Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 05:22 (GMT +7)
Tỉnh có chỉ số phát triển hạ tầng giao thông tốt nhất
Thứ 2, 30/10/2023 | 07:54:25 [GMT +7] A A
Cuối năm 2022 Quảng Ninh đưa cao tốc Vân Đồn - Móng Cái vào khai thác, hoàn thành trục cao tốc dọc tỉnh, nối địa đầu Tổ quốc Móng Cái với Thủ đô Hà Nội sau 8 năm nỗ lực thi công. Qua đó sở hữu đa dạng loại hình giao thông đồng bộ, có sân bay, cảng tàu quốc tế, cao tốc dọc tỉnh, trở thành tỉnh phát triển hạ tầng giao thông nhanh nhất nước. Từ đó thực sự phát huy sứ mệnh cầu nối không gian, gắn kết chặt chẽ các hoạt động kinh tế - xã hội trong dòng chảy phát triển của vùng và cả nước.
Khơi nguồn của đổi mới
Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã lựa chọn 3 khâu đột phá chiến lược (thể chế, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng) là chìa khóa quan trọng để đẩy mạnh sự nghiệp CNH-HĐH, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững giai đoạn 2011-2020. Trong đó xác định, kết cấu hạ tầng là nền móng, là “đường dẫn” cho phát triển, cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Điều này xuất phát từ vai trò và thực trạng của hệ thống kết cấu hạ tầng nói chung, nhất là hạ tầng giao thông, tại Việt Nam giai đoạn này còn nhiều bất cập, là điểm nghẽn lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội khi thời gian lưu thông hàng hóa chậm, làm tăng chi phí, giảm hiệu quả và sức cạnh tranh, tăng chênh lệch mức sống giữa thành thị, nông thôn, các vùng…
Thực tế tại Quảng Ninh, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời: “Giao thông là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì mọi việc dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trệ”, đã có trong tư duy, mong muốn của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh các thời kỳ. Song để có được “giao thông tốt”, giao thông đi trước mở đường trong bối cảnh nguồn ngân sách còn hạn hẹp là thách thức rất lớn. Dù là một đỉnh của tam giác kinh tế phía Bắc, song Quảng Ninh lại nằm tại cực Đông Bắc của Tổ quốc, tính chất kết nối liên vùng chưa cao, vì thế chưa phải là trọng điểm ưu tiên đầu tư của quốc gia.
Những người đã từng đến, sống ở Quảng Ninh thời kỳ đó đều biết rằng, hạ tầng giao thông của tỉnh khá đơn điệu, sơ sài. Đường đến tỉnh chủ yếu thông qua trục QL18 và QL10. Hai tuyến đường này thường xuyên nằm trong tình trạng xuống cấp bởi mật độ phương tiện quá tải, gây ách tắc và tốn nhiều thời gian di chuyển, chờ đợi. Đây cũng là “nút thắt” khiến Quảng Ninh dù sở hữu đa dạng các loại hình kinh tế, nhiều tiềm năng riêng có, được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ví như “Một Việt Nam thu nhỏ”…, nhưng trong một thời gian dài kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào ngành khai khoáng vốn hữu hạn, ngày càng khó khăn.
Đồng chí Đỗ Thông, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chia sẻ: Anh em làm giao thông thời kỳ đó như ngồi trên đống lửa, khi từ Hà Nội các tuyến đường cao tốc được đầu tư đến Lào Cai, Hải Dương, Hải Phòng. Chỉ còn 25km nữa là chúng ta bắt vào tuyến giao thông huyết mạch hiện đại đó. Lúc đó tỉnh đã tính toán, 25km này nếu được đầu tư thì sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ giảm cự ly và rút ngắn thời gian từ Quảng Ninh đi Hà Nội từ 180km còn 130km, thời gian còn 1,5 giờ so với trước đây 3,5 giờ; từ Quảng Ninh đi cảng Hải Phòng, từ 75km còn 25km. Điều quan trọng hơn là từ đây sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh trong thu hút đầu tư, cởi một nút thắt, điểm nghẽn lớn, tạo đà tăng trưởng mới của tỉnh.
