Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 06/11/2024 06:20 (GMT +7)
Tiến độ tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em ở châu Âu chậm chạp
Thứ 5, 17/02/2022 | 08:58:26 [GMT +7] A A
Nhiều quốc gia châu Âu đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em 5-11 tuổi từ tháng 12/2021, tuy nhiên tiến độ vẫn còn chậm chạp.
Theo trang The Guardian (Anh), là một trong những nước đầu tiên phê duyệt vaccine COVID-19 cho người trưởng thành, song Anh đã thụt lùi trong chương trình tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Nhìn chung, tốc độ tiêm chủng cho nhóm tuổi này ở Anh chậm hơn so với một số quốc gia khác trong khu vực. Cho đến nay, Anh chỉ mới tiêm cho trẻ nhỏ dễ bị tổn thương.
Giới chức cho rằng sự do dự của phụ huynh và một số bác sĩ, cũng như thông điệp hỗn loạn từ các chuyên gia đã khiến việc triển khai chương trình tiêm chủng trở nên chậm chạp. Trước tình hình này, bà Maggie Throup, Bộ trưởng Vấn đề Vaccine của Anh, đã trấn an rằng: “Các bậc cha mẹ và người giám hộ có thể yên tâm rằng sẽ không có loại vaccine nào được phê duyệt cho trẻ em trừ khi chúng đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn, chất lượng và hiệu quả”.
Trái ngược với Anh, Tây Ban Nha là một trong những quốc gia có chiến dịch tiêm chủng thành công nhất trong khu vực. Gần 91% trẻ em trên 12 tuổi ở nước này đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, cao hơn mức trung bình của toàn châu Âu là 71,7% và 71,4% ở Anh. Tây Ban Nha cũng đã tiêm mũi vaccine đầu tiên cho 56,3% trẻ em từ 5 đến 11 tuổi và đang triển khai tiêm mũi thứ 2.
Song các chuyên gia lưu ý rằng tốc độ tiêm chủng này vẫn chậm hơn so với chương trình tiêm chủng dành cho người lớn. Trong tuần qua, trung bình khoàng 3.000 trẻ đã được tiêm chủng mỗi ngày.
Ông Amós García, quan chức tại Hiệp hội Tiêm chủng Tây Ban Nha, cho biết: “Không thể phủ nhận rằng mọi người đã trở nên mệt mỏi với đại dịch. Nhiều bậc cha mẹ vẫn hoài nghi vaccine do những thông điệp trái ngược nhau từ một số chuyên gia và nhận thức rằng trẻ em và thanh niên có rủi ro thấp hơn đối với COVID-19”.
Đan Mạch đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine cho khoảng 47% trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Các quốc gia khác đang có tiến độ chậm hơn. Italy mới có 22% trẻ từ 5 đến 11 tuổi được tiêm vaccine, trong khi nhóm 12 đến 19 tuổi có tỷ lệ tiêm chủng đạt trên 80%.
Ông Roberto Burioni, Giáo sư vi sinh vật học và virus học tại Đại học Vita-Salute San Raffaele ở Milan, cho biết điều quan trọng là các cơ quan y tế phải tiếp tục thúc đẩy tỷ lệ tiêm chủng cao hơn ở trẻ em để ngăn virus lây lan.
Cơ quan quản lý tiêm chủng của Đức đã khuyến cáo tiêm vaccine COVID-19 cho tất cả trẻ em từ 12 đến 17 tuổi, và trên 60% trong số đó đã được tiêm chủng đầy đủ. Tuy nhiên, đối với nhóm 5 đến 11 tuổi, giới chức khuyến nghị chỉ nên tiêm vaccine cho những trẻ có tình trạng sức khỏe tiềm ẩn. Trẻ nhỏ không có bệnh lý có thể được tiêm chủng nếu phụ huynh có nhu cầu, nhưng không có khuyến cáo rõ ràng. Trong số 5,3 triệu trẻ em từ 5 đến 11 tuổi ở Đức, chỉ 13,6% được tiêm ít nhất một mũi vaccine cho đến nay.
