Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 18/11/2024 06:15 (GMT +7)
Hưởng ứng Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam Tiếp thêm niềm tin, nghị lực cho các nạn nhân da cam
Thứ 5, 10/08/2023 | 09:48:56 [GMT +7] A A
Chiến tranh đã qua đi gần nửa thế kỷ, nhưng rất nhiều người dân Việt Nam vẫn hằng ngày phải mang trong mình di họa của cuộc chiến ấy. Riêng tại Quảng Ninh hiện có trên 4.300 nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)/dioxin. Nhằm bù đắp phần nào những mất mát, xoa dịu nỗi đau cho các nạn nhân, tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đồng hành cùng nạn nhân CĐDC, hỗ trợ kịp thời cả về vật chất và tinh thần để các gia đình bị ảnh hưởng vươn lên ổn định cuộc sống.
Ông Đào Xuân Thịnh (SN 1950, khu 3, phường Bạch Đằng, TP Hạ Long) là nạn nhân bị phơi nhiễm CĐDC/dioxin. Ông từng tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ. Năm 1976 ông xuất ngũ trở về quê hương, mang trong mình nỗi đau dai dẳng mà chiến tranh đã đi qua để lại. Ông lập gia đình, sinh được 5 người con, nhưng hạnh phúc chưa được bao lâu thì 3 người con lần lượt mất, chỉ còn lại 2 người; đến thế hệ thứ 3, một người cháu của ông cũng bị bệnh thần kinh. Bản thân ông sức khỏe yếu, con, cháu bị bệnh, nên cuộc sống khó khăn. Vì vậy mà hơn 40 năm qua, gia đình ông Thịnh vẫn ở trong căn nhà cấp 4 xuống cấp, dột nát. Trước hoàn cảnh khó khăn đó, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh đã phối hợp với Hội Chữ thập đỏ, Hội Cựu chiến binh tỉnh vận động các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ 150 triệu đồng, giúp ông Thịnh xây nhà ở mới.
Ông Thịnh chia sẻ: "Từ chiến trường trở về, sức khỏe của tôi giảm sút nhiều, công việc không ổn định, con cháu đau yếu, nên tôi cũng không dám nghĩ tới việc xây nhà mới. Sau 40 năm, ước mơ được ở trong nhà mới của chúng tôi cuối cùng cũng đang thành hiện thực. Căn nhà được xây dựng kiên cố, có diện tích gần 80m2 sẽ được hoàn thành vào cuối tháng 8 này. Tôi thực sự cảm ơn các cấp, ngành, đơn vị, cùng anh em người thân đã giúp đỡ tôi xây dựng được ngôi nhà ở khang trang".
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện còn 4.378 trường hợp bị nhiễm CĐDC/dioxin; trong đó có 3.714 người trực tiếp tham gia kháng chiến, 664 trường hợp là con đẻ của người trực tiếp tham gia kháng chiến. Thấu hiểu những nỗi đau về thể xác và tinh thần mà những nạn nhân da cam và gia đình của họ phải chịu đựng, những năm qua cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể, các nhà hảo tâm cùng cả cộng đồng luôn quan tâm chia sẻ khó khăn, chăm lo, giúp đỡ các nạn nhân, giúp họ vững tin vươn lên trong cuộc sống.
Ông Lê Quang Đãng, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh, cho biết: Để huy động nguồn lực xã hội tham gia hỗ trợ, chăm sóc nạn nhân CĐDC, Hội đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh tuyên truyền, vận động ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân CĐDC, hướng vào những địa chỉ cần giúp đỡ, những khó khăn của nạn nhân, tạo điều kiện và động lực cho nạn nhân vươn lên trong cuộc sống. Cụ thể hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở; vay vốn phát triển kinh tế; trợ cấp nuôi dưỡng thường xuyên, hằng tháng cho một số nạn nhân có bệnh, tật đặc biệt nặng; tặng thẻ BHYT cho thân nhân của nạn nhân... Hằng năm Hội tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà; hội nghị động viên, biểu dương các nạn nhân và người nhà nạn nhân CĐDC/dioxin.
Từ năm 2018 đến nay, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành, cơ quan, đơn vị vận động xã hội hóa ủng hộ nạn nhân da cam được trên 27 tỷ đồng… Tại buổi phát động Tháng hành động vì nạn nhân da cam trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (cuối tháng 7/2023), các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm trong toàn tỉnh đã tham gia ủng hộ các nạn nhân CĐDC được trên 700 triệu đồng. Không những vậy, hơn 5 năm qua, trên 600 nạn nhân CĐDC đã được hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở mới; 523 nạn nhân được hỗ trợ vốn, công cụ, phương tiện sản xuất để phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống; 141 nạn nhân được hỗ trợ nuôi dưỡng hằng tháng; gần 1.500 lượt nạn nhân được hỗ trợ chăm sóc, khám chữa bệnh, giải độc tố, phục hồi chức năng.
Quan tâm chăm lo cho các nạn nhân CĐDC/dioxin là việc làm lâu dài, cần thiết, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân và cộng đồng xã hội cùng chung tay xoa dịu nỗi đau da cam. Từ đây góp phần tiếp thêm niềm tin, sức mạnh giúp các nạn nhân CĐDC vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống ổn định, hạnh phúc.
Trúc Linh
Liên kết website
Ý kiến ()