Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 19:03 (GMT +7)
Tìm “con chữ” giữa trời đêm
Thứ 5, 02/06/2022 | 09:07:45 [GMT +7] A A
Khi màn đêm buông xuống, nhà văn hóa thôn Khe Lẹ, xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên, lại vang lên những tiếng đánh vần ê a. Đó là âm thanh của lớp học xóa mù chữ do UBND xã Hà Lâu tổ chức. Giữa núi rừng bản cao, ánh đèn của lớp học ấy đã góp phần thắp sáng ước mơ giản dị của nhiều bà con đồng bào DTTS trên địa bàn, đó là biết đọc, biết viết, nâng cao trình độ dân trí...
Niềm vui đi học
Dù tất bật với nỗi lo sinh nhai nhưng chị Voòng Thị Hồng, thôn Khe Lẹ, luôn tranh thủ sắp xếp việc gia đình để cùng các chị em trong thôn đến lớp học xóa mù chữ vào các buổi tối trong tuần. Chị cố gắng không bỏ buổi học nào với mong muốn biết đọc, biết viết để cuộc sống đỡ vất vả hơn. Chị Hồng chia sẻ: “Trước đây do hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi không được đi học, khi biết có lớp dạy xóa mù chữ và phổ biến kiến thức, tôi đã xin đi học. Lúc đầu đi cũng ngại lắm, công việc gia đình thì bộn bề, mình lại lớn tuổi rồi, nhưng nghĩ đến đi học rồi biết chữ, biết viết, mình lại ham”.
Chị Voòng Thị Hồng là vợ của anh Sằn Chi Nàm, Trưởng thôn Khe Lẹ. Chị bẽn lẽn kể: Chồng mình biết chữ rồi nên động viên mình đi học, việc nhà chưa làm xong mà đến giờ đi học thì chồng mình lại làm thay để mình còn kịp giờ vào lớp. Mỗi buổi lên lớp, mặt chữ nào chưa đọc được, mình lại hỏi thêm chồng và được anh chỉ bảo tận tình. Đến giờ thì mình đã nhớ hết chữ, đọc, viết được những đoạn văn, thơ và biết thực hiện các phép tính rồi.
Chị Lỷ Thị Mai dù một nách 4 đứa con nhỏ nhưng vẫn cố gắng thu xếp tham gia lớp xóa mù chữ đều đặn. Chị Mai chia sẻ: Trước đây nhà tôi nghèo lắm, bố mẹ không đủ tiền nuôi ăn chứ đừng nói đến chuyện được đi học. Từ ngày xã tổ chức lớp dạy chữ cho người dân, chỉ duy nhất một buổi tôi xin phép vắng mặt. Sau hôm nghỉ đó, buổi lên lớp kế tiếp, tôi cũng nhờ cô giáo dạy lại những con chữ mình chưa kịp học, để không bỏ sót một từ nào. Cũng từ ngày đi học, tôi dần đã biết đọc, ban đầu là những chữ cái, rồi dần đến là từ đơn, từ ghép, biết viết và làm được những phép tính đơn giản, giúp ích cho tôi rất nhiều trong cuộc sống hàng ngày.
Chị Mai cũng chia sẻ thêm, chị có 4 đứa con, đứa lớn nhất học lớp 8, đứa nhỏ nhất đang học lớp 2. Từ khi biết mẹ tham gia lớp học xóa mù chữ, bọn trẻ con đứa nào cũng vui, tối mẹ đi học về là lại hỏi bài, kiểm tra mẹ học đến đâu, chữ viết có đẹp không. Tất cả những điều đó là động lực quan trọng để chị tham gia lớp học đầy đủ.
Đứng lớp xóa mù chữ cho bà con, thầy giáo Bế Văn Thành, giáo viên Trường Tiểu học, THCS Hà Lâu (huyện Tiên Yên) chia sẻ: Lớp học đa số là phụ nữ, những người cả ngày luôn tay luôn chân với việc nhà, việc nương rẫy. Ban đầu các học viên còn e ngại, có hơi chút tự ti, nhưng chỉ một, hai tuần mọi người cũng đã quen với việc đến lớp và rất hiếm khi vắng mặt. Có những buổi học, trời mưa thâm gió rét, bước chân vào đến lớp đã thấy các học viên đều đã nghiêm chỉnh ngồi chờ thầy giáo, tôi thực sự xúc động. Rồi những buổi lên lớp, dù tận 22 giờ, nhưng học viên vẫn rất hăng say luyện chữ, đánh vần, chưa muốn tan học. Phải tận mắt chứng kiến những cố gắng của các chị, các cô khi luyện chữ, đánh vần mới thực sự thấy hết ý chí quyết tâm của những học sinh đặc biệt này.
Ấn tượng nhất ở lớp học xóa mù chữ tại thôn Khe Lẹ phải kể đến bà Tằng Nhì Múi. Bà là học viên lớn tuổi nhất của lớp học này, đối với bà, niềm vui lớn nhất khi tham gia lớp xóa mù chữ là có thể tự viết được tên mình. Vốn sinh ra trong gia đình nghèo khó nên từ nhỏ bà Múi không có điều kiện đi học. Lớn lên lập gia đình lại lo làm thuê kiếm tiền nuôi 3 đứa con nên bà càng không nghĩ đến việc đi học. Đến giờ các con đã lớn, lập gia đình riêng, bà có điều kiện tham gia lớp học xóa mù chữ.
