Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 04:32 (GMT +7)
Tín hiệu vui từ trồng rừng gỗ lớn
Thứ 2, 14/06/2021 | 09:38:28 [GMT +7] A A
Ngày 23/4/2021, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 337 về việc quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững (viết tắt là NQ337). Đây được coi là nghị quyết chuyên đề dành cho trồng rừng gỗ lớn với mức hỗ trợ là 100% giống, ngoài ra còn tạo điều kiện người dân tiếp cận vốn tín dụng và hỗ trợ lãi suất vốn vay mức 6%/năm/chu kỳ rừng. Trước mắt NQ337 áp dụng cho người dân huyện Ba Chẽ và TP Hạ Long.
Việc hình thành vườn ươm cây giống lâm nghiệp rộng 4,2ha của HTX lâm nghiệp Ba Chẽ cho thấy sự chủ động của Ba Chẽ để đón đầu NQ337. Sau gần 7 tháng triển khai với giá trị đầu tư 2 tỷ đồng, hiện vườn ươm đã có đủ mặt 11 loại giống cây lâm nghiệp lâu năm với số lượng là 4 triệu cây, đủ để cung ứng giống cho khoảng 600ha rừng gỗ lớn trồng mới.
Từ vườn ươm cây giống lâm nghiệp của HTX lâm nghiệp Ba Chẽ, tháng 4 vừa qua, tranh thủ cuối vụ trồng rừng, hàng chục hộ dân Ba Chẽ đã nhận cây giống để trồng trên thực địa. Chỉ tính riêng người dân xã Đồn Đạc đã trồng đến trên 200ha quế. Mục tiêu của Ba Chẽ trong năm nay là trồng mới khoảng 650ha rừng gỗ lớn, trong đó có 500ha quế và 150ha gỗ lớn các loại khác, nâng tổng diện tích rừng gỗ lớn của huyện là 5.000ha.
Động lực để Ba Chẽ đạt được kết quả trên là nhờ địa phương này đã xây dựng và triển khai đề án trồng rừng gỗ lớn từ năm 2018. Trên nền tảng này, ngay khi NQ337 ra đời, huyện Ba Chẽ sớm phân công cụ thể cho các xã, doanh nghiệp được giao đất rừng đăng ký trồng rừng gỗ lớn với diện tích cụ thể. 100% các xã thành lập ban chỉ đạo trồng rừng gỗ lớn. Huyện Ba Chẽ ký cam kết với các xã cấp đủ giống và tạo điều kiện về vốn vay cho người dân trồng rừng. Các đồng chí lãnh đạo huyện chịu trách nhiệm về kết quả trồng rừng gỗ lớn ở các đơn vị mình phụ trách...
Ông Khiếu Anh Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ khẳng định, NQ337 là một trong những điều kiện rất quan trọng khuyến khích người dân phát triển rừng bền vững, giúp Ba Chẽ trở thành trung tâm kinh tế lâm nghiệp và dược liệu tỉnh Quảng Ninh vào năm 2025 như mục tiêu địa phương này đề ra.
Tại TP Hạ Long, cách triển khai NQ337 là khuyến khích người dân trồng mới các loại cây lâu năm, chất lượng gỗ tốt, kết hợp với trồng dược liệu dưới tán rừng và khai thác lâm sản phụ. Hạ Long đã bước đầu rà soát, đánh giá hiện trạng diện tích rừng sản xuất của các đơn vị nhà nước đang quản lý, diện tích rừng sản xuất giao cho dân mà có thể triển khai trồng rừng gỗ lớn. Từ cuối tháng 4 vừa qua, một số các xã, phường có rừng của TP Hạ Long đã vận động người dân đăng ký trồng rừng gỗ lớn. Qua đó người dân nắm bắt được chủ trương chính sách, tinh thần hào hứng tham gia thực hiện NQ337
Gia đình anh Nguyễn Văn Thường, phường Đại Yên mới đây đã trồng hàng ngàn cây dổi hạt, dổi ghép và cây gù hương trên diện tích rừng giáp khu vực rừng phòng hộ Yên Lập. Theo giới chuyên môn, với những vị trí rừng như trên, nếu trồng cây bản địa, cây có thời gian sinh trưởng dài không chỉ cho mang lại giá trị kinh tế lớn, bền vững mà còn giữ đất, nước, đảm bảo ổn định môi sinh, môi trường. Anh Thường cho biết, nếu quá trình sinh trưởng, phát triển của cây dổi tốt, thời gian tới anh sẽ tiếp tục nhân rộng thêm hàng chục ha rừng dổi khác, coi đây là của để dành cho con cháu, cũng là sinh kế lâu dài cho gia đình.
Đáng mừng ngoài 2 địa phương Ba Chẽ và TP Hạ Long, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh không nằm trong khuôn khổ NQ337 cũng có chuyển động tích cực trong việc trồng rừng gỗ lớn. Đơn cử như các mô hình trồng dổi xanh ở xã Đông Hải, Đông Ngũ, huyện Tiên Yên; mô hình trồng cây mắc ca và cây quế tại TP Uông Bí.
Trồng rừng gỗ lớn là giải pháp đảm bảo cho kinh tế rừng phát triển, thu nhập người trồng rừng được nâng lên, hình thành nền công nghiệp lâm nghiệp giá trị cao, thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Hơn hết, rừng gỗ lớn đóng vai trò quan trọng trong giữ đất, giữ nước, đảm bảo môi sinh môi trường, cảnh quan, ứng phó biến đổi khí hậu, là nền tảng để các thành phần kinh tế khác phát triển cũng như bảo vệ cuộc sống con người.
Có thể thấy NQ337 của HĐND tỉnh về việc quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững đang đáp ứng trúng, đúng nhu cầu của người dân, mục tiêu phát triển lâm nghiệp của mỗi địa phương và toàn tỉnh. Đây là cốt lõi để nghị quyết này được đón nhận cũng là nền tảng để Quảng Ninh nhân lên những cánh rừng gỗ lớn.
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()