Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 07:53 (GMT +7)
Vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo: Nhiều kỳ vọng cho giai đoạn phát triển mới
Thứ 2, 28/03/2022 | 10:02:06 [GMT +7] A A
Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, biên giới, hải đảo gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh năm 2022 đã và đang trở thành động lực quan trọng cho nhiều địa phương của tỉnh bứt phá. Để sớm đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống, đến nay, các cấp ngành, địa phương trong toàn tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra với quyết tâm cao nhất.
Bám sát quan điểm, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh đã chủ động xây dựng Kế hoạch số 79 /KH-UBND, ngày 11/3/2022 về “Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh năm 2022” (gọi tắt là Chương trình). Kế hoạch xác định rõ các mục tiêu, giải pháp, cơ chế, chính sách, nguồn lực cụ thể để triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, hoàn thành dứt điểm từng nội dung, nhiệm vụ đề ra của Chương trình trong năm 2022, tạo tiền đề cho việc tổ chức thực hiện Chương trình trong những năm tiếp theo của giai đoạn 2021-2025.
Trong đó, tỉnh nỗ lực phấn đấu đạt mục tiêu có thêm 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 4 đơn vị cấp huyện (TP Hạ Long, Vân Đồn, Bình Liêu, Ba Chẽ) hoàn thành xây dựng NTM, 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM nâng cao (Tiên Yên, Đầm Hà) và Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Hết năm 2022, toàn tỉnh phấn đấu có 12/12 thôn, bản ĐBKK của tỉnh theo tiêu chí mới hoàn thành Chương trình 135, ra khỏi diện ĐBKK; tập trung xây dựng, nâng cấp các công trình hạ tầng thiết yếu, động lực tại địa bàn các xã, thôn mới ra khỏi diện ĐBKK giai đoạn 2016 - 2020. Tại địa bàn các địa phương như Ba Chẽ, Bình Liêu, Đầm Hà không còn các điểm ngập lụt; 100% trường, lớp học được xây dựng kiên cố, đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất; 100% số hộ dân trên địa bàn được sử dụng điện an toàn và nâng cao chất lượng điện; 100% số xã duy trì xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã; duy trì trên 98% đồng bào DTTS có bảo hiểm y tế; xóa “vùng lõm” sóng điện thoại di động ở các khu vực có dân cư sinh sống thuộc địa bàn miền núi, biên giới, hải đảo...
Đồng chí Lý Văn Thành, Phó Trưởng Ban dân tộc tỉnh, cho biết: Việc xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình năm 2022, đang được các cấp ngành, địa phương triển khai bám sát theo đúng các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, các nội dung Chương trình và chủ trương đầu tư Chương trình đã được HĐND tỉnh phê duyệt, phù hợp với tình hình thực tiễn tại tỉnh. Các cấp ngành, địa phương đã phân công, phân cấp rõ ràng, thường xuyên kiểm soát lộ trình, tiến độ triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình theo hướng rõ trọng tâm, trọng điểm; phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, tổ chức thực hiện Kế hoạch.
Các cấp, ngành, địa phương đã tích cực chỉ đạo quán triệt, phổ biến nội dung và lồng ghép thực hiện các nội dung Chương trình với kế hoạch phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh tại địa phương; đồng thời, tiếp tục rà soát các cơ chế chính sách hiện có liên quan đến lĩnh vực phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo và điều kiện thực tiễn phát sinh tại địa phương để tham mưu đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành cơ chế, chính sách mới phù hợp nhằm thực hiện mục tiêu Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của HĐND tỉnh và Chương trình số 4594/CTr-UBND ngày 19/7/2021 của UBND tỉnh. Song song với đó, phát động phong trào thi đua nhằm phát huy vai trò, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình tổng thể, nhất là vai trò chủ thể của cộng đồng, người dân.
Đồng chí Đỗ Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu, cho biết: Ngay trong quý I, huyện đã ban hành đầy đủ các kế hoạch, phân công nhiệm vụ triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để hoàn thành mục tiêu huyện NTM trong năm 2022. Đồng thời, tổ chức phát động phong trào thi đua xây dựng NTM, tổ chức rà soát đề xuất nguồn lực thực hiện Chương trình, triển khai xây dựng dự án liên kết trồng và chế biến miến dong, hướng dẫn thành lập tổ chức thủy lợi trên địa bàn xã Húc Động... Tới đây, huyện sẽ tiếp tục triển khai thực hiện công tác đầu tư các công trình, dự án hạ tầng NTM ngay sau khi có nguồn lực tỉnh hỗ trợ và bố trí nguồn ngân sách huyện đối ứng, đảm bảo hoàn thành các công trình trong năm 2022. Đồng thời, tập trung phát triển sản xuất gắn với thực hiện Đề án tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp; nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho nhân dân trên địa bàn huyện; hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo thiếu hụt về nhà ở và nhà tiêu hợp vệ sinh…
Trúc Linh
- Nghị quyết số 06 - Động lực phát triển mới của khu vực miền núi, biên giới, hải đảo
- Phát triển bền vững vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo
- Bình Liêu: Quan tâm chăm lo, nâng cao đời sống người dân
- Quảng Ninh: Phát triển vùng khó theo cơ chế chuyển từ hỗ trợ sang đầu tư có chiều sâu
- Ban hành Nghị quyết về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảm đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo
Liên kết website
Ý kiến ()