Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 26/11/2024 03:06 (GMT +7)
Phòng các biến chứng cấp tính của bệnh đái tháo đường
Thứ 4, 10/11/2021 | 16:13:19 [GMT +7] A A
Biến chứng bệnh đái tháo đường xuất hiện sớm hay muộn ngoài nguyên nhân quản lý bệnh tốt hay xấu, còn phụ thuộc vào type mắc bệnh.
Biến chứng của bệnh đái tháo đường là không thể tránh khỏi đối với bệnh nhân đái tháo đường. Tuy nhiên, người bệnh có thể làm chậm tiến triển của các biến chứng và hạn chế mức độ biến chứng bằng cách quản lý tốt bệnh đái tháo đường.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, đái tháo đường type 1 là đái tháo đường lệ thuộc insulin (hay gặp ở người trẻ tuổi), xảy ra do tế bào beta của tuyến tụy không tổng hợp và tiết đủ insulin, lượng insulin quá ít không thể điều hòa được lượng glucose trong máu. Đái tháo đường type 1 là một bệnh thể nặng, thường xuất hiện đột ngột, diễn biến cấp tính, hay gặp sau khi nhiễm khuẩn hoặc nhiễm độc, có thể dẫn đến hôn mê. Những người mắc bệnh đái tháo đường type 1 cần dùng insulin mỗi ngày.
Bệnh đái tháo đường type 2 hay gặp ở người cao tuổi, người béo phì. Đái tháo đường type 2 còn được gọi là đái tháo đường không phụ thuộc insulin. Đái tháo đường type 2 phổ biến hơn type 1.
Theo bác sĩ Nguyễn Lê Kim Huệ - Phụ trách khoa Phòng chống bệnh không lây nhiễm, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, có hai loại biến chứng của bệnh đái tháo đường đó là biến chứng cấp tính và mạn tính. Biến chứng cấp tính là những biến chứng xảy ra đột ngột, diễn biến nhanh, triệu chứng lâm sàng đa dạng và phong phú. Những biến chứng này đe dọa đến tính mạng của người bệnh nếu không được cấp cứu kịp thời như hạ đường máu, nhiễm toan ceton và hôn mê nhiễm toan ceton, hôn mê tăng áp lực thẩm thấu.
Hạ đường máu là biến chứng hay gặp nhất do người bệnh thực hiện chế độ ăn quá khắt khen hoặc do dùng thuốc quá liều. Hôn mê hạ đường máu có thể xảy ra với người bệnh điều trị ngoại trú hoặc ngay khi đang nằm điều trị trong bệnh viện.
Bộ Y tế khuyến cáo, để phòng tránh hạ đường máu, người bệnh cần thực hiện đúng các chỉ định điều trị của thầy thuốc, thực hiện chế độ sinh hoạt hợp lý. Tránh thay đổi đột ngột trong sử dụng thuốc, trong thực hiện chế độ ăn uống và luyện tập. Đặc biệt là duy trì các bữa ăn phụ, ngay cả khi không có cảm giác thèm ăn.
Không nên để triệu chứng hạ đường máu xuất hiện, nếu thấy có triệu chứng báo trước như cồn cào, vã mồ hôi… nên uống nước có pha đường, sau đó ăn thêm bữa phụ. Không nên quá sợ hãi về nguy cơ hạ đường máu, có người quá sợ hãi nên ăn nhiều gây tăng cân.
Những người trên 45 tuổi, người được lập vào nhóm có yếu tố nguy cơ, phải thường xuyên kiểm tra sức khỏe 3-6 tháng /1 lần. Tùy từng trường hợp cụ thể bác sĩ sẽ cho chỉ định làm nghiệm pháp tăng đường máu… để có chẩn đoán điều trị sớm.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()