Đứng trước những khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua, với khát vọng lớn lao đánh thức tiềm năng, lợi thế của một vùng đất lớn, yên bình, sự kế thừa và đổi mới tư duy trong phát triển của các thế hệ lãnh đạo tỉnh không ngừng lớn mạnh. Nghĩ những việc chưa ai nghĩ, làm những việc chưa ai làm, tất cả vì một Quảng Ninh giàu đẹp, tập thể BTV Tỉnh ủy giai đoạn đó đã mạnh dạn, thống nhất: Để phát triển, phá thế kìm kẹp, hạn chế của hạ tầng giao thông, không thể chỉ ngồi đợi, trông chờ. Những đầu tàu năng động đã mạnh dạn, tìm tòi con đường đi riêng cho mình thông qua việc tham góp ý kiến, kinh nghiệm từ những mô hình của các nước phát triển, áp dụng thực tế với bối cảnh, địa hình của tỉnh để cùng thống nhất ý tưởng triển khai.
Quan điểm phát triển được hoạch định, đó là “Dựa vào nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược, cơ bản lâu dài; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá". Hình thức hợp tác công - tư (PPP) đã ra đời trong hoàn cảnh đó. Bắt tay vào thực hiện, Quảng Ninh đã nhanh chóng định vị lại những giá trị nổi trội, riêng có, cơ hội, tạo nên lợi thế so sánh với hội tụ đầy đủ các yếu tố đặc thù. Tỉnh xác định “nút thắt” do thể chế, việc cởi bỏ có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự hấp dẫn của môi trường đầu tư.
Nghĩ và làm trong thời gian rất ngắn, năm 2012 Quảng Ninh đề xuất và mạnh dạn thể nghiệm về thể chế bằng việc đề xuất với Chính phủ tự làm đường cao tốc với những lý lẽ thuyết phục, chứng minh nguồn tài chính, được Chính phủ chấp thuận. Năm 2014 cao tốc Hạ Long - Hải Phòng được khởi công với tổng nguồn vốn cả đường và cầu gần 14.000 tỷ đồng. Chỉ sau 2 năm, lần lượt là Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn và Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, đại diện cho cánh cửa bầu trời và cánh cửa đại dương thuộc loại hình giao thông đường hàng không và đường biển kết nối thẳng với thế giới, được đầu tư đồng bộ, đi kèm là những giá trị cảnh quan hiện đại, đẳng cấp, kết nối liên thông tổng thể cùng trục cao tốc đường bộ. Tháng 9/2022, Quảng Ninh tổ chức khánh thành cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đoạn tuyến cuối cùng của chuỗi cao tốc dọc tỉnh dài 176km, chính thức hoàn thành cả 3 cửa ngõ giao thông kết nối với khu vực và thế giới sau 8 năm cố gắng.
Dấu ấn tư nhân trên các công trình giao thông
Từ một tỉnh có xuất phát điểm thấp, Quảng Ninh đã vươn lên tốp các tỉnh phát triển năng động nhất nước, tăng trưởng GRDP đạt 2 con số trong 7 năm liên tiếp (2016-2022), ngay cả trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhất; tỉnh đứng thứ 3 cả nước về thu hút vốn FDI với hơn 2 tỷ USD năm 2022. Quảng Ninh được Bộ GT-VT đánh giá là địa phương có hạ tầng giao thông đồng bộ và phát triển nhanh nhất nước. Có được kết quả này, bên cạnh sự đổi mới cả trong tư duy và hành động, tinh thần kế thừa, "Kỷ luật và Đồng tâm" qua nhiều thế hệ lãnh đạo, Quảng Ninh còn nhận được sự quan tâm ủng hộ, tin tưởng rất lớn từ các nhà đầu tư, sẵn sàng đồng hành cùng tỉnh triển khai các dự án giao thông động lực, quan trọng.