Pháp cũng nằm trong số các quốc gia hàng đầu của Liên minh châu Âu về tiêm chủng cho người lớn và thanh thiếu niên, với trên 77% tổng dân số đã tiêm 2 mũi. Tuy nhiên, tiến độ tiêm chủng cho nhóm trẻ nhỏ hơn còn chậm chạp, khi chưa đến 5% đã tiêm mũi đầu tiên.
Trước tình trạng này, trong một cuộc họp video với các bác sĩ gia đình và bác sĩ nhi khoa, Bộ trưởng Y tế Olivier Véran khẳng định: “Ích lợi tiêm chủng cho trẻ em là rất lớn”. Giới chuyên gia chỉ ra lý do khiến nhiều bậc cha mẹ vẫn lưỡng lự tiêm chủng cho con mình. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy có tới 60% phụ huynh có con từ 5 đến 11 tuổi không muốn tiêm chủng cho trẻ. Nguyên nhân là do ở những làn sóng dịch trước đó, họ nhận thấy trẻ em không có nguy cơ nghiêm trọng khi mắc bệnh và khả năng lây lan virus thấp.
Tuy nhiên, trong suốt làn sóng dịch bệnh kép gần đây - do biến thể Delta và Omicron gây ra - trẻ em là nhóm tuổi mắc bệnh nhiều nhất và trường học là nguồn lây nhiễm lớn nhất ở Pháp. Trên 7% trong số trẻ từ 6 đến 10 tuổi tại nước này đã mắc COVID-19 hàng tuần trong tháng 1 và đầu tháng 2. Trong đó, trên 100 trẻ em từ dưới 9 tuổi phải chăm sóc tích cực.
Bác sĩ nhi khoa Sydney Sebban cho rằng: “Chúng ta cần khẩn trương xem xét lại thông điệp tiêm chủng cho trẻ em. Hãy thuyết phục các bậc cha mẹ rằng Omicron hoàn toàn không phải là biến thể có thể xem nhẹ. Trẻ em không được tiêm chủng có thể phát triển bệnh rất nặng, và ngay cả khi chúng đã mắc COVID-19, tiêm phòng sẽ bảo vệ chúng lâu dài hơn trước một biến thể mới trong tương lai.”
Tuy nhiên, một số nước châu Âu vẫn quyết định không tiêm chủng cho nhóm trẻ này. Cơ quan y tế của Thụy Điển vào cuối tháng trước đã thông báo rằng họ sẽ không khuyến nghị tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi. Tuy nhiên, trẻ em có nguy cơ cao vẫn nên tiêm chủng.
Số trẻ em nhiễm COVID-19 ngày một tăng khi biến thể Omicron lây lan mạnh trên toàn cầu. Thực tế này cho thấy vaccine chưa bao phủ rộng đối với trẻ em. Đây là động lực để chính quyền nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đẩy mạnh nỗ lực tiêm chủng đối với trẻ nhỏ, nhất là trẻ từ 5-11 tuổi, sau khi chiến dịch tiêm chủng đã được mở rộng đối với trẻ vị thành niên từ 12-17 tuổi.
Theo baotintuc.vn
- COVID-19 tới 6 giờ sáng 12/2: Thế giới gần 10.000 ca tử vong mới; Nhiều nước châu Âu bỏ hạn chế phòng dịch
- Cơ hội hiếm có để chấm dứt đại dịch Covid-19 ở châu Âu
- Mỹ triển khai hơn 3.000 quân đến châu Âu
- Nối lại bay châu Âu-Việt Nam sau gần 2 năm gián đoạn vì COVID-19
- WHO dự đoán Omicron là sự kết thúc 'hợp lý' cho đại dịch ở châu Âu
Liên kết website
Ý kiến ()