Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 17:21 (GMT +7)
Tiếp tục phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng NTM hiện đại, nông dân văn minh
Thứ 7, 13/01/2024 | 08:29:21 [GMT +7] A A
Năm 2024 được ngành NN&PTNT Quảng Ninh xác định là năm bứt phá. Đây là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và Nghị quyết số 300/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2021-2025). Ngay những ngày đầu, tháng đầu năm mới, các lĩnh vực sản xuất của ngành NN&PTNT đã có sự chuyển động khá khả quan.
Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Minh Sơn xung quanh chiến lược phát triển năm 2024 của ngành NN&PTNT Quảng Ninh.
- Xin ông cho biết về kịch bản tăng trưởng của ngành NN&PTNT trong năm 2024?
+ Ngành NN&PTNT Quảng Ninh đặt mục tiêu tỷ trọng cơ cấu ngành trong GRDP năm 2024 của tỉnh là 3-5%; tốc độ tăng trưởng GRDP toàn ngành khoảng 3-5% (dự kiến tăng 4,4%). Những chỉ tiêu cụ thể là: Tổng diện tích gieo trồng khoảng 61.270ha, sản lượng lương thực đạt 220.037 tấn; tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt 103.000 tấn; tổng sản lượng thủy sản đạt 187.700 tấn, trong đó nuôi trồng thủy sản đạt 111.000 tấn, khai thác đạt 76.700 tấn; trồng rừng tập trung đạt 13.250ha, bao gồm 1.260ha lim, giổi, lát; sản lượng khai thác gỗ đạt 846.658m3…
- Cơ sở nào để ngành đưa ra những chỉ tiêu như trên, thưa ông?
+ Năm 2024, chúng tôi có thuận lợi là trên đà tiếp nối thành công của 3 năm liên tiếp mức tăng trưởng ngành NN&PTNT đạt cao (năm 2021 đạt 5,72%, năm 2022 đạt 5,25%, năm 2023 đạt 4,43%). Năm 2023, toàn ngành đã cơ bản cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, gia tăng giá trị. Sở NN&PTNT đã chủ động phối hợp với các địa phương chỉ đạo điều chỉnh kế hoạch sản xuất, cơ cấu mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bố trí cơ cấu giống phù hợp với diễn biến thời tiết và tín hiệu của thị trường, bảo đảm hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, tăng cường công tác quản lý và phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản trên biển; khắc phục các tồn tại trong công tác phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo.
Đã có 1.095ha đất trồng trọt áp dụng quy chuẩn VietGAP, 45ha đất trồng trọt được chứng nhận nông nghiệp hữu cơ, 9 cơ sở đóng gói và 51 vùng trồng được cấp mã số, duy trì 16 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, với 59 loại nông sản an toàn được xác nhận.
Tốc độ tăng trưởng GRDP khu vực I cả năm 2023 ước tăng 4,43%, trong đó thuỷ sản đạt tổng sản lượng 175.324 tấn, bao gồm 81.609 tấn thuỷ sản khai thác và 93.716 tấn thuỷ sản nuôi trồng. Trồng rừng tập trung toàn tỉnh đạt 14.836ha, khai thác gỗ rừng trồng đạt hơn 809.000m3. Tỷ lệ che phủ rừng ổn định 55%. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt gần 101.000 tấn; tổng sản lượng lương thực cây có hạt đạt hơn 218.000 tấn…
Những kết quả trên là động lực rất lớn để ngành NN&PTNT tự tin đề ra mục tiêu sản xuất cho năm 2024 và quyết tâm thực hiện đạt, vượt kế hoạch đề ra.
- Lộ trình, giải pháp cụ thể để ngành NN&PTNT đạt được những mục tiêu phát triển năm 2024 là gì?
+ Năm 2024, ngành NN&PTNT tiếp tục phát triển theo chiến lược nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn, gắn với xây dựng NTM hiện đại, nông dân văn minh. Cụ thể, tập trung tăng diện tích rừng có chứng chỉ; nâng cao chất lượng các loại rừng. Khuyến khích các cơ sở chăn nuôi áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAP), chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi an toàn sinh học. Tiếp tục triển khai thực hiện đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Về thuỷ sản, đây là lĩnh vực “xương sống” của ngành, chúng tôi có kế hoạch, kịch bản tăng trưởng cụ thể cho lĩnh vực này. Ngay trong quý I, ngành tham mưu UBND tỉnh tổ chức hội nghị phát triển nuôi biển tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025.
Hết quý I, các địa phương hoàn thành dứt điểm giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch. Ngành NN&PTNT cũng sẽ tham mưu ban hành Kế hoạch bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản gắn với chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) năm 2024; kế hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển năm 2024. Trong đó, tập trung tham mưu, hoàn thiện dứt điểm các đề án, dự án trọng tâm cụ thể, như: Đề án phát triển bền vững kinh tế thủy sản đến năm 2030; Đề án tái cơ cấu đội tàu khai thác thủy sản đến năm 2030; Đề án phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thành lập BQL Khu bảo tồn biển Cô Tô đảo Trần...
