Tất cả chuyên mục

Thời gian qua, Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp nhằm chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh. Trong đó, việc khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên là một nội dung được tỉnh đặc biệt ưu tiên.
Cụ thể là công tác tổ chức, triển khai lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được Quảng Ninh siết chặt, thực hiện theo quy định của trung ương, cơ bản bảo đảm trình tự, thủ tục theo quy định. Qua đó góp phần tích cực vào việc phát huy tiềm năng đất đai phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo các quỹ đất thu hút nhà đầu tư chiến lược, các ngành dịch vụ, thương mại ngày càng nhiều đến đầu tư tại tỉnh.
Cùng với đó, việc thực hiện các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cơ bản được thực hiện theo quy định. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã trở thành căn cứ để tiến hành thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất - hạn chế việc chuyển đất trồng lúa sang đất sử dụng mục đích phi nông nghiệp, đất rừng sang mục đích khác, bảo đảm diện tích đất có rừng hợp lý. Các chỉ tiêu sử dụng đất tại các địa phương đã có tính toán dành quỹ đất cho phát triển sự nghiệp các ngành, lĩnh vực có tính xã hội và khu vực có tiềm năng, động lực phát triển; đất cho xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng các khu, cụm công nghiệp, các khu du lịch và dân cư.
Công an huyện Ba Chẽ tạm giữ phương tiện khai thác đá trái phép trên địa bàn. |
Mặt khác, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước trong việc quản lý, sử dụng đất; yêu cầu các tổ chức, đơn vị được cơ quan có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất đúng ranh giới được giao, đúng theo quy hoạch được phê duyệt và theo tiến độ dự án đã được phê duyệt và đúng các quy định. Trong quá hình triển khai dự án thì các tổ chức doanh nghiệp, đơn vị được giao, cho thuê đất cơ bản chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng đất, thực hiện theo quy hoạch chi tiết xây dựng, dự án đầu tư được duyệt, đảm bảo tiến độ đưa đất vào sử dụng theo đúng kế hoạch.
Công tác định giá đất cụ thể đã đi vào nề nếp và đạt được một số kết quả nhất định. Thời gian qua đã tổ chức xác định giá đất cụ thể cho trên 400 dự án liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thue đất, khơi điểm đấu giá quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, việc định giá đất cụ thể còn làm căn cứ để UBND cấp huyện bố trí tái định cư ổn định cuộc sống cho người dân sau khi bị thu hồi đất thực hiện dự án; giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội. Căn cứ quy hoạch phát triển chung kinh tế - xã hội, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chủ trương đầu tư, quyết định giao, cho thuê đất..., Hội đồng thẩm định giá đất báo cáo UBND tỉnh phê duyệt việc xác định giá trị tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, nghĩa vụ tài chính về đất đai của người sử dụng đất góp phần vào thu ngân sách nhà nước.
Đặc biệt, tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 03/02/2016 của Ban chấp hành tỉnh Đảng bộ về nội dung rà soát các dự án sử dụng đất chậm tiến độ, trong 10 tháng năm 2018, tỉnh đã thu hồi 43 tổ chức với tổng diện tích 9673,4 ha trong đó có 7 dự án thu hồi do vi phạm pháp luật về đất đai với diện tích 86,1 ha.
Quá trình thẩm định, phê duyệt các Dự án thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh được đánh giá kỹ lưỡng, đảm bảo phù hợp với các Quy hoạch đã được cơ quan chức năng phê duyệt như: Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và khoáng sản phân tán nhỏ lẻ, Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng, Quy hoạch chung của tỉnh và của địa phương… Qua đó, nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên không tái tạo; tăng tối đa hiệu quả kinh tế trong sử dụng khoáng sản, đảm bảo sự phát triển bền vững, ổn định trong tương lai đối với công nghiệp khai khoáng nói chung.
Điển hình là việc gắn mỏ khai thác sét với các Nhà máy sản xuất, chế biến cụ thể, trong đó ưu tiên cấp vùng nguyên liệu cho các Dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm mỏng, cao cấp. Đồng thời, hạn chế, giảm dần đối với các Nhà máy sản xuất gạch nung thông thường. Ngoài ra, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý đất, vật liệu san nền nhất là trong bối cảnh đồng loạt diễn ra nhiều dự án trọng điểm, chiến lược trên địa bàn tỉnh như hiện nay (ước tính trung bình mỗi năm cần khoảng 22,2 triệu m3 vật liệu san lấp để phục vụ các Dự án phát triển kinh tế xã hội dân sinh, phúc lợi trên địa bàn tỉnh).
Bên cạnh đó, tỉnh thường xuyên chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các địa phương nâng cao hiệu quả công tác phối hợp để ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, khai thác sai quy định (khai thác vượt công suất so với Giấy phép được cấp, sai thiết kế kỹ thuật thi công đã được thẩm định, phê duyệt...). Đồng thời, hạn chế tối đa việc sử dụng tài nguyên khoáng sản kém hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí, làm suy kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên và giảm giá trị, hiệu quả kinh tế thu được. Tỉnh cũng ký kết Quy chế phối hợp trong công tác quản lý tài nguyên về than, cát đá sỏi với các địa phương giáp ranh với tỉnh Quảng Ninh (gồm Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang, Lạng Sơn) và TKV, Tổng Công ty Đông Bắc. Qua đó thực hiện những giải pháp phối hợp đồng bộ để ngăn chặn xử lý các hoạt động khai thác, tập kết, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản trái phép, nhất là tại các khu vực giáp ranh, địa hình hiểm trở.
Công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản tập trung vào việc kiểm tra, xử lý khai thác than trái phép và xư lý tình trạng khai thác cát, đá, sỏi, đất trái phép, hoạt động gây ô nhiễm môi trường tại các địa phương. 10 tháng năm 2018, phát hiện nhiều vụ việc vi phạm trong quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên thiên nhiên hoạt động gây ô nhiễm môi trường, xừ phạt vi phạm hành chính 4.610 triệu đồng.
Bảo Bình
Ý kiến (0)