Mặc dù đã lớn tuổi, ngồi học lâu bị mỏi lưng nhưng bà vẫn chưa nghỉ học buổi nào vì sợ bỏ học lại không biết đọc, biết viết. Đôi bàn tay chai sạn, sần sùi của người phụ nữ ngoài 50 vốn đã quen cầm con dao, cái cuốc nay lại có thể mềm dẻo, nắn nót viết từng chữ cái. Câu chữ đầu tiên sau khi hoàn thành lớp học mà bà tự viết đó chính là tên của mình: Tằng Nhì Múi. Bà nói: Giờ mới biết tên mình được viết như thế nào. Không khó đâu, nhưng vì lâu nay không biết chữ nên khi cần ký giấy tờ phải điểm chỉ bằng vân tay.
Đọc con chữ, viết tương lai
Tại xã Hà Lâu, do điều kiện về đời sống kinh tế khó khăn, cùng với phong tục tập quán trước kia nên trên địa bàn vẫn còn nhiều người dân, nhất là chị em phụ nữ chưa biết đọc, biết viết. Để xóa mù chữ cho bà con, đầu năm 2022, UBND xã mở 2 lớp học xóa mù chữ tại các thôn Khe Lẹ và Khe Ngà - Pò Mảy. Phó Chủ tịch UBND xã Hà Lâu Lã Văn Vy cho biết: Tham gia lớp xóa mù chữ có 42 học viên, chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao trong độ tuổi từ 15-60. Đây là những người chưa từng đi học và có người từng đi học nhưng phải nghỉ giữa chừng do điều kiện hoàn cảnh, nay bị tái mù.
Việc mở các lớp xóa mù chữ nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, trình độ dân trí cho đồng bào DTTS trên địa bàn. Đồng thời cung cấp những kiến thức cơ bản, cần thiết, giúp người dân nâng cao trình độ, hiểu biết, tiến tới áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện chất lượng cuộc sống hàng ngày.
Bây giờ, khi đã tự tin đọc được hết các mặt chữ, dù chưa trôi chảy nhưng cũng đủ hiểu hết được văn bản, chị Lỷ Thị Mai đã mạnh dạn đăng ký tham gia một lớp học nghề về trồng rau an toàn. Chị vui vẻ nói: Mình biết chữ rồi thì phải biết thêm nhiều kiến thức nữa. Học chữ xong mà chỉ để đấy là phụ lòng của thầy cô giáo, nên mình tham gia học nghề để biết được cách trồng cây, chăm bón như thế nào để hiệu quả. Có như thế thì mới kiếm thêm tiền về cho gia đình.
Giống như chị Mai, từ khi đọc thông, viết thạo, chị Voòng Thị Hồng rất vui vì mình biết thêm nhiều điều lý thú từ những thông tin chị đọc được. Tranh thủ những lúc rảnh rỗi, chị tìm đọc hết những tờ báo, tạp chí mà chồng chị để lại trong nhà. Chị nói: Trong này có nhiều kiến thức rất bổ ích về chăm sóc sức khỏe, phát triển kinh tế, làm giàu. Mình thích nhất là những bài viết về tấm gương làm kinh tế giỏi, ở đó mình học được nhiều kinh nghiệm về trồng trọt, chăn nuôi. Còn có những chính sách về vay vốn, quy định của pháp luật mà mình đã đọc được đã giúp mình mở mang hơn, hiểu biết thêm nhiều điều về đời sống xã hội nên vui lắm!
Niềm vui khi biết chữ như tiếp thêm động lực cho chị Mai, chị Hồng và nhiều đồng bào DTTS trên địa bàn xã Hà Lâu về một cuộc sống no đủ, sung túc hơn trong tương lai gần. Khát vọng này cũng đang từng ngày hiện hữu rõ hơn ở khắp bản, làng vùng DTTS, miền núi, biên giới của tỉnh khi những ánh đèn của các lớp học xóa mù chữ vẫn tiếp tục rọi sáng trong đêm.
Không chỉ riêng Tiên Yên, các huyện vùng cao, biên giới như Bình Liêu, Ba Chẽ, Đầm Hà… chính quyền, ban, ngành đoàn thể địa phương cũng thường xuyên mở các lớp xóa mù chữ cho người dân trên địa bàn. Cũng từ những lớp học này đã từng bước hiện thực hóa mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học, nâng cao tỷ lệ người biết chữ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Tính đến nay, tỷ lệ người dân từ 15-60 tuổi biết chữ mức độ 1 trên địa bàn tỉnh đạt trên 99,6%, ở mức độ 2 là 99,12%, 13/13 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Tỉnh cũng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sẽ đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Trong thời gian tới, những lớp học xóa mù chữ sẽ được ngành GD&ĐT Quảng Ninh và các địa phương tiếp tục tổ chức. Qua đó, góp phần nâng cao trình độ, hiểu biết, cải thiện chất lượng cuộc sống, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào vùng DTTS, miền núi, biên giới như mục tiêu Nghị quyết 06-NQ/TU (ngày 17/5/2021) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh hướng đến.
Hà Thanh - Nguyên Ngọc
- Phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS
- Điều kiện vay vốn theo chính sách tín dụng ưu đãi vùng đồng bào DTTS và miền núi
- Đảm bảo công tác an sinh xã hội vùng đồng bào DTTS
- Vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo: Nhiều kỳ vọng cho giai đoạn phát triển mới
- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở vùng đồng bào DTTS
Liên kết website
Ý kiến ()