Quan điểm phát triển sản xuất nông nghiệp năm 2024 của ngành là tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực có giá trị tăng cao là lợi thế của tỉnh; thúc đẩy ứng dụng KHCN gắn với cơ giới hóa và phát triển công nghiệp chế biến nông sản; tăng cường chế biến đa dạng hóa sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, phát triển liên kết sản xuất tạo chuỗi liên kết giá trị sản xuất, kinh doanh nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh trong hợp tác.
- Nhìn vào kịch bản tăng trưởng năm 2024 có thể thấy ngành NN&PTNT đặt trọng tâm vào sản xuất thuỷ sản và công tác tiêu thụ nông sản?
Đúng vậy, như tôi đã phân tích ở trên, thuỷ sản là lĩnh vực sản xuất có tính “xương sống” của ngành nông nghiệp. Với mặt biển rộng, bờ biển dài, môi trường biển trong sạch, khả năng cung ứng giống thuỷ sản tốt, thị trường tiêu thụ sản phẩm thuỷ sản rộng mở… Quảng Ninh có dư địa rất lớn để nuôi trồng thủy sản trên biển và nuôi trồng thủy sản ven biển. Sản lượng thuỷ sản đạt lớn, giá trị cao, có tác động rất tích cực đến sự phát triển của toàn ngành.
Thực tế những năm qua, tỷ trọng, giá trị của lĩnh vực thuỷ sản đang chiếm trên 50% giá trị toàn ngành. Chúng tôi đang phấn đấu đưa thuỷ sản lên đến 60% và hơn nữa trong những năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, công tác xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản cũng là khâu rất quan trọng. Nông nghiệp hiện nay không phải là sản xuất nông nghiệp đơn thuần, mà phải là kinh tế nông nghiệp. Sản phẩm làm ra trúng, đúng nhu cầu thị trường, được tiêu dùng, bán được giá, mang lại doanh thu, lợi nhuận cho người sản xuất, đóng góp vào đời sống xã hội thì đó mới là nền nông nghiệp thành công.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Giám đốc Công ty CP Thuỷ sản Tân An Ngô Hùng Dũng:
Cần quan tâm xúc tiến kêu gọi đầu tư nuôi biển
So với nhiều địa phương khác, Quảng Ninh có lợi thế nổi trội về phát triển thuỷ sản. Vùng ngư trường rộng lớn của tỉnh ngày càng giàu nguồn lợi nhờ những hoạt động rất tích cực trong việc giảm áp lực xuống biển mà địa phương triển khai đồng bộ thời gian qua. Các vùng vịnh hở, vịnh kín của Quảng Ninh cũng phù hợp với nhiều đối tượng, loại hình nuôi biển, nhất là những mô hình nuôi biển công nghiệp, công nghệ cao.
Trước mắt, tôi cho rằng ngành NN&PTNT cần quan tâm xúc tiến kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào hạng mục nuôi biển, bao gồm cả hạng mục giống, nuôi thương phẩm và tiêu thụ sản phẩm. Trong hoạt động này rất cần ưu tiên kêu gọi đầu tư vào những hạng mục tỉnh đã có sẵn sơ sở hạ tầng cụ thể, tránh tình trạng để lãng phí.
Giám đốc Công ty CP Khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường Trần Hoà:
Có chính sách hỗ trợ thiết thực để thực hiện hiệu quả nông nghiệp phát thải thấp
Quảng Ninh đang triển khai những giải pháp tích cực để giảm thiểu phát thải khí nhà kính, trong đó đòi hỏi sản xuất nông nghiệp phải ưu tiên sử dụng tài nguyên sẵn có trong tự nhiên; không sử dụng các chất gốc hoá học, thậm chí không sử dụng giống cây trồng, vật nuôi biến đổi gen… nhằm mục tiêu giảm thiểu tối đa tác động bất lợi tới môi trường. Đây cũng là yêu cầu cụ thể để nông nghiệp Quảng Ninh phát triển hướng đến nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái.
Chúng tôi là những người sản xuất trực tiếp, từ lâu nay đã thực hiện các quy trình canh tác thân thiện với môi trường. Về lâu dài, chúng tôi rất cần sự đồng hành và chính sách hỗ trợ thiết thực của ngành nông nghiệp để có thể triển khai các mô hình nông nghiệp phát thải thấp một cách toàn diện và hiệu quả hơn.
Giám đốc HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Bình Dương Nguyễn Bình Nguyên:
Đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tạo ra hệ sinh thái liên kết nông nghiệp
Tôi tán thành quan điểm phát triển sản xuất nông nghiệp năm 2024 của ngành Nông nghiệp Quảng Ninh về tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực có giá trị tăng cao, sản phẩm lợi thế của tỉnh.
Đối với HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Bình Dương, từ thực tế sản xuất khoai tây Atlantic nhiều năm qua, chúng tôi đã tạo ra mối liên kết với hàng trăm hộ nông dân. Điều này cho phép chúng tôi có vùng nguyên liệu lớn, có sự nhất quán về quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm, tạo dựng và duy trì niềm tin đối với đơn vị tiêu thụ sản phẩm. Chúng tôi mong rằng ngành nông nghiệp, các địa phương trọng điểm nông nghiệp tiếp tục khuyến khích hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tạo ra hệ sinh thái liên kết nông nghiệp, bao gồm các mối liên kết chặt chẽ, bền vững, biến các chuỗi liên kết thành hạt nhân trong nền sản xuất nông nghiệp năng động hiện nay.
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()