Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 19:54 (GMT +7)
Tiên Yên: Một miền trầm tích văn hoá
Thứ 5, 19/01/2023 | 14:55:46 [GMT +7] A A
Nằm giữa trung tâm cửa ngõ miền Đông Quảng Ninh, giao điểm của các Quốc lộ 18A, 18C nối liền Hạ Long với Cửa khẩu Móng Cái, Cửa khẩu hoành Mô và Quốc lộ 4B đi Lạng Sơn, từ lâu, Tiên Yên đã được gọi là vùng đất ngã ba sông với truyền thống lịch sử lâu đời còn ẩn chứa nhiều trầm tích văn hóa.
Trước hết phải kể đến thị trấn Tiên Yên, trung tâm huyện lỵ. Đó là một thị trấn cổ kính xinh đẹp bên dòng sông Tiên Yên thanh bình thơ mộng mà điểm nhấn là những dãy phố cổ mái ngói âm dương đã sạm mầu và mai một theo thời gian. Những người đã từng sống, gắn bó hoặc chỉ đôi lần đến Tiên Yên đều có chung cảm nhận: “Tiên Yên là cổ trấn vùng Đông Bắc”.
Nằm giữa hai dãy núi phía đông và phía tây, thị trấn Tiên Yên là thung lũng được tạo nên bởi hai chi lưu sông Tiên Yên. Một dòng chảy từ dãy Thập Vạn Đại Sơn (Trung Quốc) và từ Cao Ba Lanh (Bình Liêu) về. Một dòng chảy từ rừng núi phía Đông Bắc huyện Đình Lập (Lạng Sơn) về gọi là sông Phố Cũ. Hai dòng này hợp thành sông Tiên Yên chảy vào vụng Vạn Hoa Yên. Đối diện với thị trấn Tiên Yên là cánh đồng bằng Đồng Châu (xã Tiên Lãng) chạy dài ra biển trên 6km do sông Tiên Yên tạo nên.
Sông Tiên Yên như một dải lụa xanh mềm mại duyên dáng uốn lượn quanh co qua những cánh rừng đại ngàn, những bản làng vùng cao mịt mù khói toả. Hiếm có dòng sông nào ở Quảng Ninh lại mang nhiều màu sắc như sông Tiên Yên. Sông chảy qua bao nhiêu bản làng là bấy nhiêu bản sắc văn hoá dân tộc của các vùng miền. Một trong những nét chấm phá đã góp phần tô điểm cho các sắc màu ấy là đôi bờ sông Tiên Yên với những cái tên mang dấu ấn lịch sử như: Bến Châu, Cồn Chìm, Thác Đón...
Tiên Yên nằm trong vùng văn hóa Hạ Long, là một điểm cư trú rất sớm của người Việt cổ. Một số di tích khảo cổ của vùng đất này đã chứng tỏ điều đó. Những điểm quần cư của người Việt ở Tiên Yên là vùng đồng bằng ven biển như: Phố Cũ, Mũi Chùa, Tiên Lãng, Đông Ngũ, Đông Hải, Hải Lạng...
Theo Lịch sử Đảng bộ huyện thì Tiên Yên là vùng đất có lịch sử hình thành từ lâu đời. Những di chỉ khảo cổ học được tìm thấy ở Hòn Ngò, thôn Hà Tràng Đông, xã Đông Hải cho thấy con người đã cư trú ở đây vào thời kỳ đồ đá mới, cách đây từ hơn 6000 năm trước. Đôi lần theo chân các văn nghệ sĩ đi thực tế sáng tác khám phá Hòn Ngò, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước hình thù kỳ lạ của những khối đá nhô lên từ mặt biển. Với cái nhìn tinh tế của một nhà văn kiêm nhiếp ảnh gia, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Đức Chính đã gọi “Hòn Ngò - Một miền cổ tích, như một bảo tàng khổng lồ đang hé mở”. Trong con mắt của ông, những vỉa đá như những ngón tay rồng sắc nhọn đang bám chặt vào mặt đất, có khối đá như hình đầu con rồng đang nhìn về đất liền, những chú sư tử, khỉ, voi, rùa bằng đá, những vết lõm hằn trên đá trông như dấu chân của loài khủng long thời tiền sử và trên nhiều phiến đá vẫn còn dấu hóa thạch của các loài sinh vật biển. Giờ đây, Hòn Ngò đã trở thành một điểm du lịch văn hóa lịch sử hấp dẫn đang được nhiều du khách đến trải nghiệm khám phá.