Để làm được điều này, với quan điểm đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực để phát triển trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, từ năm 2013 trong điều kiện khung pháp lý về đầu tư công - tư chưa đầy đủ, Quảng Ninh đã mạnh dạn nghiên cứu một số mô hình đầu tư mới, nhằm kết hợp và huy động nguồn lực từ khối tư nhân. Nhằm xây dựng niềm tin, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, tỉnh đã phát thông điệp: "Nhà nước sẽ không trực tiếp làm những gì nhân dân, doanh nghiệp làm được và làm tốt hơn". Tỉnh nỗ lực, quyết liệt trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, thay cho bị động chờ nhà đầu tư đến với mình như trước.
Với cách làm bài bản, giải pháp căn cơ, cụ thể tại từng dự án, chỉ sau thời gian ngắn, đầu tư theo hình thức PPP đã như một luồng gió mới nhanh chóng lan rộng ra toàn hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn. Hàng loạt các dự án trọng điểm, lần đầu có trên địa bàn, như sân bay, cảng tàu chuyên biệt, đường cao tốc… được các nhà đầu tư đăng ký và thực hiện với tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016-2022 gần 350.000 tỷ đồng. Trong đó Nhà nước tham gia vào các dự án PPP khoảng trên 4.000 tỷ đồng, chủ yếu tập trung cho công tác GPMB. Như vậy với 1 đồng ngân sách bỏ ra làm "vốn mồi", Quảng Ninh đã huy động được 8-9 đồng từ khối tư nhân đầu tư vào tỉnh.
Nói về thành công của Quảng Ninh trong việc huy động các nguồn đầu tư kết cấu hạ tầng, ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ GT-VT, khẳng định: Quảng Ninh đã tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ về hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, với chính sách thu hút đầu tư, huy động nguồn vốn xã hội hóa cho công cuộc đổi mới. Từ nguồn lực xã hội hóa, tỉnh đã tạo nên những công trình hiện đại bậc nhất cả nước, đi vào lịch sử của ngành GT-VT Việt Nam. Tỉnh đã huy động được những nguồn lực lớn, không phải là từ ngân sách, mà từ sự đoàn kết, đổi mới tư duy, cải thiện môi trường đầu tư để thu hút vốn phục vụ phát triển.
Bài học kinh nghiệm sử dụng ngân sách tỉnh làm những "công trình trung ương” đến thời điểm này Quảng Ninh đang triển khai hiệu quả nhất nước. PPP không chỉ giải tỏa cơn khát hạ tầng cho Quảng Ninh, mà còn là cơ sở thực tiễn để Quốc hội ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (năm 2020), là tiền đề để Bộ GT-VT đang đề xuất Chính phủ thay đổi, điều chỉnh trong chủ trương đầu tư phát triển hạ tầng giao thông thời gian tới; đó là quốc lộ, cao tốc của tỉnh nào thì giao cho địa phương đó đầu tư.
Như vậy, nguồn lực xã hội sẽ tiếp tục được khai thác để phát triển hạ tầng giao thông thời gian tới. Kinh nghiệm của Quảng Ninh minh chứng cho hiệu quả của hình thức đối tác công - tư. Nếu biết cách làm, tìm được nhà đầu tư chiến lược, thì PPP sẽ là lời giải cho bài toán phát triển hạ tầng giao thông trong bối cảnh ngân sách eo hẹp hiện nay.
Vị thế mới, diện mạo mới
Nhìn lại suốt quá trình xây dựng, phát triển, nhất là trong những năm đổi mới vừa qua, Quảng Ninh - mảnh đất vinh dự được Bác Hồ đặt tên, đã từng bước khẳng định được vị thế. Không chỉ là trung tâm kết nối vùng, cực tăng trưởng quan trọng khu vực phía Bắc, Quảng Ninh còn trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo, địa chỉ đỏ trong bản đồ thu hút đầu tư tại Việt Nam.
