Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 13/11/2024 05:43 (GMT +7)
Tình báo Mỹ muốn duy trì áp lệnh hạn chế vũ khí tầm xa đối với Ukraine
Thứ 7, 26/10/2024 | 05:59:37 [GMT +7] A A
Lầu Năm Góc và Ủy ban Tình báo Mỹ (IC) đều đã khuyên Washington không nên cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga.
Dẫn lời một quan chức giấu tên, tờ Fox News đưa tin việc “bật đèn xanh” cho Kiev sử dụng Hệ thống tên lửa chiến thuật Lục quân (ATACMS) do Mỹ cung cấp sẽ không có tác động chiến lược, mà còn có nguy cơ gây leo thang hơn nữa căng thẳng giữa Washington và Moskva.
Điện Kremlin tuyên bố sẽ coi các cuộc tấn công mày là một cuộc tấn công chung của Mỹ và Ukraine vào Nga. Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Kiev sẽ không thể tự thực hiện các cuộc tấn công này vì họ sẽ phải dựa vào dữ liệu nhắm mục tiêu do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cung cấp.
Hôm 23/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố Nga đã di chuyển máy bay của nước này đến các căn cứ ngoài phạm vi 300 km của ATACMS. Điều này có nghĩa dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng loại vũ khí này sẽ chỉ có tác động tối thiểu.
Quan chức Mỹ giấu tên nói với Fox News rằng việc cho phép Ukraine sử dụng tên lửa của Mỹ để tấn công tầm xa là liều lĩnh, xét đến lập trường của Nga.
“Sẽ là vô trách nhiệm nếu chúng ta không tính đến những gì Nga sẽ hành động”, vị quan chức này nói. Ông đồng thời cho biết Nga là một cường quốc hạt nhân có khả năng gây ra những điều rất tồi tệ cho cả Ukraine và Mỹ.
Theo quan chức giấu tên, Ủy ban Tình báo Mỹ cũng cảnh báo Moskva có thể di chuyển các tài sản quân sự của nước này ra khỏi tầm bắn của ATACMS, nếu Ukraine được phép sử dụng loại vũ khí này. Ngoài ra, kho tên lửa của Ukraine đang cạn kiệt và kho dự trữ của Lầu Năm Góc không thể chuyển đi mà không làm tổn hại đến khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ, Fox News nhấn mạnh.
Về phần mình, nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky đã đưa việc dỡ bỏ các hạn chế của phương Tây đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa chống lại Nga là một trong những điểm hàng đầu trong "kế hoạch chiến thắng" mới được công bố của ông.
Đầu năm nay, Tổng thống Vladimir Putin đã ra lệnh cập nhật học thuyết hạt nhân của Nga. Theo đó, Moskva có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nếu bị tấn công bởi bất kỳ quốc gia nào, và mọi cuộc tấn công thông thường vào Liên bang Nga - được hỗ trợ bởi một cường quốc hạt nhân - sẽ được coi là một cuộc tấn công chung. Bất kỳ cuộc tấn công nào như vậy đều được coi là căn cứ tiềm tàng để sử dụng vũ khí hạt nhân.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()