Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 03:13 (GMT +7)
Tin vui cho tuyến đường sắt Yên Viên - Hạ Long
Thứ 5, 02/03/2023 | 08:18:16 [GMT +7] A A
Ngày 28/2, thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư, ký ban hành Kết luận số 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tại Kết luận, Bộ Chính trị xác định mục tiêu tổng quát là phát triển giao thông vận tải đường sắt hiện đại, đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, đáp ứng mục tiêu đến năm 2045 nước ta là nước phát triển có thu nhập cao. Vận tải đường sắt đóng vai trò chủ đạo trên hành lang kinh tế Bắc - Nam, các hành lang vận tải chính Đông - Tây và vận tải hành khách tại các đô thị lớn.
Kết luận của Bộ Chính trị yêu cầu đổi mới tư duy trong lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, doanh nghiệp và người dân về vai trò, vị trí, lợi thế của phương thức giao thông vận tải đường sắt, tạo sự thống nhất, quyết tâm cao trong phát triển giao thông vận tải đường sắt; cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển đường sắt đồng bộ với phát triển ngành giao thông vận tải; hoàn thiện các cấp độ quy hoạch giao thông vận tải đường sắt trong tổng thể quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng để định hướng bố trí nguồn lực trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; ưu tiên bố trí nguồn lực trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi hàng năm, khai thác hiệu quả nguồn lực từ quỹ đất, nguồn lực ngoài ngân sách cho phát triển giao thông vận tải đường sắt; đa dạng hoá nguồn vốn, các hình thức, phương thức đầu tư các dự án đường sắt, đẩy mạnh đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (hợp đồng BT, BOT, BTO, TOD...); nghiên cứu xây dựng và ban hành chính sách về nhượng quyền khai thác một phần kết cấu hạ tầng đường sắt để thu hồi vốn các công trình được đầu tư từ vốn vay, kể cả vốn ODA và vốn trái phiếu chính phủ...
Đặc biệt, một trong những mục tiêu cụ thể đến năm 2030, Bộ Chính trị xác định tiếp tục đầu tư hoàn thành tuyến Hà Nội - Hạ Long. Đây là tin vui cho tuyến đường sắt Yên Viên - Hạ Long bởi đến nay Dự án đã dừng tiến độ 12 năm (từ năm 2011 theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội).
Dự án xây dựng tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân với chiều dài 131km (43km xây dựng mới và 88km cải tạo, nâng cấp), có điểm đầu tại ga Yên Viên, điểm cuối tại cảng Cái Lân; tổng mức đầu tư 7.665 tỷ đồng, được khởi công từ năm 2005. Đây là tuyến đường sắt có vai trò quan trọng trong phát triển hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Tuy nhiên, giai đoạn năm 2008-2011 nền kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nên Dự án phải đình hoãn, giãn tiến độ. Việc dự án chậm tiến độ đã ảnh hưởng lớn đến các hộ dân dọc tuyến đường (từ TX Đông Triều, TP Uông Bí, đến TP Hạ Long). Các hộ dân trong phạm vi dự án không được xây dựng, sửa chữa nhà ở, không tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất, không được cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất..., đồng thời gây lãng phí tài nguyên đất, kìm hãm phát triển kinh tế, xã hội, ảnh hưởng đời sống dân sinh.
Việc hoàn thành tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân trong giai đoạn đến năm 2030 sẽ phát triển hài hòa các phương thức vận tải, đảm bảo tính kết nối giữa các phương thức và tối ưu hóa chi phí vận tải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng và các địa phương dọc tuyến, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đảm bảo an toàn cho người dân trong khu vực dự án.
Bảo Bình
Liên kết website
Ý kiến ()