Ngoài di chỉ Hòn Ngò, ở Tiên Yên còn phát hiện các di tích Hòn Cây Tâm, Hòn Kênh Lợn, Hòn Cái Đá, Mom Hậu Khánh, Mom Hội Phố (xã Đông Hải). Một số di tích tiền sử được coi là từ thời kỳ đồ đá mới như các công cụ bằng đá tại di tích Cống To, Mũi Chùa thuộc xã Tiên Lãng.
Nói về các di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh, so với nhiều địa phương trong tỉnh, Tiên Yên không có nhiều kiến trúc cổ. Các đình chùa, lăng miếu không lớn, phong cách kiến trúc mang dáng dấp thời Nguyễn. Trong các công trình kiến trúc cổ có đình Hàng Châu ở phố Đông Tiến, thị trấn Tiên Yên xưa kia là ngôi đình chung của cả châu Tiên Yên. Đình Hà Tràng (xã Đông Hải), đình Đồng Đình (xã Phong Dụ). Trải qua những thăng trầm lịch sử, theo thời gian, nhiều công trình kiến trúc không còn giữ được hiện trạng ban đầu hoặc đã bị tàn phá. Thời gian gần đây, chính quyền và nhân dân các dân tộc Tiên Yên đang cố gắng bảo tồn phục dựng và gìn giữ những giá trị quan trọng của một số công trình.
Cách thị trấn Tiên Yên chừng 7 cây số về phía Tây hướng đi Hạ Long có đền thờ Đức ông Hoàng Cần thuộc thôn Hà Dong Nam, xã Hải Lạng là địa chỉ văn hóa tâm linh của nhân dân địa phương và du khách gần xa. Theo sách Đại Nam Nhất thống chí và Đồng Khánh địa dư chí, Đức ông Hoàng Cần là người địa phương có công dẹp giặc, giữ yên vùng đất biên cương của Tổ quốc. Ông được triều đình nhà Trần phong tặng chức Khâm sai Đông Đạo Tiết chế. Sau đến triều Nguyễn ông được phong tặng Khâm sai Thái bảo Xuyên Quốc công Tôn thần và Bản cảnh Linh phù chi thần. Nhân dân địa phương kính trọng gọi ông là Đại Vương và lập đền thờ. Đền được khởi dựng vào đầu thời Nguyễn, lúc đầu chỉ là một am thờ nhỏ gọi là miếu Đại Vương, đến cuối thế kỷ XIX đền được xây bằng gạch và lợp ngói âm dương. Đền quay hướng Đông Nam, có 3 gian. Năm 2012, nhân dân trong xã và các nhà hảo tâm đã đóng góp công sức tiền của tôn tạo lại ngôi đền khang trang như hiện nay.
Bên cạnh đền thờ Đức ông Hoàng Cần, một số đình chùa ở Tiên Yên cũng được phục dựng tôn tạo nâng cấp thành những địa điểm văn hóa tâm linh và tham quan du lịch. Đình Đồng Đình là ngôi đình cổ của người Tày ở xã Phong Dụ. Xã Đông Hải có đình Làng Nhội thờ thần Nông có từ thời nhà Trần. Xã Tiên Lãng có đình Đồng Châu, miếu Mũi Chùa mang dáng dấp ngôi chùa cổ vùng cửa biển giống như chùa Cái Bầu ở Vân Đồn. Thị trấn Tiên Yên có chùa Linh Quang trước đây gọi là chùa Tây Phương được khởi dựng vào những năm 30 của thế kỷ XX, đến năm 1995 được trùng tu. Xã Tiên Lãng có chùa An Long được khởi dựng vào giữa thế kỷ XV, nay là phế tích. Cổ vật còn lại ở ngôi chùa này là cối đá hình vỏ trấu, nên người dân còn gọi là “chùa vỏ trấu”.
