Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 15/11/2024 11:19 (GMT +7)
Tiên Yên: Phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng bền vững
Thứ 2, 25/04/2022 | 14:25:49 [GMT +7] A A
Nhằm định vị lại nhu cầu thị trường, mở rộng vùng chuyên canh tập trung quy mô lớn, Tiên Yên đang triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển sản phẩm OCOP và du lịch sinh thái - văn hoá. Đến nay, nhiều mô hình sản xuất tập trung là thế mạnh của địa phương đã được nhân rộng, tạo bước phát triển về quy mô, chất lượng và thương hiệu ngày càng được khẳng định.
Trước đây, xã Đại Dực (huyện Tiên Yên) chủ yếu tập trung trồng cây keo, nhưng vài năm gần đây được chính quyền xã vận động, nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng keo sang trồng quế. Chu kỳ trồng cây quế mất khoảng 10 năm (thời gian thu hoạch gấp đôi so với cây keo) nhưng nhiều hộ dân xã Đại Dực vẫn quyết định lựa chọn bởi giá trị kinh tế từ mô hình trồng quế cao gấp 7-10 lần so với trồng keo. Đến nay, diện tích trồng quế cả xã đạt gần 700ha với hơn 630 hộ dân tham gia trồng. Đây là địa phương có diện tích trồng quế lớn nhất huyện Tiên Yên.
Nhờ chuyển đổi đúng hướng, đến thời điểm này, mô hình trồng quế đang giúp nhiều hộ dân trong xã có việc làm, tăng thu nhập, phát triển lâm nghiệp ngày càng bền vững. Nhiều hộ trồng quế trong xã đã biết cách liên kết phát triển sản xuất thành lập các tổ chế biến, thu mua lâm sản quế tập trung. Sản phẩm quế thu hoạch đến đâu được thương lái thu mua đến đó. Giá trị kinh tế từ mô hình trồng quế đạt 600-700 triệu đồng/ha. Thời gian tới, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gắn với liên kết sản xuất, xã sẽ tiếp tục vận động các hộ dân nhân rộng diện tích trồng quế và hướng tới chế biến sâu sản phẩm từ quế.
Nhằm phát huy thế mạnh của địa phương cũng như nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp thời gian qua, huyện Tiên Yên đã chú trọng phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Đáng chú ý, ngày 22/11/2021, tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển sản phẩm OCOP và du lịch sinh thái - văn hóa huyện Tiên Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng năm 2030.
Triển khai Đề án này, huyện Tiên Yên xác định chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng tăng giá trị sản xuất. Trong đó, chọn 3 mô hình gồm: Gà Tiên Yên, tôm công nghiệp và mô hình cây dược liệu là sản phẩm chủ lực của địa phương. Huyện đặt mục tiêu giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng bình quân 9%/năm. Riêng năm 2022, giá trị sản xuất ngành nông, lâm, ngư nghiệp đạt hơn 1.100 tỷ đồng.
Đồng chí Đỗ Thị Duyên, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tiên Yên, cho biết: Để đạt mục tiêu này, giai đoạn 2021-2025, huyện Tiên Yên sẽ huy động hơn 35 tỷ đồng chi cho phát triển nông nghiệp, khoa học công nghệ. Trong đó, riêng năm 2022, huyện sẽ hỗ trợ 4,3 tỷ đồng cho các mô hình phát triển sản xuất. Từ nay đến cuối năm 2022, huyện sẽ triển khai Đề án phát triển vùng trồng cây ăn quả tập trung; xây dựng công thức thức ăn cho gà Tiên Yên phù hợp, dễ áp dụng; phát triển vùng trồng quế hữu cơ theo hướng liên kết sản xuất tại xã Đại Dực và Đông Ngũ, quy mô 200ha/năm; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào mô hình nuôi lợn công nghệ cao, nuôi tôm công nghệ cao, chế biến sản phẩm gà Tiên Yên… Đồng thời huyện tiếp tục rà soát, phát triển thêm các sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị với sự tham gia của doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác.
Hiện nay, tất cả mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất năm 2022 theo Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển sản phẩm OCOP và du lịch sinh thái - văn hóa đang được huyện Tiên Yên chuẩn bị kỹ lưỡng. Các mô hình này khi được triển khai hứa hẹn sẽ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, hướng đến phát triển nền nông nghiệp bền vững.
Phạm Tăng
Liên kết website
Ý kiến ()