống lành mạnh. Nhưng về cơ bản, nên cố gắng ăn một chế độ ít chất béo, chất béo bão hòa, giảm muối, ăn giàu chất xơ, trái cây và rau quả.
- Giảm cân nếu đang thừa cân: Đặt mục tiêu cân nặng bình thường là không thực tế đối với nhiều người. Tuy nhiên, nếu đang thừa cân hoặc béo phì, việc giảm cân không chỉ giúp giảm mức đường trong máu mà còn có những lợi ích sức khỏe khác nữa.
Việc giảm cân phải thông qua chế độ ăn cùng với hoạt động thể lực thường xuyên. Cuối cùng mới là biện pháp dùng thuốc hoặc các biện pháp khác.
- Hoạt động thể chất: Nên hoạt động thể lực tối thiểu 30 phút/ngày, ít nhất 5 ngày một tuần.
Để việc luyện tập được thường xuyên và bền vững, mỗi người sẽ cần lựa chọn môn thể dục tùy theo thể trạng, sở thích của mình, không nhất thiết phải luyện tập giống người khác. Ví dụ mỗi người có thể chọn một trong (hoặc kết hợp) các hình thức: Đi bộ, bơi, đạp xe, chạy bộ, nhảy, tập gym, yoga… Lý tưởng nhất là nên thực hiện một hoạt động giúp tăng nhẹ nhịp thở và ra mồ hôi nhẹ.
Hoạt động thể chất thường xuyên cũng làm giảm nguy cơ bị các bệnh tim mạch hoặc đột quỵ. Luôn luôn nhớ tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi bắt đầu thực hiện hoạt động thể chất nếu đã không hoạt động trong một thời gian dài.
- Ngoài ra còn cần thay đổi những thói quen xấu khác, bao gồm:
- Ngừng hút thuốc lá.
- Hạn chế tối đa các đồ uống có cồn như rượu, bia.
Kiểm tra huyết áp thường xuyên. Nếu huyết áp cao thì phải điều trị để đảm bảo huyết áp luôn trong giới hạn bình thường. Nếu cholesterol cao thì phải được điều trị để mức cholesterol đạt giới hạn bình thường.
4.2 Phương pháp điều trị tiền đái tháo đường bằng thuốc
Đã có những thử nghiệm xem xét việc sử dụng các thuốc cho người bị rối loạn dung nạp glucose. Các điều trị này nhằm xem hiệu quả với việc giúp ngăn ngừa bệnh đái đường và bệnh tim mạch. Thuốc được thử nghiệm bao gồm metformin, acarbose, thuốc hạ huyết áp nhóm ức chế men chuyển và ức chế thụ thể angiotensin II.
- Metformin là thuốc được sử dụng trên lâm sàng từ khoảng 50 năm nay trong điều trị đái tháo đường type 2. Đây cũng là thuốc được lựa chọn đầu tiên đối với bệnh lý này.
Thuốc có tác dụng hạ đường huyết chủ yếu do làm giảm sản xuất glucose ở gan, giảm đề kháng insulin. Thuốc không gây hạ đường huyết và không gây tăng tân.
- Acarbose có tác dụng làm chậm sự hấp thu carbohydrate ở ruột. Thuốc được sử dụng đơn độc hoặc phối hợp với thuốc hạ đường huyết khác như sulfonylurea, metformin hoặc insulin 14 trong điều trị đái tháo đường type 2.
Thuốc được chứng minh là làm giảm nguy cơ bị các biến cố tim mạch nặng ở người có rối loạn dung nạp glucose và cả ở bệnh nhân đái tháo đường type 2. Thuốc được lựa chọn cho người có rối loạn dung nạp glucose nhằm ngăn ngừa tiến triển thành đái tháo đường type 2.
- Với người mắc rối loạn dung nạp glucose, người mắc đái tháo đường type 2 có tỉ lệ khá cao mắc kèm bệnh tăng huyết áp. Việc sử dụng các thuốc kiểm soát huyết áp cũng như kiểm soát đường huyết là rất quan trọng. Sử dụng thuốc hạ huyết áp nhằm giúp giảm tổn thương các mạch máu; làm chậm tiến triển của bệnh đái tháo đường/tăng huyết áp cũng như biến chứng do bệnh gây ra.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()