Bên cạnh các di tích lịch sử, các đình, đền, chùa, Tiên Yên còn được thiên nhiên ban tặng nhiều danh thắng như cảng Mũi Chùa, mũi Lòng Vàng, rừng ngập mặn Đồng Rui... Thác Pạc Sủi ở xã Yên Than với cảnh vật vừa hoang sơ vừa hùng vĩ có 16 tầng thác gắn với phong cảnh rừng tự nhiên, hệ thống thực vật phong phú da dạng. Mỗi tầng thác có những vẻ đẹp khác nhau. Dưới 2-3 tầng thác có hồ nước nhỏ, trong xanh và không quá sâu, có thể nhìn thấu đáy. Hiện nay đường lên thác Pạc Sủi đã được cải tạo thuận tiện cho du khách đến trải nghiệm và nghỉ lại homestay do người dân tạo dựng. Dưới chân núi Pạc Sủi là những rừng quế nổi tiếng ở Khe Táu, xã Đông Ngũ - nơi định cư của đồng bào Dao. Qua dãy Pạc Sủi là thung lũng Đại Dực với những ruộng bậc thang và bản làng của đồng bào Sán Chỉ.
Tiên Yên có nhiều dân tộc cùng sinh sống: Kinh, Tày, Dao, Sán Dìu, Sán Chỉ, Hoa, Thái, Cao Lan... nên có một nền văn hóa nghệ thuật đa dạng đặc sắc. Đó là nền văn hóa đặc trưng của nền văn minh lúa nước của người Kinh và văn hóa giàu bản sắc của các dân tộc thiểu số. Người Tày định cư lâu đời với bản làng nhà sàn hai bên triền sông trong thung lũng Tiên Yên. Người Dao, Sán Chỉ, Sán Dìu, Hoa gắn với những ngôi nhà cổ xây bằng đá, ngói âm dương, trình tường. Văn hóa dân gian phổ biến của các dân tộc là lối hát đối giao duyên trong các dịp lễ, tết, hội hè như hát then của người Tày, Sán cố của người Dao, Soọng cô của người Sán Dìu, Soóng cọ của người Sán Chỉ, hát nhà tơ của người Kinh...
Vốn văn hóa dân gian mang nhiều sắc thái riêng của địa phương được duy trì phục dựng và thể hiện qua các lễ hội hàng năm như: Lễ cấp sắc, lễ cúng thành hoàng ở đình làng, lễ hội xuống đồng của người Tày, lễ đại phan của người Sán Dìu, lễ cấp sắc của đồng bào Dao, lễ hội văn hóa - thể thao với nhiều hoạt động như ném còn, đánh cầu, đánh gụ, đẩy gậy của người Sán Chỉ, lễ hội đua thuyền của người Kinh ở Đồng Rui, Tiên Lãng...
Tiên Yên còn có một số di tích chứa đựng những dấu ấn lịch sử, là không gian riêng về văn hóa đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh như: Di tích chiến thắng đường số 4, nơi diễn ra trận đánh tiêu diệt địch ngày 4/3/1949, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư khen. Di tích Khe Tù là nơi thực dân Pháp giam giữ các chiến sĩ cộng sản. Ngoài những buồng giam chúng còn xây dựng máy chém và hầm ngầm nhốt tù nhân mà chúng cho là cộng sản để chém đầu. Đỉnh núi Khe Giao ở xã Điền Xá là nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên - tiền thân của Đảng bộ huyện Tiên Yên vào ngày 22/10/1948.
Những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể còn lưu giữ được của vùng đất con người Tiên Yên - Những miền trầm tích nơi ngã ba sông mang giá trị rất to lớn, giúp các thế hệ người dân nơi đây càng hiểu rõ và sâu sắc hơn về lịch sử văn hóa quê hương mình.
Bút ký của Nguyễn Thị Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()