Trong chuyến thăm và làm việc tại Quảng Ninh tháng 4/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Với vị thế quan trọng, Quảng Ninh cần thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng để khai thác tốt lợi thế cạnh tranh”. Điều mà đồng chí Tổng Bí thư trăn trở đã được Quảng Ninh xác định rất rõ trong Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh: Kiên trì thực hiện tổ chức không gian phát triển “Một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá” nhằm bảo đảm mục tiêu liên kết, đồng bộ để phát huy thế mạnh của từng địa phương trong tỉnh cũng như thế mạnh của tỉnh trong Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Chưa đầy 2 năm thực hiện theo tinh thần Nghị quyết và mong muốn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Quảng Ninh đã hoàn thành trục cao tốc dọc tỉnh với chiều dài 176km, nối liền cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội - Lào Cai, tạo thành trục cao tốc liên thông Lào Cai - Hà Nội - Móng Cái dài gần 600km, chiếm 60% tổng số km đường cao tốc Việt Nam, là hạ tầng giao thông liên kết tốt nhất phía Bắc thời điểm đó.
Song song với việc hoàn thành tuyến giao thông trục chính là cao tốc, tỉnh đã triển khai nhiều công trình giao thông kết nối khác để hình thành chuỗi liên kết vùng, như đường nối Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng... là những công trình hình thành trên cơ sở hợp tác, phối hợp cùng đầu tư để lan tỏa lợi ích. Quảng Ninh sẵn sàng chia sẻ sân bay và cảng biển với Lạng Sơn, Bắc Giang bằng những tuyến đường kết nối mới, chia sẻ cao tốc với Vùng đồng bằng Sông Hồng để đến thị trường hơn 1,4 tỷ dân Trung Quốc nhanh hơn.
Những công trình của Quảng Ninh là điều kiện, tiền đề để Chính phủ kiến tạo nên hành lang giao thông động lực phía Bắc bằng liên kết trục cao tốc phía Đông bao gồm 4 địa phương: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên. Trục cao tốc này còn kết nối hàng loạt KCN, các đô thị... nối liền 3 sân bay quốc tế (Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn) và hệ thống các cảng biển quốc tế, tạo ra một vùng có tổng diện tích tự nhiên gấp 3 lần Thủ đô Hà Nội, 5 lần TP Hồ Chí Minh, 8 lần TP Đà Nẵng.
Chuỗi liên kết này sẽ giúp các tỉnh phá được rào cản bất lợi trong phát triển, nâng cao vị thế trong khu vực và cả nước, tác động mạnh tới giao thương, vận tải hàng hoá, phát triển du lịch, thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm cho người dân... Rút ngắn khoảng cách giao thông góp phần làm giảm cước phí vận tải, giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế phát triển. Đồng thời trở thành điểm giao thông trung chuyển, trung tâm logistics của vùng và quốc gia; tham gia trực tiếp vào tuyến đường cao tốc ven biển Vùng duyên hải Bắc Bộ, Vùng Đồng bằng sông Hồng, đưa Quảng Ninh trở thành cửa ngõ giao thông của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, kết nối giao thương ASEAN với nước bạn Trung Quốc.
Lợi thế được cộng hưởng khi hạ tầng giao thông phát triển, trong đó Quảng Ninh đang là một trong những địa phương dẫn đầu về tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông, tổng thể. Điều này góp phần thúc đẩy liên kết vùng, hợp tác hóa lãnh thổ, tạo những hành lang, không gian phát triển mới, được tính toán, cân nhắc với kiến tạo cảnh quan - kiến trúc công trình mang dấu ấn bản sắc địa phương đã khẳng định được vị thế mới, diện mạo mới của một Quảng Ninh năng động và phát triển.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()