Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 06:03 (GMT +7)
Tiền thưởng cuối năm!
Chủ nhật, 18/01/2009 | 11:01:59 [GMT +7] A A
Cũng là người lao động được thụ hưởng tháng lương thứ 13, nhưng người thì được lĩnh số tiền "thưởng" gấp 20-30 lần một tháng lương, người thì được xấp xỉ một tháng lương, người thì bằng 5-10 lần một ngày lương.
Theo dõi thông tin về tiền thưởng được công bố hàng ngày trên các báo chí, thấy cứ rối lên, chẳng biết đúng sai, thực hư thế nào. Cái rối đó không chỉ là nhìn vào mặt bằng tiền thưởng cho công nhân, lao động vì nó giống như ma trận, móc xuôi, móc ngược đan chéo chằng chịt với nhau, không còn nhận ra DN nào là chấp hành đúng chính sách chế độ, DN nào không?
Cũng là người lao động được thụ hưởng tháng lương thứ 13, nhưng người thì được lĩnh số tiền "thưởng" gấp 20-30 lần một tháng lương, người thì được xấp xỉ một tháng lương, người thì bằng 5-10 lần một ngày lương. Thậm chí không ít công nhân, viên chức lao động giống như các năm trước, chưa được cầm đồng tiền thưởng bao giờ!
Đành rằng theo quy luật phân phối lao động, nhất là trong cơ chế thị trường, làm nhiều được hưởng nhiều, không làm không hưởng, trừ người mất khả năng lao động và thuộc chính sách xã hội. Nhưng điều tù mù khó hiểu ở đây là "tiền thưởng" bằng 20-30 lần một tháng lương thì có đúng với tiền thưởng "tháng 13" là một tháng lương không? Hay có DN lại dùng "tiền thưởng" quá lớn để "giải ngân" khoản nào đó?
Tuy nhiên, điều cần nói là người lao động trực tiếp lại ít được thưởng lớn như vậy. Thực trạng như trên không những làm cho những người không được thưởng hoặc được thưởng tượng trưng (đối tượng này chiếm số đông) "tủi thân".
Đừng quên rằng không ít doanh nghiệp, ngành nghề được ưu ái từ chính sách của Nhà nước. Vì vậy, đã đến lúc đặt ra cho ngành lao động - xã hội và tổ chức công đoàn phải có cách gì để không còn tái diễn tình trạng thưởng bất bình đẳng trong những năm tiếp theo.
Phải chăng, nên đưa lợi nhuận của hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và tăng năng suất của người lao động hằng tháng được tính luôn vào tiền lương, chỉ để lại một tỉ lệ nhất định dùng cho tháng lương thứ 13.
Làm được như vậy sẽ là động lực kích thích kịp thời người lao động, vì ngay cả ai đó cuối năm không còn là người của doanh nghiệp nữa thì cũng không bị thiệt thòi, không bị người khác tiếm tiền thưởng của mình; đồng thời ngăn ngừa được hành vi "rửa tiền" của doanh nghiệp.
Liên kết website
Ý kiến ()