Theo Bloomberg, việc thoái vốn, có thể dẫn đến việc bán lại hoặc phát hành lần đầu ra công chúng, là phương án cuối cùng và chỉ được thực hiện nếu những đề xuất hiện tại của nền tảng này với các quan chức Mỹ không được chấp thuận.
TikTok và ByteDance chưa đưa ra bình luận.
Ứng dụng video ngắn phổ biến nhất thế giới đang bị Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) xem xét về vấn đề an ninh quốc gia. Tuy nhiên, quá trình diễn ra chậm và TikTok không rõ các kế hoạch của họ có đủ thuyết phục để tiếp tục hoạt động ở Mỹ hay không.
Giữa năm ngoái, Ủy ban Thương mại Mỹ (FCC) cũng kêu gọi Apple và Google xóa ứng dụng TikTok khỏi cửa hàng ứng dụng. Sau đó, nền tảng này đã nhanh chóng thực hiện một số biện pháp, theo tài liệu nội bộ có tên "Dự án Texas", nhằm tăng cường bảo vệ thông tin của người dùng Mỹ.
TikTok, hiện có hơn 100 triệu người sử dụng tại Mỹ, ngày càng bị chỉ trích vì nội dung độc hại tràn lan, trong khi gây lo ngại về việc dữ liệu người dùng có thể bị chuyển về Trung Quốc.
CFIUS từ năm 2020 đã khuyến nghị ByteDance thoái vốn khỏi TikTok. Hai bên cũng đã đàm phán hơn hai năm về các yêu cầu bảo mật dữ liệu. TikTok cho biết đã chi hơn 1,5 tỷ USD cho nỗ lực bảo mật thông tin và bác bỏ cáo buộc gián điệp.
Ngày 1/3, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ thông qua dự luật cho phép chính quyền Tổng thống Joe Biden cấm TikTok cùng các ứng dụng đe dọa an ninh quốc gia. Ngày 7/3, thượng nghị sĩ Dân chủ Mark Warner, chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện, và thượng nghị sĩ Cộng hòa John Thune cũng soạn thảo dự luật tương tự.
"100 triệu người Mỹ sử dụng TikTok 90 phút mỗi ngày", ông Warnernói. "Họ lấy dữ liệu từ người Mỹ, không giữ nó an toàn. Nhưng điều khiến tôi lo ngại hơn là TikTok có thể trở thành công cụ tuyên truyền".
Ngay sau đó, Cố vấn An ninh Quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết sẽ "tiếp tục làm việc với đảng Dân chủ và Cộng hòa về dự luật, đồng thời kêu gọi quốc hội nhanh chóng hành động để đệ trình Tổng thống".
Ý kiến ()